| Hotline: 0983.970.780

Huy động tổng lực phòng, chống sâu keo mùa thu hại ngô

Thứ Hai 15/07/2019 , 21:48 (GMT+7)

Ngày 15/7, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường ban hành Chỉ thị số 4962 về việc tăng cường công tác phòng, chống sâu keo mùa thu hại ngô.

Sâu keo mùa thu là loại sâu hại mới nguy hiểm mới xâm nhập vào nước ta

Sâu keo mùa thu (Spodoptera frugiperda) là loại sâu hại mới, xâm nhập vào nước ta từ tháng 4 năm 2019. Đây là loài sâu hại có khả năng di trú rất xa, vòng đời ngắn, có nhiều lứa và thời gian các lứa sâu đan xen nhau nên khó khăn cho công tác phòng, chống.

Theo công bố của nhiều quốc gia, sâu keo mùa thu có khả năng gây hại nặng cho ngô và nhiều loại cây trồng khác nên cần phải có biện pháp quản lý kịp thời và hiệu quả.

Theo báo cáo của các địa phương, sâu keo mùa thu đã xuất hiện và gây hại hầu hết các vùng trồng ngô trong cả nước với tổng diện tích nhiễm khoảng 15 nghìn hecta, gây hại nặng một số tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.

Dự báo trong thời gian tới, sâu keo mùa thu sẽ tiếp tục phát sinh gây hại cây ngô trên diện rộng, nguy cơ giảm năng suất và sản lượng nếu không được phòng, chống kịp thời.

Sâu keo mùa thu tiếp tục lây lan và gây thiệt hại hoa màu, nhất là ngô tại nhiều tỉnh.

Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho sản xuất ngô do sâu keo mùa thu gây ra, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo UBND các cấp, các ban ngành và cơ quan chuyên môn của địa phương thực hiện nghiêm túc công tác điều tra phát hiện, thống kê mức độ, diện tích nhiễm sâu keo mùa thu trên ngô và các cây trồng khác.

Hướng dẫn nông dân chủ động tổ chức thực hiện công tác phòng chống theo quy trình kỹ thuật đã được Cục Bảo vệ thực vật ban hành.

Tổ chức thông tin, tuyên truyền về đặc điểm sinh học, quy luật phát sinh gây hại cũng như các biện pháp kỹ thuật phòng chống sâu keo mùa thu cho cán bộ ngành trồng trọt và bảo vệ thực vật, khuyến nông và nông dân.

Khuyến cáo nông dân áp dụng triệt để các biện pháp sinh học, sử dụng bẫy bả để thu bắt và tiêu diệt trưởng thành. Sử dụng các biện pháp thủ công (thu gom và tiêu diệt ổ trứng, sâu non) và các biện pháp canh tác, vệ sinh đồng ruộng để giảm mật độ sâu keo mùa thu trên đồng ruộng.

Chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong trường hợp mật độ sâu cao, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật đã được Cục Bảo vệ thực vật hướng dẫn, tuân thủ nguyên tắc “4 đúng” khi sử dụng.

Tổ chức điều tra, đánh giá nhằm xác định các giống ngô có khả năng kháng, chống chịu với sâu keo mùa thu để thông tin, hướng dẫn nông dân sử dụng thay thế các giống ngô đã bị sâu keo mùa thu gây hại nặng.

Thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là các hành vi lợi dụng dịch bệnh để kinh doanh thuốc giả, thuốc không đảm bảo chất lượng và tăng giá thuốc.

Đối với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT, Cục Bảo vệ thực vật tiếp tục chỉ đạo các Trung tâm Bảo vệ thực vật vùng phối hợp với Sở NN-PTNT, cơ quan bảo vệ thực vật địa phương tăng cường cán bộ bám sát đồng ruộng, hướng dẫn và chỉ đạo nông dân các biện pháp phòng chống kịp thời sâu keo mùa thu.

Phối hợp với các đơn vị nghiên cứu thực hiện đánh giá hiệu quả các biện kỹ thuật đã và đang thực hiện, tiếp tục khảo sát, thử nghiệm để lựa chọn các biện pháp kỹ thuật phòng, chống phù hợp và hiệu quả để hướng dẫn các địa phương và nông dân áp dụng.

Chủ động trao đổi với FAO, các tổ chức quốc tế và các quốc gia để tiếp nhận hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm về phòng, chống Sâu keo mùa thu. Phối hợp với Trung tâm Khuyến nông quốc gia, các cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương tổ chức thông tin, tuyên truyền thường xuyên về tình hình phát sinh gây hại và công tác chỉ đạo phòng chống loài sâu hại này. Làm đầu mối tham mưu, chỉ đạo, tổng hợp báo cáo Bộ về tình hình Sâu keo mùa thu, công tác phòng chống và các hoạt động liên quan.

Sâu keo mùa thu tàn phá ngô tại Quảng Ngãi.

Cục Trồng trọt phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương biện pháp canh tác, bố trí mùa vụ để hạn chế tác hại của sâu keo mùa thu. Đặt hàng nghiên cứu, tuyển chọn bộ giống ngô kháng, chống chịu sâu keo mùa thu để đưa vào áp dụng trong sản xuất.

Trung tâm Khuyến nông quốc gia chủ trì, phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật tổ chức, thông tin, tuyên truyền; soạn thảo, in ấn và phát hành tài liệu, tổ chức các diễn đàn khuyến nông @ với chủ đề phòng, chống sâu keo mùa thu. Đề xuất xây dựng các mô hình khuyến nông về quản lý dịch hại tổng hợp sâu keo mùa thu hại ngô ở địa phương. Tổ chức tập huấn về sâu keo mùa thu cho cán bộ trong hệ thống khuyến nông ở địa phương.

Bộ NN-PTNT đề nghị các địa phương, cơ quan quản lý, đơn vị nghiên cứu chủ động phối hợp tìm cách hạn chế tác hại và lây lan của sâu keo mùa thu.

Các đơn vị nghiên cứu chủ động đề xuất và tổ chức nghiên cứu về sâu keo mùa thu và biện pháp phòng chống đảm bảo hiệu quả phòng trừ, hiệu quả kinh tế, an toàn cho môi trường; nghiên cứu nhân nuôi ký sinh, thiên địch phòng chống sâu keo mùa thu; nghiên cứu tuyển chọn giống ngô kháng, chống chịu sâu keo mùa thu để áp dụng vào sản xuất.

Bộ NN-PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan thuộc Bộ chỉ đạo thực hiện các nội dung trên và thường xuyên báo cáo kết quả, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện về Bộ (qua Cục Bảo vệ thực vật) để kịp thời xử lý.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.