| Hotline: 0983.970.780

Sâu keo mùa thu lây lan: Phép thử thất bại của việc sáp nhập hệ thống bảo vệ thực vật

Thứ Sáu 12/07/2019 , 08:43 (GMT+7)

Khó khăn, lúng túng trong việc ứng phó với sâu keo mùa thu tại nhiều địa phương đang lộ ra những bất cập của việc sáp nhập hệ thống tổ chức của ngành BVTV ở cơ sở.

Chi cục BVTV như “thiếu chân tay”

Sơn La, vựa ngô lớn nhất cả nước đang đối mặt với nhiều thách thức kể từ khi sâu keo mùa thu đã bùng phát và gây hại trên diện rộng từ đầu năm 2019 đến nay. Trong bối cảnh đó, việc thay đổi cơ cấu tổ chức, sáp nhập hệ thống các trạm BVTV về các trung tâm dịch vụ nông nghiệp (thuộc UBND các huyện quản lí) càng khiến công tác điều tra, nắm bắt, chỉ đạo và triển khai phòng chống sâu keo mùa thu gặp không ít khó khăn.

16-59-49_12-58-49_nh_1
Sâu keo mùa đang có nguy cơ đe dọa vựa ngô Sơn La

Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Sơn La, tính đến cuối tháng 6/2019, toàn tỉnh này đã có trên 10 nghìn ha ngô bị sâu keo mùa thu tấn công, trong đó nặng nhất là các huyện Mường La (hơn 2.000ha), Mai Sơn, Thuận Châu và TP Sơn La (hơn 1.000 ha/huyện)... Nhiều vùng SX ngô trọng điểm của tỉnh này đã bùng phát sâu keo mùa thu gây hại với mật độ phổ biến 1,5 con/m2, cao 10 - 20 con/m2, có nơi 30 - 40 con/m2.

Điều đáng lo ngại là đến thời điểm này, đa số diện tích ngô trong tổng số khoảng hơn 110 nghìn ha ngô vụ hè thu (HT) của tỉnh này vẫn đang trong giai đoạn từ mới trồng đến chín sáp, đồng thời khoảng trên 24 nghìn ha ngô vụ HT vẫn đang trong giai đoạn tiếp tục xuống giống. Theo dự báo, thời gian tới thời tiết diễn biến thuận lợi, ban ngày nắng xen với những đợt mưa rào, biên độ chênh lệch ngày đêm lớn là điều kiện cho loài sâu keo mùa thu phát sinh và gây hại nặng trên vụ ngô vụ HT.

Ông Phạm Văn Hùng, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Sơn La cho biết: Trên thực tế, ngay từ đầu vụ ngô xuân 2019, sâu keo mùa thu đã bắt đầu gây hại tại một số địa phương của tỉnh. Trong đó, đã có nhiều diện tích bị nhiễm nặng, nông dân phải phá bỏ trồng lại.

Tuy nhiên, với địa bàn miền núi, vùng sâu vùng xa rất rộng, nên việc nắm bắt tình hình phát sinh sâu keo mùa thu trên ngô đã gặp không ít khó khăn, dẫn tới chậm trễ trong triển khai phòng trừ ngay từ đầu.

Đặc biệt, sự thay đổi tổ chức chân rết là các trạm BVTV, chuyển từ trực thuộc Chi cục Trồng trọt và BVTV về các Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thuộc UBND cấp huyện quản lí cũng là nguyên nhân không nhỏ khiến việc nắm bắt, phát hiện và tổ chức phòng trừ sâu keo mùa thu gặp rất nhiều bất cập.

Cụ thể đến nay, trong tổng số 12 huyện thị của tỉnh Sơn La, thì đã có 11 trạm BVTV được sáp nhập về Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (riêng Mộc Châu sáp nhập về Trung tâm Nông nghiệp huyện). Tại Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Sơn La, hiện nay đã giải thể 2 phòng chức năng là Phòng Thanh tra và Phòng Kiểm dịch thực vật nội địa, chỉ còn lại 2 phòng chuyên môn là Phòng Trồng trọt và Phòng BVTV.

Trình độ chuyên môn mai một

Cùng với việc sáp nhập các Trạm BVTV về Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, các trung tâm này là đơn vị sự nghiệp, không còn có chức năng quản lí nhà nước về các lĩnh vực như thanh tra, KDTV nội địa, vệ sinh ATTP... Khi cán bộ các trạm BVTV chuyển về các trung tâm dịch vụ, họ không còn hoạt động chuyên trách, mà kiêm nhiệm nhiều công việc, khiến trình độ chuyên môn bị mai một, không cập nhật được các sinh vật gây hại mới, tỉ lệ tham gia tập huấn đã bị tụt thấp.

Ông Phạm Văn Hùng thẳng thắn thừa nhận: Trước đây, khi cần, lãnh đạo Chi cục chỉ cần điện thoại trực tiếp cho các trạm BVTV để khẩn trương kiểm tra, nắm bắt tình hình sâu hại, trực tiếp đề xuất với Sở NN-PTNT và UBND tỉnh triển khai ngay các biện pháp phòng trừ dịch hại.

Tuy nhiên đến nay, Chi cục muốn triển khai công việc gì, thì phải có văn bản thông qua UBND các huyện trước, khiến tiến độ công việc rất chậm.

Bên cạnh đó, từ khi sáp nhập các trạm BVTV về các Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, hiện lực lượng cán bộ BVTV đã “rơi rụng” rất nhiều. Một phần sau khi sáp nhập, đã có tình trạng cán bộ BVTV chuyển sang làm công việc khác (kể cả nghề tự do), hoặc đồng thời phải kiêm nhiệm nhiều công việc.

Nhiều trạm BVTV, sau khi cán bộ cũ nghỉ hưu, thì không tuyển thêm cán bộ mới, khiến hệ thống BVTV ở cơ sở đang có nguy cơ tan rã. Trước đây, mỗi trạm BVTV trung bình có 4 - 5 người, nhưng bây giờ cá biệt có những Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện (như huyện Yên Châu) chỉ còn duy nhất 1 người chuyên trách về BVTV, khiến cơ quan BVTV cấp tỉnh như “cụt chân tay”.
 

Hệ thống BVTV các tỉnh đã đi đâu, về đâu?

Theo Cục BVTV, đến nay, cả nước có duy nhất tỉnh Bình Phước đã giải thể Chi cục Trồng trọt và BVTV để chuyển sang mô hình thành lập Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh (tuy nhiên vẫn chưa có quyết định của UBND tỉnh, mà chỉ căn cứ vào nghị quyết của Tỉnh ủy để triển khai).

Có 2 tỉnh đã thực hiện sát nhập các chi cục để thành lập chi cục mới với tên gọi khác nhau. Còn lại 60 Chi cục Trồng trọt và BVTV (trong đó có 5 tỉnh vẫn là Chi cục Trồng trọt và BVTV) vẫn trực thuộc Sở NN-PTNT. Tuy nhiên, các tỉnh này cũng có các phương án khác nhau.

Ví dụ: Cao Bằng đang xây dựng đề án sát nhập Chi cục Trồng trọt và BVTV với Chi cục Chăn nuôi và Thú y; TP Cần Thơ dự kiến sát nhập Chi cục Trồng trọt và BVTV với Chi cục Chăn nuôi và Thủy sản thành Chi cục Trồng trọt, Chăn nuôi và Thủy sản; tỉnh Tây Ninh đã phê duyệt thành lập Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh; Nghệ An và Sóc Trăng thì đang tạm dừng kế hoặc thành lập Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp cấp tỉnh...

16-59-49_12-58-49_nh_2
Khó khăn trong điều tra, phát hiện sâu keo mùa thu đang lộ ra nhiều bất cập của việc sáp nhập hệ thống BVTV ở cơ sở.

Xáo trộn lớn nhất của hệ thống BVTV là các trạm BVTV. Cụ thể đến nay, cả nước đã có 344 huyện/31 tỉnh tiến hành sát nhập các Trạm Trồng trọt và BVTV về các đơn vị khác nhau.

Trong đó, có 31/63 tỉnh thành đã thực hiện chuyển toàn bộ hệ thống Trạm Trồng trọt và BVTV về các Trung tâm thuộc quản lí của UBND cấp huyện với nhiều tên gọi khác nhau như: Trung tâm Nông nghiệp; Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp; Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp; Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng vật nuôi... Tuy nhiên đến nay, mới chỉ có 6 tỉnh ban hành quy chế phối hợp giữa các Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện với cơ quan chuyên ngành BVTV cấp tỉnh; giữa UBND các huyện và Sở NN-PTNT...

Điều tra, dự báo dịch lơ là

Các trung tâm dịch vụ do phải tự chủ một phần kinh phí, nên cán bộ phải tổ chức hoạt động kinh doanh dịch vụ, dẫn tới hoạt động điều tra, dự báo dịch hại lơ là, chiếu lệ. Thậm chí, có tình trạng một số nơi cán bộ của trung tâm dịch vụ đã khuyến cáo nông dân sử dụng thuốc BVTV khi dịch hại chưa đến ngưỡng cần thiết phải phòng trừ...

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.