| Hotline: 0983.970.780

Huyện có 11.058 người không sợ bị mù lòa sau khi chết

Thứ Sáu 27/09/2019 , 14:30 (GMT+7)

“Cho người ta giác mạc sẽ khiến linh hồn của mẹ bị mù lòa không thể tìm thấy đường về nhà đâu”. Trong cuộc họp gia đình căng thẳng của 9 chị em nhà anh Mai Văn Vinh ở xã Cồn Thoi (Kim Sơn, Ninh Bình) 12 năm về trước có người đã nói như vậy.

Mày bán giác mạc của mẹ được mấy chục triệu?

Họ nhất quyết không đồng ý khiến cho anh Vinh phải giải thích đi, giải thích lại, đại để rằng lấy giác mạc chỉ như bóc một lớp cùi nhãn mỏng không phải là khoét mắt. Họp lên, họp xuống 3-4 lần cuối cùng tư tưởng của tất cả chị em trong nhà anh mới được đả thông.

Anh Mai Văn Vinh có mẹ là người Việt Nam đầu tiên xin hiến tặng giác mạc

Buổi lấy giác mạc của người Việt Nam đầu tiên hiến tặng, dân làng kéo đến vòng trong, vòng ngoài khiến cho bác sĩ phải xua hết ra. Với bộ dụng cụ siêu nhỏ và sắc bén, chỉ chốc lát giác mạc của bà Nguyễn Thị Hoa đã được gắp ra, bỏ vào cái lọ chuyên dụng rồi sau đó  thế chỗ vào là cặp giác mạc giả.

Mọi chuyện xong xuôi, một cái phong bì được các bác sĩ trân trọng đặt lên bàn thờ. Dân làng vẫn dõi theo từ xa, thấy vậy bỗng xì xào: “Nén hương to thế nhỉ?” khiến cho anh Vinh phải bóc ra ngay trước mặt mọi người để chứng thực. Bên trong chỉ có đúng 100.000đ. Thế mà có kẻ sau này gặp anh Vinh vẫn xoắn lấy mà hỏi: “Mày bán giác mạc của mẹ được mấy chục triệu?”.

Chuyện rằng, anh Mai Văn Vinh có người bạn nối khố sau này rời quê vào Nam sinh sống. Vợ anh trong một lần sẩy cà phê thế nào chẳng may để mạt bay vào mắt. Vết thương tưởng chừng như đơn giản ấy thế  mà khiến cho giác mạc bị tổn thương, mắt cứ mờ dần, mờ dần đến khi gần như là mù hẳn. Cả hai chạy chữa khắp trong Nam ngoài Bắc nhưng vẫn vô vọng bởi phải chờ giác mạc-thứ có tiền cũng khó có thể mua được vì trông cả vào nguồn tài trợ từ nước ngoài về.

Sự tài trợ ấy mỗi năm chỉ giúp cho Việt Nam thực hiện được khoảng trên dưới 100 ca ghép giác mạc trong khi bệnh nhân có nhu cầu đông cỡ 200-300.000 người. Bởi thế mà các bác sĩ khuyên họ nên động viên anh em, bà con trong nhà hiến tặng giác mạc sau khi đã mất.

Cầm tờ rơi bạn đưa cho, anh Vinh đấu tranh tư tưởng mãi nhưng cũng không dám nói thẳng đành nhờ vợ là Vương Thị Hoa tỉ tê thưa chuyện với mẹ mình là bà Nguyễn Thị Hoa lúc đó đang ốm nặng: “Mẹ ơi, mình chết thể xác cũng thối đi, có cái Khuy cháu họ của mẹ, vợ của anh bạn với nhà con bị mù, mẹ hiến giác mạc cho người ta nhìn thấy ánh sáng mẹ nhé!”. Chị nhỏ nhẻ. Không ngờ, bà Hoa vốn từ lâu nổi tiếng giàu lòng bác ái nghe thấy thế liền đồng ý ngay.

Chị Vương Thị Hoa có bố 103 tuổi vẫn hiến giác mạc thành công.

“Cửa ải” thứ nhất dễ dàng vượt qua lại đến “cửa ải” thứ hai là đàn con gồm 7 gái, 2 trai của bà. 2 người con trai thì dễ nhưng mấy người con gái lúc đầu cứ nhất định không chịu vì sợ hiến giác mạc khi chết rồi linh hồn của mẹ sẽ bị mù không thấy đường về quê hương, bản quán. Anh Vinh phải đem tờ rơi của bệnh viện mắt ra mà giải thích: “Mẹ chết, giác mạc cũng mục đi, để lại cho người khác nhìn thấy ánh sáng cũng giống như Chúa dạy làm phúc sẽ được cứu rỗi!”. Cuối cùng rồi cả 9 người con đều đồng lòng cho mẹ được hiến.

2 tháng sau cuộc nói chuyện đó bà Hoa mất vào ngày 18/2/2007, thọ 82 tuổi. Bác sĩ lấy giác mạc của bà cấy cho chị Nguyễn Thị Khuy ở huyện Krông Ana, tỉnh Đắc Lắc và chị Lê Thị Tuyết ở huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa  không phải sống trong đêm trường tăm tối nữa.

Tuy nhiên, dư luận trong làng, ngoài xóm vẫn không ngớt xì xào về chuyện mấy chị em nhà ông Vinh “bán” giác mạc của mẹ. Linh mục Đoàn Minh Hải-chính xứ Cồn Thoi khi biết chuyện này đã phân tích cho giáo dân việc bà Hoa hiến giác mạc là hoàn toàn trong sạch thì mọi thứ mới tạm yên.

“Đứng nhìn người ta phẫu thuật lấy giác mạc của chồng mà tôi chảy nước mắt nhưng trên hết tình thương vẫn bao trùm bởi nghĩ bụi tro sẽ trở về với bụi tro. Hành động ấy của mình sẽ giúp cho người kém may mắn thấy được ánh sáng, có cả một tương lai phía trước" - Bà Nguyễn Thị Lan, người có 4 thân nhân đã hiến tặng giác mạc thành công, nói.

Chính vợ anh Vinh là chị Vương Thị Hoa về sau còn thuyết phục bố đẻ mình hiến giác mạc thành công. Nếu như bà Hoa được ghi nhận là một trong những người hiến giác mạc đầu tiên ở Việt Nam thì có lẽ ông Vương Văn Quyên là người cao niên nhất, 103 tuổi vẫn hiến giác mạc.

Tuy tuổi nhiều nhưng mắt ông về cuối đời vẫn sáng như thanh niên. Vốn có nghề chăn vịt, nhìn hàng trăm con đang bơi lội ngoài ao là ông có thể đếm biết đủ hay thiếu, con nào hôm nay sẽ đẻ trứng hoặc không. Hơn 100 tuổi nhưng ông vẫn xỏ được kim, vá được áo quần.
 

Phép màu kỳ diệu

Huyện Kim Sơn từ năm 2007 đến nay đã có 11.058 người đăng ký hiến tặng giác mạc trong đó có 320 trường hợp hiến thành công gồm xã Cồn Thoi có 121 người, xã Văn Hải có 45 người, xã Kim Mỹ có 36 người, xã Định Hóa có 25 người, xã Kim Tân có 23 người…Ngoài ra còn có 50 trường hợp đăng ký xin được hiến tạng.

Anh Nguyễn Minh Lý-Chủ tịch Hội chữ thập đỏ Cồn Thoi bảo với tôi rằng nhiều lúc đang đi chợ, đi chơi hay đi ăn cưới có người trông thấy là níu lại dặn dò: “Hễ mà chết là tớ đăng ký hiến giác mạc, cậu nhớ báo người đến lấy đấy nhé”.

Nếu như đợt đầu tiên tuyên truyền hơn 10 năm về trước có 470 người đăng ký thì giờ đây chẳng phải thuyết phục gì nữa mà toàn dân đều tự nguyện như vậy. Xã có 121 người đã hiến trong đó trẻ nhất là 12 tuổi, già nhất là 103 tuổi, riêng từ đầu năm đến nay đã có 21 trường hợp, nhiều nhất trong các năm.

Chuẩn bị dụng cụ cho một buổi lấy giác mạc.

Chức Chủ tịch Hội chữ thập đỏ của anh Lý có phụ cấp mỗi tháng 730.000đ vừa đủ để đổ xăng xe, điện thoại nhưng không đủ cho anh quà cáp mỗi dịp biết tin có người ốm nặng xin đăng ký hiến giác mạc: “Khi mình đến thăm người ta cả nhà đều cảm động sau đó vợ nối chồng, em nối anh, con nối cha cứ thế tự nguyện đăng ký hiến tặng”.

Tại một buổi tuyên dương thành tích với Trung ương, nghe xong bản báo cáo của anh, một lãnh đạo cấp cao đã hỏi về chuyện thu nhập. Khi biết đến đồng phụ cấp bọt bèo ấy ông chỉ còn biết vỗ vai, động viên rằng: “Thôi thì anh hãy cố gắng!”. Anh Lý đáp: “Vâng, thưa bác”. 17 cộng tác viên chữ thập đỏ ở 10 xóm trong xã hay hàng trăm cộng tác viên chữ thập đỏ của các xã trong huyện còn ngày đêm làm thiện mà không cần bất cứ trợ cấp gì.

Cồn Thoi có 10.400 nhân khẩu trong đó công giáo chiếm khoảng 90%. Tại lễ phép sức dầu cho ai sắp quá cố, linh mục thường nói lời cảm ơn vì người đó đã hiến giác mạc, làm được việc tốt cuối cùng cho đời. Đó là sức mạnh tinh thần, động viên những người khác cùng hồ hởi cùng tham gia. Trong 121 người đã hiến có tới 120 giáo dân và 1 người thuộc bên lương là chị Nguyễn Thị Lan-con gái của ông Nguyễn Đình Tú-nguyên Chủ tịch Hội chữ thập đỏ xã.

Toàn cảnh thời khắc lấy giác mạc của người đã mất (Ảnh tư liệu nhân vật cung cấp).

“Dân công giáo chúng tôi không có khái niệm chết toàn thây nhưng giai đoạn đầu vẫn có nhiều người nghĩ nếu bị mất giác mạc, linh hồn sẽ bị mù lòa nên các cha phải động viên rất nhiều”. Anh Lý giải thích.
 

Gia đình có 4 người đã hiến giác mạc

Tôi thắp một nén hương thắp lên bàn thờ của ông Phạm Đức Thọ ở xóm 6 xã Cồn Thoi người vừa khuất núi cách đây mấy tháng và đã kịp để lại cho đời một món quà quý giá là cặp giác mạc của chính mình. Trong căn nhà đơn sơ, vách thưng bằng gỗ, mái lợp bằng bổi, bà Nguyễn Thị Lan năm nay 75 tuổi vẫn thỉnh thoảng đưa tay áo lên lau nước mắt mỗi khi kể chuyện về chồng.

Bà Lan có 4 người thân đã hiến giác mạc thành công.

Họ là những người nông dân đông con nghèo khó nhưng lại vô cùng giàu lòng trắc ẩn, hiện đang giữ kỷ lục là gia đình hiến giác mạc nhiều nhất Việt Nam. Người đầu tiên là bố chồng rồi đến em gái của chồng, em rể của chồng rồi đến chồng bà mất hôm 17/6/2019.

Bà rủ rỉ: “Cuộc đời có những người không may phải sống trong bóng tối khi vẫn đang còn trẻ, vẫn phải làm việc để nuôi sống bản thân và vợ con. Tự đáy lòng chúng tôi muốn hiến giác mạc để giúp họ bởi thân xác sau khi qua đời cũng chỉ là tro bụi mà thôi. Đời cha ông biết thương người thì đời con cháu sẽ noi gương theo.

Không bao giờ chúng tôi để ý đến chuyện tiền nong gì cả. Nói thật với chú, mấy năm trước khi chẳng may bố chồng, em gái chồng, em rể của chồng bị bệnh mất đi, lúc hiến xong giác mạc cũng được bệnh viện đặt cho cái lễ thắp hương là 200.000đ. Vừa rồi họ đặt lễ cho chồng, tôi cứ nghĩ vẫn ở cái mức như thế nhưng nào ngờ bóc ra thấy có tới 3 triệu…”.

Bà Lan bên căn nhà đơn sơ của mình.

Tôi ra về, ngoái đầu nhìn lại vẫn thấy bóng người góa phụ già tựa bên song cửa sổ cũ kỹ, rêu phong. Trên đầu bà là cả một bầu trời thu chan hòa trong nắng.

“Có được kết quả này phần lớn là do sự vào cuộc, động viên của các linh mục. Chỉ một lời nói của linh mục trong buổi lễ ở nhà thờ bằng cả 1.000 lời tuyên truyền của các cộng tác viên chữ thập đỏ”, anh Mai Văn Trường-Chủ tịch Hội chữ thập đỏ huyện Kim Sơn.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

ABIC Kiên Giang chi trả gần 700 triệu đồng cho khách hàng

Cà Mau Ngày 25/4, ABIC Kiên Giang phối hợp với Agribank Cà Mau chi trả bảo hiểm Bảo an tín dụng cho gia đình 3 khách hàng không may gặp rủi ro khi lao động sản xuất.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm