| Hotline: 0983.970.780

Huyện có 65% số hộ theo nghề nuôi heo

Chủ Nhật 03/11/2024 , 16:56 (GMT+7)

BÌNH ĐỊNH Ít địa phương nào có đến 65% số hộ theo nghề nuôi heo như ở huyện Hoài Ân, Bình Định, chính bởi vậy nên nơi nay còn được mệnh danh 'vựa heo miền Trung'.

Heo nuôi ở Hoài Ân (Bình Định) rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: V.Đ.T.

Heo nuôi ở Hoài Ân (Bình Định) rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: V.Đ.T.

Heo Hoài Ân nức tiếng gần xa

Theo ông Nguyễn Thanh Vương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Hoài Ân, trên địa bàn huyện hiện có 40 trang trại chăn nuôi heo quy mô lớn, trong đó có 5 trang trại chăn nuôi theo hướng công nghệ cao và 1.926 trang trại chăn nuôi vừa và nhỏ. Ngoài ra, ở Hoài Ân còn có 12.000 nông hộ chăn nuôi heo.

Có thể nói, ở Hoài Ân hầu như hộ dân nào cũng có nuôi heo, người nuôi nhiều như trang trại Phú Hưng ở xã Ân Mỹ (huyện Hoài Ân) nuôi đến 2.600 con heo nái sinh sản và 5.000 con heo hịt, hộ nuôi ít cũng vài ba chục con.

Từ lâu, nuôi heo được xem là cái “nghề”, là nguồn thu nhập chính của người dân Hoài Ân. Thế nên, dẫu trong hoàn cảnh nào, người dân ở đây cũng duy trì đàn heo trong chuồng. Minh chứng là trong thời gian dài vừa qua, dù giá heo hơi trên thị trường thấp tịt, trong khi giá thức ăn chăn nuôi ở mức cao, nuôi heo không mong cầm được đồng lãi, nhưng trong các chuồng nuôi của người dân Hoài Ân không bao giờ vắng heo. Hiện, tổng đàn heo trên địa bàn huyện Hoài Ân vẫn duy trì ở mức 220.000 con, trong đó, có 35.000 con heo nái sinh sản và 185.000 con heo thịt.

Một điều lạ là không biết do khí hậu hay do con giống mà chất lượng heo thịt ở Hoài Ân được người tiêu dùng đánh giá là ngon hơn heo nuôi ở các địa phương khác. Thế nên mới có chuyện thương lái chở heo từ các nơi khác theo đường xã Mỹ Trinh (huyện Phù Mỹ) về Hoài Ân qua đèo Mằng Lăng, đưa vào xã Ân Tường Đông (huyện Hoài Ân), sau đó chở ngược về xuôi “mạo danh” là heo Hoài Ân để bán được giá cao.

Hiện mỗi năm đàn nái ở Hoài Ân (Bình Định) sinh sản được 700.000 con heo giống. Ảnh: V.Đ.T.

Hiện mỗi năm đàn nái ở Hoài Ân (Bình Định) sinh sản được 700.000 con heo giống. Ảnh: V.Đ.T.

Luôn chủ động con giống để hạn chế dịch bệnh

Người Hoài Ân nuôi heo rất căn cơ, họ không bao giờ mua con giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc ngoài thị trường về nuôi, mà hầu như chuồng nuôi của hộ nào cũng thường trực 5-10 con heo nái sinh sản. Heo nái đẻ ra bao nhiêu heo giống họ để lại nuôi tất. Hỏi ra mới biết, họ làm thế là để vừa chủ động con giống, vừa không tự “rước bệnh” từ nơi khác về chuồng nuôi nhà mình. Bởi, heo giống trôi nổi không ai dám chắc là sạch bệnh.

Ví như anh Nguyễn Văn Bình, ở đội 9 thôn Phú Thuận, xã Ân Đức (huyện Hoài Ân) thường xuyên nuôi trong chuồng 10 con heo nái sinh sản. Mỗi năm, một con heo nái đẻ 2 lứa, mỗi lứa bình quân 10 con. Vị chi, mỗi năm 10 con heo nái sinh sản cho anh Bình 200 con heo giống. Do đó, không cần mua heo giống mà trong chuồng nhà anh Bình thường xuyên có mặt 100 con heo thịt.

“Chủ động heo giống rất có lợi. Nuôi heo mình chỉ lo tiền mua thức ăn, chi phí điện nước, tiêm phòng vacxin chứ không phải lo tiền mua con giống. Chi phí đầu vào giảm nên lợi nhuận được tăng lên”, anh Bình bộc bạch.

Theo ông Võ Duy Tín, Trưởng Phòng NN-PTNT Hoài Ân, hiện trên địa bàn huyện có đàn heo nái sinh sản 35.000 con, mỗi năm sản xuất được 700.000 con heo giống, đủ đáp ứng nhu cầu của người chăn nuôi.

Từ nay đến cuối năm 2024, Hoài Ân sẽ phấn đấu đưa tổng đàn heo tăng đến 261.660 con, trong đó, đàn nái sinh sản vẫn giữ nguyên 35.000 con, nhưng đàn heo thịt sẽ tăng đến 226.660 con, góp phần đảm bảo cung ứng cho thị trường trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

“Số heo giống nói trên đủ để người dân ở đây chủ động trong chăn nuôi, giảm chi phí đầu vào và không lo vốn mua con giống mỗi khi tái đàn, lại yên tâm con giống sạch bệnh”, ông Tín chia sẻ.

Bình Định đang nỗ lực xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Ảnh: V.Đ.T.

Bình Định đang nỗ lực xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Ảnh: V.Đ.T.

Nỗ lực xây dựng vùng an toàn dịch bệnh

Theo ông Võ Duy Tín, Trưởng Phòng NN-PTNT Hoài Ân, xác định chăn nuôi là thế mạnh, nên nhiều năm qua, chính quyền huyện không ngừng đầu tư vào chăn nuôi, xây dựng các cơ sở chăn nuôi tập trung quy mô lớn áp dụng công nghệ hiện đại, khép kín và an toàn với dịch bệnh.

Cùng với chuyển giao các kỹ thuật về chăn nuôi, ngành chức năng huyện Hoài Ân đã tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi trong khâu chăm sóc, vệ sinh chuồng trại, vận động hộ chăn nuôi tiêm phòng cho đàn vật nuôi đúng quy định.

Cùng với đó, huyện xây dựng khu mua bán, giết mổ động vật tập trung để vừa kiểm tra, kiểm soát hoạt động vận chuyển động vật trên địa bàn, tổ chức kiểm dịch và đảm bảo an toàn trong giết mổ, tạo thành chuỗi liên kết chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm động vật an toàn.

Bình Định đang đặt mục tiêu xây dựng các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, tiến tới việc hoàn thiện hồ sơ trình Bộ NN-PTNT cấp mã số vùng chăn nuôi an toàn trong giai đoạn 2021-2025. Theo đó, Sở NN-PTNT Bình Định giao Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh triển khai thực hiện, hướng dẫn các trang trại chăn nuôi đăng ký xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm hợp chuẩn thực hành chăn nuôi tốt VietGAHP, hình thành các chuỗi liên kết chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm.

Đồng thời, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định còn tăng cường quản lý hoạt động của đội ngũ dẫn tinh viên, thú y hành nghề tư nhân, các cơ sở chăn nuôi gắn trách nhiệm tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh tại địa phương.

“Trong thời gian này, chúng tôi vận động người chăn nuôi tái đàn heo để phục vụ thị trường Tết gắn với tái cơ cấu, tổ chức lại sản xuất, giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ, chuyển sang chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, đáp ứng các điều kiện về an toàn sinh học, hướng đến phát triển chăn nuôi bền vững”, ông Võ Duy Tín chia sẻ.

Xem thêm
Cảnh giác với dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp Tết

Thái Nguyên tăng cường phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm các tháng cuối năm 2024, đầu năm 2025, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Nông dân Cao Phong chuyển đổi hàng ngàn bể phun thuốc vuông sang tròn

Hầu hết bể phun thuốc hình vuông sau một thời gian sử dụng đều bị nứt nhưng bể hình tròn thì không. Sáng kiến của ông Cường đã được hàng ngàn nhà vườn áp dụng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.