| Hotline: 0983.970.780

Huyện miền núi thành lập được 21 tổ hợp tác chăn nuôi

Thứ Hai 25/07/2022 , 10:58 (GMT+7)

Bắc Kạn Nhằm tạo đầu ra ổn định, hỗ trợ nhau trong sản xuất, những hộ dân ở huyện Ngân Sơn đã liên kết lại với nhau thành Tổ hợp tác chăn nuôi đại gia súc.

Chăn nuôi trâu, bò thuộc Tổ hợp tác tại xã Bằng Vân, huyện Ngân Sơn. Ảnh: Toán Nguyễn.

Chăn nuôi trâu, bò thuộc Tổ hợp tác tại xã Bằng Vân, huyện Ngân Sơn. Ảnh: Toán Nguyễn.

Thôn Đông Chót, xã Bằng Vân có 34 hộ dân, tổng đàn trâu, bò của cả thôn hiện nay hơn 100 con. Đầu năm 2022, từ sự hỗ trợ của Dự án Hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ (CSSP), xã Bằng Vân thành lập Tổ hợp tác chăn nuôi trâu, bò vỗ béo Đông Chót với 13 thành viên.

Do trước đây, người dân nuôi chủ yếu theo kinh nghiệm, vì vậy các gia đình đăng ký tham gia là thành viên Tổ hợp tác để được hỗ trợ về kỹ thuật, liên kết tìm đầu ra.

Theo chia sẻ của một hộ chăn nuôi là ông Đinh Ngọc Long, việc liên kết sẽ giúp các hộ chăn nuôi hỗ trợ nhau trong việc chọn giống, trao đổi khoa học kỹ thuật, từng bước hình thành mô hình chăn nuôi theo hướng tập trung có áp dụng khoa học, kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh, giúp nhau tìm đầu ra ổn định.

So với chăn nuôi thả rông như trước đây, nuôi nhốt trâu lớn nhanh, béo tốt hơn, chủ động về thức ăn, được tiêm phòng bệnh định kỳ nên đàn gia súc luôn khỏe mạnh, tỷ lệ tăng đàn ổn định.

Do điều kiện người dân cơ bản không có nguồn vốn lớn nên việc vỗ béo thường tự cung tự cấp, bò mẹ sinh sản rồi vỗ béo con con hoặc thời điểm giá bò thấp sẽ mua con bò gầy về để nuôi vỗ béo. Thời gian vỗ béo mỗi con bò từ 3 - 4 tháng, thời điểm được giá, bình quân mỗi con lãi hơn 2 triệu đồng/tháng.

Một năm vỗ béo 2 đợt, mỗi đợt vỗ béo khoảng 4 - 5 con cũng có nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống hằng ngày. Để chủ động nguồn thức ăn, các hộ dân đã trồng cỏ voi, trồng ngô, dự trữ phụ phẩm nông nghiệp sẵn có. Ngoài ra, người dân kết hợp hình thức bán chăn thả, vừa là để khi được giá lại tiếp tục vỗ béo.

Theo lãnh đạo huyện Ngân Sơn, hiện các xã tích cực tạo điều kiện cho các hộ có nhu cầu phát triển đàn tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi, khuyến khích các hộ chăn nuôi liên kết, phối hợp tổ chức các lớp tập huấn về chăm sóc, phòng và chữa bệnh ở đàn gia súc. Nếu thực hiện được quy trình khép kín từ chăn nuôi đến sản xuất tạo ra sản phẩm đây sẽ là hướng phát triển kinh tế mang tính bền vững cho người dân.

Việc chăn thả trâu bò vẫn diễn ra, tuy nhiên đã có xu hướng giảm dần trong thời gian qua tại huyện Ngân Sơn nhờ việc hình thành được các tổ hợp tác. Ảnh: Toán Nguyễn.

Việc chăn thả trâu bò vẫn diễn ra, tuy nhiên đã có xu hướng giảm dần trong thời gian qua tại huyện Ngân Sơn nhờ việc hình thành được các tổ hợp tác. Ảnh: Toán Nguyễn.

Là địa phương có thế mạnh về phát triển chăn nuôi trâu, bò vỗ béo, huyện Ngân Sơn đã dùng nhiều hình thức tuyên truyền, vận động khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi, mang lại thu nhập, ổn định cuộc sống. Đồng thời, hướng tới thúc đẩy phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, mở ra hướng thoát nghèo cho người dân.

Chính quyền địa phương đã chỉ đạo ngành chuyên môn tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, vận động người dân không nuôi theo hình thức thả rông mà chuyển sang nuôi bán chăn thả, nuôi nhốt vỗ béo để tăng giá trị kinh tế…

Huyện Ngân Sơn xây dựng Đề án hỗ trợ các thôn bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021 - 2023, trong đó tập trung hỗ trợ người dân tại đây chăn nuôi trâu vỗ béo như tập huấn kỹ thuật chăn nuôi vỗ béo, trồng cỏ, chăm sóc, phòng bệnh… Tạo điều kiện giúp người dân thay đổi phương thức chăn nuôi để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Đến nay, huyện Ngân Sơn đã có 21 tổ hợp tác chăn nuôi tập trung chủ yếu ở xã Cốc Đán, Hiệp Lực và 4 hợp tác xã chăn nuôi.

Trước tình hình một số dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm xảy ra trên địa bàn, huyện Ngân Sơn đã tăng cường chỉ đạo các xã, thị trấn vận động nhân dân tích cực thực hiện công tác tiêm phòng cho đàn vật nuôi.

Trong đợt tiêm phòng định kỳ cho đàn gia súc đợt I năm 2022, huyện đã tiêm được 3.795 liều vắc xin phòng bệnh lở mồm long móng, 4.386 liều vắc xin tụ huyết trùng và 1.769 liều vacxin phòng bệnh dại.

Ngoài ra, các xã, thị trấn trong huyện cũng lựa chọn những thôn khó khăn trong công tác tiêm phòng định kỳ cho đàn vật nuôi để chỉ đạo, triển khai thực hiện tiêm điểm.

Xem thêm
Quảng Trị chưa có địa phương nào thành lập được đội bắt chó thả rông

Bệnh dại đã xuất hiện nhưng tỷ lệ tiêm phòng tại Quảng Trị vẫn đạt thấp, các đội bắt chó thả rông cũng chưa được thành lập theo kế hoạch.

Gia Lai có thêm 5 mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói

Gia Lai vừa có thêm 2 mã số vùng trồng và 3 mã số cơ sở đóng gói, nâng tổng số lên 227 mã số vùng trồng và 38 mã số cơ sở đóng gói.

Lúa cỏ có ảnh hưởng đến ngành lúa gạo Việt Nam?

Cần xây dựng một chương trình dài hạn 15 năm (2030 - 2045) về 'Thực trạng và nguy cơ lúa cỏ ảnh hưởng đến sản xuất và kinh doanh lúa gạo tại Việt Nam'.