| Hotline: 0983.970.780

Huyện Na Rì phấn đấu 4.000 tấn hồng không hạt LT-1/năm

Thứ Tư 27/09/2023 , 07:20 (GMT+7)

Huyện Na Rì (Bắc Kạn) đặt mục tiêu đến năm 2025 có 300ha hồng không hạt LT-1, sản lượng 4.000 tấn quả. Cây trồng này hiện đang mang lại giá trị kinh tế cao.

Huyện ủy và UBND huyện Na Rì (Bắc Cạn) vừa tổ chức hội thảo thực hiện chuỗi giá trị sản xuất hồng không hạt LT-1. Đây là một trong 4 chuỗi chăn nuôi, trồng trọt (gà thả đồi, lợn đen, nghệ vàng và hồng không hạt) trên địa bàn huyện có giá trị hàng hóa cao.

Chủ tịch UBND huyện Na Rì, ông Nguyễn Đình Cương điều hành tại hội thảo. Ảnh: Hải Tiến.

Chủ tịch UBND huyện Na Rì, ông Nguyễn Đình Cương điều hành tại hội thảo. Ảnh: Hải Tiến.

Bà Hoàng Thị Thu Nguyệt, Trưởng phòng NN-PTNT Na Rì thông tin, đến nay toàn huyện đã trồng được 130ha hồng LT-1, tăng hơn 70ha so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó có 20ha đang cho thu hoạch. Cây hồng không hạt LT-1 được trồng tập trung chủ yếu tại các xã Sơn Thành, Trần Phú, Sơn Dương, Kim Lư và Cự Lễ.

Bước đầu, huyện Na Rì đã thành lập được 24 tổ hợp tác trồng hồng với 200 hộ tham gia. Có 2 sản phẩm là hồng không hạt LT-1 của HTX Kim Lư và hồng không hạt Sơn Thành của HTX Cộng Lực đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao từ năm 2022. Kế hoạch đến năm 2025, huyện Na Rì phấn đấu đạt 300ha hồng không hạt LT-1, cho sản lượng quả khoảng 4.000 tấn.

Nhà vườn Hoàng Văn Việt ở thôn Phiêng Cuôn (xã Sơn Thành, huyện Na Rì) trồng 900 gốc hồng LT-1, cây 36 tháng tuổi đã cho năng suất tương đương 2.500kg quả/ha, giá bán tại vườn (không phân loại) 20.000 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất chỉ 5.000 đồng/kg, lãi 15.000 đồng/kg quả, tương ứng giá trị thu hoạch/ha canh tác đạt 50.000 triệu đồng, lợi nhuận 37,5 triệu đồng/ha.

Ông Việt cho biết, giống hồng không hạt LT-1 rất phù hợp với đất đai và thời tiết, khí hậu địa phương, cây sinh trưởng, phát triển khoẻ, cho quả to và rất sai, từ năm thứ 6 trở ra, năng suất quả sẽ đạt trên 13 tấn/ha. Hiện tại vườn hồng của ông Việt luôn trong tình trạng "cháy hàng", kế hoạch trong năm tới, ông sẽ mở rộng trồng thêm 1ha giống hồng này.

Các đại biểu thăm mô hình trồng hồng không hạt LT-1 tại bản Phiêng Cuôn (xã Sơn Thành, huyện Na Rì). Ảnh: Hải Tiến.

Các đại biểu thăm mô hình trồng hồng không hạt LT-1 tại bản Phiêng Cuôn (xã Sơn Thành, huyện Na Rì). Ảnh: Hải Tiến.

Mặc dù giá trị kinh tế cao, tiêu thụ dễ, song ông Hoàng Văn Bạo, Giám đốc HTX Cộng Lực cũng như nhiều nông dân ở địa phương cho biết, khó khăn nhất hiện nay là không còn quỹ đất tốt cho trồng hồng. Bên cạnh đó, thời vụ thu hoạch loại quả này ngắn, nếu sản lượng toàn huyện theo kế hoạch đạt 4.000 tấn quả (đến năm 2025) và chỉ cho thu hái tập trung trong mùa vụ 30 ngày sẽ tạo sức ép lớn tới khâu tiêu thụ, dễ bị các đầu mối thu mua ép giá. Mặt khác, một số loại vật tư nông nghiệp có chiều hướng tăng cao, nhất là phân bón vô cơ các loại cũng đang gây ảnh hưởng tới hiệu quả sản xuất, ảnh hướng tới chuỗi giá trị cây hồng.

Ông Lê Thanh Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng Bắc Kạn đánh giá, qua theo dõi, giống hồng không hạt TL-1 ít bị sâu bệnh gây hại, năng suất, chất lượng quả cao, được thị trường chấp nhận, có thể bảo quản được thời gian dài (khoảng 45 ngày), dễ vận chuyển đi xa. Việc giá phân vô cơ tăng cao là thách thức cho người sản xuất, nhưng cũng là cơ hội thúc đẩy các nông hộ tăng cường bón phân hữu cơ nhằm phát triển sản xuất theo hướng hữu cơ, bền vững, đảm bảo chất lượng sản phẩm và an toàn thực phẩm.

Ông Nguyễn Đăng Bình (hàng trước, thứ 2 từ trái sang), Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Cạn thăm mô hình trồng hồng không hạt LT-1 tại thôn Phiêng Cuôn, xã Sơn Thành. Ảnh: Hải Tiến.

Ông Nguyễn Đăng Bình (hàng trước, thứ 2 từ trái sang), Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Cạn thăm mô hình trồng hồng không hạt LT-1 tại thôn Phiêng Cuôn, xã Sơn Thành. Ảnh: Hải Tiến.

Ông Ngô Hồng Quang và PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả) là tác giả của giống hồng không hạt LT-1 cho biết, giống có nguồn gốc nhập nội, đã được trồng khảo nghiệm và lọc dòng tại Bắc Kạn từ năm 1998, tới năm 2019 được Bộ NN-PTNT quyết định công nhận giống, cho phép đưa vào sản xuất đại trà tại các tỉnh miền núi phía Bắc. "Nước ta có nhiều giống hồng ngâm, nhưng mới có giống hồng không hạt LT-1 được công nhận giống và phổ biến sản xuất ra diện rộng", ông Ngô Hồng Quang chia sẻ.

Để trồng hồng không hạt TL-1 đạt hiệu quả cao, yêu cầu nhà nông phải áp dụng đúng quy trình kỹ thuật. Trong đó, cắt tỉa, tạo tán là kỹ thuật rất quan trọng, cần tỉa bỏ kịp thời, triệt để các mầm dại phát triển dưới mắt ghép trên cây giống, và thường xuyên cắt bỏ cành gầy yếu, vô hiệu, cành sâu bệnh, cành phát triển ngoài ý muốn và tỉa sớm các quả còi cọc, không cân đối; tạo tán ngay sau trồng năm thứ 2, đảm bảo chiều cao cây không vượt quá tầm với người thu hoạch. Chỉ nên khai thác quả kinh danh khi cây đạt 36 - 42 tháng tuổi, những quả ra trước đó cần ngắt bỏ để tập trung dinh dưỡng nuôi thân, tán.

Hồng không hạt LT-1 cho trái rất to, giòn, ngọt. Ảnh: Hải Tiến.

Hồng không hạt LT-1 cho trái rất to, giòn, ngọt. Ảnh: Hải Tiến.

Ông Nông Văn Nguyên, Chủ tịch HĐND kiêm Bí thư Huyện ủy Na Rì chỉ rõ, sản lượng 4.000 tấn hồng không hạt LT-1 theo kế hoạch của huyện đến năm 2025 so với thị trường gần 100 triệu dân trong nước không phải là lớn. Hiện tại các chợ trong huyện cũng chưa thấy loại hồng này bày bán.

Để thúc đẩy tiêu thụ, ông Nguyên đề nghị ngay từ bây giờ, các đơn vị liên quan phải tích cực xây dựng chuỗi giá trị cây hồng, làm tốt công tác sơ chế, đầu tư kho lạnh bảo quản quả để tiêu thụ dài ngày. Về lâu dài, cần tính tới phương án đưa sản phẩm vào chế biến sâu (ví dụ hồng không hạt sấy khô).

Ông Nguyễn Ngọc Cương, Chủ tịch UBND huyện Na Rì nhấn mạnh, để đạt mục tiêu và kế hoạch đề ra, khuyến nông huyện cần phối hợp chặt chẽ với Phòng NN-PTNT hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trồng, chăm sóc cây hồng LT-1 cho các hộ dân. Đẩy mạnh chuyển đối diện tích cây trồng hiệu quả kinh tế thấp sang trồng hồng, yêu cầu phải sản xuất tập trung quy mô lớn từ 0,5ha trở lên, tránh gieo trồng manh mún, nhỏ lẻ.

Xem thêm
Người dân Vĩnh Phúc viết đơn xin dừng chăn nuôi trong khu dân cư

Tính đến cuối năm 2024 đã có 332 hộ chăn nuôi ở tỉnh Vĩnh Phúc làm đơn đề nghị hỗ trợ dừng chăn nuôi ở khu vực không được phép chăn nuôi.

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.