Trong một thông báo được Tổng cục Ngoại thương (DGFT), thuộc Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ, đưa ra hôm 18/10, việc xuất khẩu được cho phép thông qua Hợp tác xã quốc gia về xuất khẩu (NCEL).
"Gạo trắng không phải giống basmati sẽ được xuất khẩu đến đến Nepal, Cameroon, Cote d'Ivore, Guinea, Malaysia, Philippines và Seychelles", thông báo của DGFT cho biết.
Cơ quan này thông báo sẽ xuất khẩu 95.000 tấn gạo không phải giống basmati cho Nepal, 190.000 tấn cho Cameroon, 142.000 tấn cho Côte d'Ivore và Guinea, 170.000 tấn cho Malaysia, 295.000 tấn cho Philippines và 800 tấn cho Seychelles.
Nhằm kiềm chế giá gạo tăng cao và đảm bảo nguồn cung trong nước, Ấn Độ đã áp lệnh cấm xuất khẩu gạo hồi tháng 7/2023.
Tuy nhiên, chính phủ vẫn cho phép xuất khẩu trong trường hợp nhằm giúp các quốc gia khác đảm bảo an ninh lương thực. Trước đó, Ấn Độ đã đồng ý xuất khẩu gạo trắng không phải giống basmati cho Các tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất (UAE) và Singapore.
Theo tờ India Times, Ấn Độ có thể dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu sau khi nguồn cung trong nước ổn định và giá cả được điều chỉnh. Lệnh cấm xuất khẩu có ý nghĩa quan trọng khi đó vì tổng diện tích gieo trồng lúa trong vụ Kharif, vụ mùa chính của Ấn Độ, năm 2023 được cho là thấp hơn so với năm trước.
Chính phủ Ấn Độ cho rằng điều này có thể có tác động đến mùa vụ cũng như giá cả trong tương lai. Vụ Kharif thường được gieo trồng vào thời điểm nhiều mưa tháng 6 và tháng 7, và thu hoạch vào tháng 10 và tháng 11.
Ấn Độ hiện là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới với 22 triệu tấn gạo được xuất đi trong năm 2022, chiếm 40% lượng gạo xuất khẩu của thế giới. Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), động thái hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ đã khiến giá gạo thế giới tăng cao kỷ lục trong 15 năm qua.