Phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich hôm 17/2, Ngoại trưởng Tajani nhấn mạnh rằng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang "nỗ lực để kết nạp Ukraine", nhưng cần phải hành động kín đáo thay vì đưa ra quyết định một cách hấp tấp.
"Thành thật mà nói, điều đó nguy hiểm cho tất cả các bên vì các bạn đang chiến đấu với Nga và nếu trở thành một thành viên NATO, điều này đồng nghĩa với Thế chiến III", Bộ trưởng Tajani nói khi trả lời câu hỏi về khả năng Ukraine gia nhập liên minh.
"Chúng tôi muốn ủng hộ Ukraine, nhưng những quy tắc của khối rất rõ ràng. Nếu có một cuộc tấn công nhắm vào một thành viên của NATO, liên minh sẽ ngay lập tức can thiệp. Vì vậy, chúng ta cần phải thận trọng", ông giải thích.
NATO lần đầu tiên tuyên bố muốn kết nạp Ukraine vào năm 2008. Hồi tháng 9/2022, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky chính thức ký đơn xin gia nhập NATO, yêu cầu liên minh nhanh chóng kết nạp Kiev, sau khi Nga sáp nhập 4 tỉnh ở Ukraine. Kiev đã đưa mục tiêu này vào hiến pháp từ năm 2019, bất chấp những cảnh báo của Moscow rằng khả năng NATO triển khai lực lượng và vũ khí ở biên giới sẽ tạo thành mối đe dọa an ninh không thể chấp nhận được.
Trong một hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius hồi năm 2023, các ngoại trưởng NATO tuyên bố rằng Ukraine cần tiếp tục thực hiện thêm "cải cách về dân chủ và an ninh" để gia nhập khối, cho rằng lời mời gia nhập khối sẽ chỉ được gia hạn "khi các đồng minh đồng ý và các điều kiện được đáp ứng".
Trong khi vấn đề này dự kiến sẽ được tiếp tục thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh ở Washington DC vào tháng 7/2024, tạp chí Foreign Policy hồi tháng trước đưa tin rằng Washington và Berlin phản đối ý tưởng này vì lo ngại một cuộc đối đầu trực diện với Moscow.
Nga coi việc NATO "bành trướng" về phía biên giới của mình là mối đe dọa an ninh lớn. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng nói rằng việc Kiev thúc đẩy gia nhập NATO, được đưa vào hiến pháp như một mục tiêu chiến lược của năm 2019. Đây cũng là một trong những lý do chính dẫn đến cuộc xung đột giữa hai nước.