Kết dư ở mức độ an toàn cao
Tại phiên chất vấn đại biểu Quốc hội về độ an toàn khi sử dụng Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, tính hết năm 2020, kết dư từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp là 90.600 tỷ đồng. Đây là mức tốt và an toàn cao. Theo Nghị định của Chính phủ, phấn đấu mức kết dư thông thường để đảm bảo an toàn là gấp 2 lần mức chi của năm liền kề và năm 2020 đã chi khoảng 1/4 số kết dư này.
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến hết ngày 8/11/2021, BHXH các địa phương đã giải quyết hưởng hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho hơn 10,3 triệu lao động, (trong đó, đang tham gia BHTN là trên 9,7 triệu người; đã dừng tham gia BHTN là 675.557 người) với tổng số tiền hỗ trợ là 24.629 tỷ đồng.
Chính vì vậy, trước tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp, đời sống người dân, việc làm của người lao động, nhất là những người đang tham gia Bảo hiểm thất nghiệp và chủ sử dụng lao động tham gia Bảo hiểm thất nghiệp gặp rất nhiều khó khăn thì việc quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để kết dư lớn như thế thì thực sự không ổn.
Do đó, sau khi đánh giá tác động và tính toán, cân nhắc làm sao kết dư này phải đảm bảo an toàn ít nhất trong 5 năm tới, Chính phủ thấy hoàn toàn có căn cứ để đề xuất với cấp có thẩm quyền và báo cáo Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến.
Sau khi xem xét, Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 03/2021/NQ-UBTVQH15 đồng ý để Chính phủ sử dụng 38.000 tỷ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, trong đó 30.000 tỷ hỗ trợ người lao động và 8.000 tỷ hỗ trợ việc giảm đóng cho người sử dụng lao động.
“Như vậy, sau khi gói hỗ trợ này giải ngân xong, kết dư từ quỹ Bảo hiểm thất nghiệp còn khoảng 56.000 tỷ đồng, đảm bảo gấp 2 lần tổng mức chi trong năm qua nên có thể an tâm được với mức kết dư này”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định.
Các chính sách hỗ trợ đang đi đúng hướng, phát huy tác dụng
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về hiệu quả của các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động của Chính phủ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, sau 4 tháng triển khai các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68, Nghị quyết 116, tuy còn tồn tại một vài vấn đề, nhưng cơ bản các chính sách đều đang đi đúng hướng và hiệu quả, thiết thực ở cơ sở, được dư luận xã hội cũng như người thụ hưởng đồng ý.
Tuy vậy, thời gian 4 tháng là tương đối ngắn so với tổng thể các chính sách, bởi trong các chính sách này phần đa (khoảng trên 50%) là chính sách có tính chất hỗ trợ tức thì, còn lại khoảng 50% các chính sách cho phép kéo dài hơn. Ví dụ như chính sách vay trả lương để phục hồi sản xuất cho phép kéo dài hết 31/3/2022, chính sách để hỗ trợ đào tạo lại cho lực lượng lao động sau giãn cách thì cho phép kéo dài làm thủ tục hết tháng 6/2022.
Còn những chính sách phát huy hiệu quả ngay lập tức, như là chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 116 với quy mô 38 nghìn tỷ đồng cho người tham gia bảo hiểm thất nghiệp thì đã rà soát và giải quyết hỗ trợ cho 363 nghìn doanh nghiệp được hưởng chính sách chỉ trong 5 ngày.
Bộ trưởng khẳng định, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng về cơ bản các chính sách của chúng ta đang đi đúng hướng và bước đầu cho thấy phát huy tác dụng.
Trả lời chất vấn của đại biểu về giải pháp khắc phục tình trạng chậm triển khai hỗ trợ người dân, Bộ trưởng cho biết, ngay sau khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, các cấp lãnh đạo đã giao Bộ đề xuất, xây dựng chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Thực hiện nhiệm vụ được giao, các cán bộ trong ngành đã làm ngày làm đêm, thứ bảy, chủ nhật nào cũng làm. "Người dân còn đói thì đừng có nghĩ đến việc về nhà", Bộ trưởng bày tỏ.
Theo Bộ trưởng, các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68 và Nghị quyết 116 không thể nào thông thoáng hơn, có chính sách như hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, người lao động không phải kê khai gì, chỉ chờ tiền về tài khoản. Nghị quyết 68 cũng chỉ phát hiện 2 vướng mắc và đã sửa ngay bằng Nghị quyết 126.