Sáng 28/12, Sở Công Thương tỉnh Quảng Bình tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu Quảng Bình năm 2023.
Ông Phan Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Bình cho biết, đây cũng là dịp để giao lưu, gặp gỡ các tổ chức xúc tiến thương mại, các nhà phân phối, xuất khẩu, trung tâm thương mại, siêu thị, sàn thương mại điện tử và khách hàng tiềm năng đến từ các tỉnh, thành phố trong nước nhằm đẩy mạnh kết nối cung cầu hàng hóa, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản và định hướng xuất khẩu.
“Là cơ hội tốt để các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất tăng cường quảng bá hình ảnh, tiềm năng thế mạnh về sản phẩm nông sản, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP và đặc sản của tỉnh Quảng Bình kết nối với thành phố Hồ Chí Minh”, ông Nam nói.
Đến nay, Quảng Bình có 145 sản phẩm được công nhận là sản phẩm đạt OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó, có 19 sản phẩm đạt 4 sao, 126 sản phẩm đạt 3 sao và 150 sản phẩm đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, 20 sản phẩm đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn cấp khu vực miền Trung - Tây Nguyên, 9 sản phẩm đạt cấp quốc gia.
Thời gian qua, các doanh nghiệp tìm hiểu, khai thác các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, các sản phẩm đạt OCOP, các sản phẩm đặc trưng của tỉnh Quảng Bình để kí kết biên bản ghi nhớ tiến tới kí kết hợp đồng giao thương tiêu thụ và phân phối sản phẩm.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Công ty CP Công nghệ quốc tế Sâm Tiến Vua (có trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh), doanh nghiệp đã đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với việc phục hồi, trồng cây sâm Bố Chính (ở huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), và tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ chăm sóc sức khỏe con người có nguồn gốc từ cây sâm Bố Chính (sâm tiến Vua).
“Sâm tiến Vua có chất lượng ngang ngửa với sâm Hàn Quốc, đây là sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên hướng đến việc bảo vệ, tăng cường sức khỏe cho người dùng. Để sản phẩm sâm tiến Vua vững bước trên thị trường trong nước và nước ngoài, Công ty xác định việc đưa sản phẩm lên các sàn giao dịch thương mại điện tử là quy luật tất yếu, bên cạnh việc tiêu thụ theo cách truyền thống”, ông Hùng nói.
Cũng theo ông Hùng, hiện Công ty đã triển khai nhiều hoạt động trong việc xây dựng hình ảnh, ứng dụng chuyển đổi số để quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên sàn giao dịch điện tử như Shopee, Lazada, Facebook… để sản phẩm có thể đến với đông đảo người tiêu dùng.
Phát huy thế mạng vùng gò đồi miền tây Bố Trạch, hợp tác xã tinh dầu Như Oanh đã trồng, chế biến, sản xuất các loại tinh dầu cao cấp như tràm trà, tràm năm gân, sả chanh, sả java…với tổng doanh thu gần 4 tỷ đồng/năm.
Bà Trần Thị Như Oanh, Giám đốc HTX tinh dầu Như Oanh cho hay, đơn vị đã kết nối với các doanh nghiệp thương mại để đưa các dòng sản phẩm vào thị trường với yêu cầu cao. “Không chỉ là thị trường trong nước, chúng tôi cũng đã chào hang và có được những liên kết xuất khẩu trong thời gian tới”, bà Oanh cho biết thêm.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Đình Hiệp, Phó Giám đốc Sở NN - PTNT Quảng Bình cho rằng, để nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, đảm bảo tiêu thụ trên thị trường, các chủ cơ sở sản xuất cần phát triển các sản phẩm đặc trưng, tạo ra lợi thế cạnh tranh riêng trên thị trường.
Đặc biệt, tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành để cạnh tranh trên thị trường. Đối với các sản phẩm là lương thực, thực phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng cần chú trọng cải tiến mẫu mã, bao bì để thu hút khách hàng, đăng ký sở hữu trí tuệ, thương hiệu cộng đồng, đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
“Ngoài ra, các cơ sở sản xuất cần tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường để tiêu thụ sản phẩm; ứng dụng chuyển đổi số, đưa các sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử; ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm”, ông Trần Đình Hiệp nhấn mạnh.