| Hotline: 0983.970.780

Kết nối xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc

Chủ Nhật 01/12/2019 , 18:00 (GMT+7)

Chiều 1/12, Tại TP Móng Cái (Quảng Ninh), Bộ NN-PTNT và UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội nghị kết nối XK hàng nông, lâm, thủy sản sang thị trường Trung Quốc.

Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng có quan hệ truyên thống lâu đời. Trong những năm qua, mối quan hệ này không ngừng được Đảng, Chính phủ và nhân dân hai nước chung tay vun đắp, củng cố. 

Việc hai nước thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc kể từ năm 2008 đến nay đã trở thành động lực cho sự hợp tác toàn diện giữa hai nước, đặc biệt là quan hệ hợp tác về lĩnh vực kinh tế thương mại. Từ năn 2004 trở lại đây, Trung Quốc liên tục là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam.

Hội nghị kết nối XK nông sản được tổ chức tại TP Móng Cái (Quảng Ninh).

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), cho biết, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc tăng nhanh, với tốc độ tăng trưởng bình quân trong các năm gần đây đạt trên 20%/năm, đặc biệt năm 2017 kim ngạch thương mại 2 chiều đã đạt 93,7 tỷ USD, năm 2018 đạt trên 108 tỷ USD (trong đó XK đạt hơn 41 tỷ USD, tăng gần 17%; NK đạt trên 65 tỷ USD, tăng gần 12%). 10 tháng năm 2019 đạt 94,5 tỷ USD (XK đạt 32,5 tỷ USD, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước; NK đạt 62 tỷ USD, tăng USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước).

“Trung Quốc là thị trường to lớn trong việc nâng cấp tiêu thụ nông sản với dân số 1,4 tỷ người. Việt Nam là quốc gia láng giềng có ưu thế về vị trí địa lý, do đó cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp XNK lớn. Thị trường Trung Quốc luôn đánh giá cao triển vọng và tiềm lực phát triển trong thương mại các mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam. Tuy nhiên thời gian gần đây, số lượng mặt hàng nông lầm thủy sản Việt Nam XK sang Trung Quốc giảm mạnh, đây là một thực tế dễ dàng nhận thấy tại các cửa khẩu lớn ở Việt Nam”, ông Toản nói.

Hội chợ thương mại du lịch quốc tế thu hút đông đảo người tiêu dùng và du khách.
Trong khuôn khổ của hội nghị kết nối XK hàng nông, lâm, thủy sản sang thị trường Trung Quốc, hội chợ thương mại - du lịch - quốc tế Việt - Trung (Móng Cái - Đông Hưng) năm 2019 được tổ chức với chủ đề: Mở rộng hợp tác, phát triển bền vững sẽ diễn ra trong 7 ngày, từ ngày 1đến ngày 7/12 tại TP Móng Cái. Theo đó, hơn 300 gian hàng của Việt Nam và 100 gian hàng của Trung Quốc có mặt tại hội chợ. Đặc biệt nhiều sản phẩm của chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm OCOP góp mặt, góp phần nâng tầm ảnh hưởng của chương trình xúc tiến thương mại.

Với vai trò là đại sứ kết nối hợp tác thương mại giữa hai bên,  ông Hồ Toả Cẩm - Tham tán Công sứ Kinh tế và Thương mại, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, lý giải về việc này, ông Hồ đưa ra những nguyên nhân khiến nông sản Việt khó khăn trong việc XK, đồng thời đề xuất  giải pháp tháo gỡ.

Cụ thể: các giống cây ăn quả của Việt Nam không tốt, chất lượng không ổn định, thiếu các loại nông sản thượng hạng có sức hút với người tiêu dùng Trung Quốc, không có những mặt hàng nông sản chiếm thị trường tuyệt đối như sầu riêng của Thái Lan.

“Hơn nữa, việc trồng cây ăn quả ở Việt Nam đa phần theo hộ gia đình đơn lẻ, mạnh ai nấy trồng, nên sản phẩm, chất lượng thiếu ổn định, đơn cử mít của Việt Nam XK qua Trung Quốc, các DN XNK đều phải thu mua qua trung gian, không thể kiểm soát về thông tin chi phí.

Một phần, nông sản của Việt Nam đang trong thời kỳ thích ứng với các yêu cầu về đảm bảo vệ sinh ATTP, truy xuất nguồn gốc, bao bì nhãn mác...”, ông này nói.

Trước các vấn đề còn tồn đọng, để tăng cường sự hợp tác đôi bên cùng có lợi giữa thương nhân trong ngành thương mại, chế biến trái cây Việt Nam - Trung Quốc, ông Hồ Tỏa Cẩm cho rằng, Việt Nam cần phải nỗ lực cải tiến kỹ thuật sản xuất và mô hình sản xuất nông sản, nghiên cứu phán đoán xu thế phát triển sản phẩm của thị trường, nhanh chóng đào thải các loại nông sản kém chất lượng, cung vượt cầu, phát triển các giống loài mới có chất lượng cao và nỗ lực trong việc quảng bá, tung ra sản phẩm phù hợp với thị trường tiêu dùng.

Nhiều thỏa thuận được ký kết tại hội nghị.

Xoay quanh vấn đề nông sản Việt khó XK, ông Nguyễn Quốc Toản cho biết: “Chúng ta đã nhận thức rất rõ được rằng, các yêu cầu về an toàn, vệ sinh, truy xuất nguồn gốc của Trung Quốc đối với nông sản Việt Nam chỉ có thể ngày một gắt gao hơn, DN và nông dân trong lĩnh vực này cần sớm điều chỉnh cơ cấu, nâng cấp chất lượng sản phẩm.

Về phía cơ quan hữu trách từ trung ương đến địa phương, chúng tôi đã cố gắng liên kết, hỗ trợ khai thông chức năng thông quan thương mại thông qua trao đổi, đàm phán...

Thực hiện đơn giản hóa thủ tục thông quan, đơn giản hóa tiêu chuẩn dán nhãn hàng hóa chế biến, từ đó thúc đẩy mạnh mẽ số lượng và chất lượng thương mại XNK nông sản”.

“Việt Nam đã và đang khuyến khích hỗ trợ việc trồng quy mô hóa và tiêu chuẩn hóa, sản xuất ra các sản phẩm nông sản có khả năng cạnh tranh quốc tế, nỗ lực tạo ra điều kiện giảm bớt các khâu trung gian, bắc cầu nối cho DN XK Việt Nam và DN NK Trung Quốc, giúp cho cung trực tiếp gặp cầu giảm chi phí giao dịch”, ông Toản cho hay.

Xem thêm
Ngành điều hoàn thành kế hoạch xuất khẩu năm 2024 chỉ trong 10 tháng

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành điều Việt Nam kỳ vọng sẽ tiếp tục tạo nên kỷ lục mới trong tháng cuối năm 2024.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Dừa hữu cơ Cocohihi - Tinh hoa xứ dừa Bến Tre vươn xa thế giới

Bến Tre không chỉ là xứ sở của dừa mà còn là nơi khởi nguồn của những sản phẩm hữu cơ, như dừa tươi Cocohihi, góp phần đưa nông sản Việt vươn ra thế giới.