| Hotline: 0983.970.780

Kết quả khả quan từ tiêm vacxin Dịch tả lợn Châu Phi tại nông hộ

Thứ Hai 15/05/2023 , 14:38 (GMT+7)

Từ chỗ e dè không cho người lạ vào khu chăn nuôi, ông Lê Viết Thể, ở Đan Phượng, Hà Nội giờ yên tâm hơn mỗi khi có người đến nhờ chia sẻ kinh nghiệm.

Ông Lê Viết Thể tiêm thử nghiệm vacxin Dịch tả lợn Châu Phi trên đàn lợn trong quy mô chăn nuôi nông hộ. Ảnh: Bảo Thắng.

Ông Lê Viết Thể tiêm thử nghiệm vacxin Dịch tả lợn Châu Phi trên đàn lợn trong quy mô chăn nuôi nông hộ. Ảnh: Bảo Thắng.

Nhìn thấy ánh sáng cho chăn nuôi lợn nông hộ

"Dịch tả lợn Châu Phi", chỉ có mấy từ này thôi là người chăn nuôi thôn Địch Trung, xã Phương Đình, huyện Đan Phượng, Hà Nội đã kinh hồn bạt vía.

Cách đây mấy năm, khi dịch bệnh bùng phát trên diện rộng, nhiều nông hộ nhỏ lẻ trên địa bàn khóc ròng vì lợn nhiễm bệnh là không cách gì cứu chữa được. Mấy chục cây số dọc đê Song Phương đã chôn giấu biết bao nước mắt của người dân nơi đây.

Gần nhất, cuối năm 2022, Dịch tả lợn Châu Phi một lần nữa nổ ra khiến nhiều nông hộ rơi cảnh trống chuồng. Thiệt hại kinh tế là một chuyện, vấn đề chính là người nông dân nảy sinh tâm lý e dè tái đàn, bởi vacxin, vũ khí phòng bệnh chính mới chỉ được phân bổ sử dụng trong điều kiện có giám sát, tại một số khu vực cụ thể trên cả nước. Ngoài ra, thuốc điều trị đặc hiệu đối với bệnh chưa có, trong khi đường lây truyền của bệnh rất phức tạp, khó kiểm soát.

Như nhiều người chăn nuôi khác, ông Lê Viết Thể, trú tại thôn Địch Trung cũng hết sức sát sao về Dịch tả lợn Châu Phi. Là người có hàng chục năm kinh nghiệm về chăn nuôi, cũng như có kiến thức và chuyên môn về công tác thú y, chủ trại lợn hơn 100 con thực hiện nghiêm ngặt an toàn sinh học trong chăn nuôi, đồng thời liên tục theo dõi và nâng cao sức đề kháng của đàn lợn.

"Thời điểm năm 2020, gần như 90% các trang trại nuôi lợn ở Phương Đình bị nhiễm bệnh, chuồng trại tan hoang hết cả. Muốn bảo vệ đàn lợn, người chăn nuôi đã phải tuyệt đối không cho người lạ vào trang trại", ông Thể tâm sự.

Bệnh dịch khiến nhiều nhà điêu đứng nhưng cũng là dịp để ông Lê Viết Thể chứng tỏ cái tài của mình. Qua mấy năm, trang trại của ông chưa có lợn nào nhiễm bệnh. Toàn bộ khu nuôi vẫn như một lá chắn thép, giúp đàn lợn phát triển khỏe mạnh.

Hỏi bí quyết chăn nuôi để đạt hiệu quả như vậy, người đàn ông trạc 60 tuổi chỉ cười xòa và mời tôi vào tham quan thực tế. Dường như nhận thấy sự ngần ngại, ông Thể động viên: "Trước tôi không cho người lạ vào. Ngay cả bản thân mỗi lần ra vào khu nuôi cũng phải sát khuẩn, đi ủng, mặc quần áo bảo hộ... nhưng giờ thì yên tâm rồi nên anh em vào thăm được không sao".

Ông Thể rất tích cực vệ sinh chuồng trại, đảm bảo môi trường nuôi sạch bệnh. Ảnh: Phạm Hiếu.

Ông Thể rất tích cực vệ sinh chuồng trại, đảm bảo môi trường nuôi sạch bệnh. Ảnh: Phạm Hiếu.

Nói là làm, ông Thể mau mắn đi trước dẫn tôi thăm khu chăn nuôi được vệ sinh sạch sẽ của ông. Những ngày đầu tháng Năm, ngoài trời nắng như đổ lửa, nhưng không khí trong chuồng vẫn mát mẻ nhờ hệ thống cách nhiệt nhiều lớp bằng vải bạt, xốp được bố trí xung quanh. Đặc biệt, khi đi từ ngoài mấy chục mét vào đến trong, không thấy có bất cứ một mùi gì.

Chăn nuôi của nước ta hiện nay vẫn còn mang tính nhỏ lẻ. Tỷ lệ nông hộ khá cao. Với những hộ nuôi đan xen trong khu dân cư, họ còn gặp thách thức trong việc phòng ngừa, chặn đứng dịch bệnh lây lan do môi trường nuôi có tính "mở" lớn. Ý thức được những vấn đề ấy, ông Thể chủ trương "bốn không".

Một là, không mua lợn nguồn gốc không rõ ràng, không có giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển của cơ quan thú y. Hai là, chủ động tối đa nguồn giống sạch bệnh từ lợn bố mẹ. Ba là, không thu gom thức ăn tại các nhà hàng, bếp ăn của khu công nghiệp, hoặc nếu lấy phải xử lý nhiệt cẩn thận. Bốn là, không sử dụng nước ao, hồ, kênh, mương chưa qua xử lý để tắm và cho lợn uống.

Nhờ những biện pháp quyết liệt, đồng bộ, Dịch tả lợn Châu Phi phải chùn bước trước trang trại của gia đình ông Thể. Dù vậy, với kinh nghiệm chăn nuôi dày dạn, chủ trại tin rằng phải có vacxin ông mới yên tâm hoàn toàn, nhất là khi tận mắt chứng kiến sức tàn phá của Dịch tả lợn Châu Phi ở các trang trại lân cận.

Chính vì vậy, ngay khi biết thông tin Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam cho thử nghiệm vacxin phòng bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, ông Thể đã tiếp xúc và đề xuất công ty cho phép tiêm thử nghiệm cho trang trại. 

"Nhiều người chê tôi gàn dở. Nhưng kể từ lúc tiêm hồi tháng 7, tháng 8 năm 2022 đến nay, hiệu quả rất rõ ràng. Đàn lợn nhà tôi vẫn miễn nhiễm với dịch tả lợn Châu Phi", ông phấn khởi nói.

Ông Nguyễn Văn Điệp, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam cùng ông Lê Viết Thể phổ biến kinh nghiệm và kiểm tra tình hình đàn lợn tại các nông hộ sau khi tiêm vacxin Dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh: Bảo Thắng.

Ông Nguyễn Văn Điệp, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam cùng ông Lê Viết Thể phổ biến kinh nghiệm và kiểm tra tình hình đàn lợn tại các nông hộ sau khi tiêm vacxin Dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh: Bảo Thắng.

Chủ động thăm khám, theo dõi thường xuyên

Từ quyết tâm đến hành động là một chặng đường không hề ngắn. Tại thôn Địch Trung, rất nhiều nông hộ nhỏ lẻ mong ngóng vacxin nhưng không phải ai cũng dám dũng cảm "cầm 3 bích đi trước" (lời một hộ dân) như ông Lê Viết Thể.

Cách nhà ông Thể độ vài trăm mét, ông Phạm Mạnh Tiến từng mất hết đàn lợn trong đợt bùng phát Dịch tả lợn Châu Phi năm ngoái. Dịp Tết Nguyên đán vừa rồi, giá lợn khởi sắc nhưng ông Tiến vẫn ngần ngứ tái đàn vì sợ cảnh trắng chuồng vì dịch lặp lại.

Phải tới lúc chờ lứa lợn thứ hai được gia đình ông Thể tiêm vacxin vẫn khỏe mạnh, ông Tiến mới gây dựng lại sản nghiệp. Từ chỗ vài đầu lợn ban đầu, đến nay chuồng của ông đã kín chừng 50 con. 

"Mới tái đàn cũng lo lắm, nhưng tin vào vacxin, tin vào những lời tư vấn của ông Thể nên tôi mạnh dạn. Kết quả là giờ đàn lợn nhà tôi khỏe mạnh và chuẩn bị xuất bán". Ông Tiến tâm sự.

Cũng ở thôn Địch Trung, nhưng với quy mô nhỏ hơn khoảng 30 con, ông Nguyễn Văn Hải bảo "giờ đêm ngủ ngon được rồi". Do chăn nuôi là nguồn thu nhập chính của gia đình, ông Hải suýt phải chuyển nghề ra phố tìm kế sinh nhai trong thời gian dịch bệnh, rồi giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng. Phải tới khi thấy đàn lợn phát triển tốt như hiện tại, ông Hải mới thở phào.

Ông Tiến, ông Hải là 2 trong số hơn 30 hộ nông dân trên địa bàn xã Phương Đình được ông Thể vận động tiêm vacxin AVAC ASF LIVE do Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam sản xuất cung ứng. Tính đến nay, tổng cộng khoảng 1.300 con lợn đã được tiêm. Tất cả đều được giám sát nghiêm ngặt cả trước, trong và sau tiêm. Kết quả, 100% số lợn sau tiêm khỏe mạnh, không bị nhiễm bệnh.

Ông Nguyễn Văn Hải yên tâm tái đàn từ khi sử dụng vacxin Dịch tả lợn Châu Phi AVAC ASF LIVE. Ảnh: Phạm Hiếu.

Ông Nguyễn Văn Hải yên tâm tái đàn từ khi sử dụng vacxin Dịch tả lợn Châu Phi AVAC ASF LIVE. Ảnh: Phạm Hiếu.

Từ kết quả trên, ông Lê Viết Thể tiếp tục thử nghiệm tiêm vacxin AVAC ASF LIVE trên lợn nái và lợn con, dựa trên liều dùng do Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam hướng dẫn.

Sau khi tiêm 2 lứa, ông Thể nhận xét, khả năng sinh sản của lợn nái hầu như không thay đổi, đàn lợn con nhanh lớn. Kết quả xét nghiệm trong khoảng thời gian 3 - 4 tháng sau tiêm cả trên lợn nái lẫn lợn con cho thấy, lợn còn kháng thể. Điều này phù hợp với những công bố của AVAC, rằng thời gian bảo hộ của vacxin kéo dài khoảng 4 tháng.

Chia sẻ bí quyết giúp đàn lợn khỏe mạnh sau tiêm vacxin, ông Thể cho biết: "Quan trọng nhất là phải mua được vacxin chuẩn, không mua hàng trôi nổi trên thị trường. Tôi luôn đặt trực tiếp từ Công ty và kiểm tra kỹ bao bì, nhãn mác, quy cách bảo quản khi nhận hàng".

Thử nghiệm vacxin Dịch tả lợn Châu Phi tại nông hộ nhỏ lẻ là một trong những bước quan trọng để đánh giá hiệu quả thực tế của vacxin. Trong các chỉ đạo xuyên suốt từ năm 2022, khi Việt Nam lần đầu tiên công bố sản xuất thành công loại vacxin này (Công ty Navetco), Bộ NN-PTNT và Cục Thú y luôn nhấn mạnh rằng, cần phục vụ tối đa lợi ích của người chăn nuôi.

Vừa qua, Công ty Cổ phần AVAC đã cung ứng và khảo nghiệm hơn 700.000 liều vacxin AVAC ASF LIVE tại 32 tỉnh, thành phố. Hồi đầu tháng 2/2023, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến dẫn đầu đã kiểm tra tại một cơ sở gia công thuộc hệ thống của Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam, nơi đã triển khai tiêm vacxin AVAC ASF LIVE từ cuối năm 2022 và cho kết quả khả quan.

Ông Nguyễn Văn Điệp, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam cam kết: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục cải tiến công nghệ, nghiên cứu nâng cao hơn nữa hiệu quả bảo hộ của vacxin , tối ưu hóa giá thành, đồng thời mở rộng đối tượng sử dụng cho cả lợn nái và lợn con theo mẹ”.

Bên cạnh tiêm đúng kỹ thuật, liều lượng theo khuyến cáo của doanh nghiệp, ông Lê Viết Thể nhấn mạnh, công tác theo dõi lợn thường xuyên trong vòng 2 tuần sau tiêm. Ông đánh giá, lợn tiêm vacxin thường sốt nhiều hơn ở tuần thứ hai. Do đó, cần tránh tâm lý chủ quan khi thấy lợn có phản ứng nhẹ ở tuần đầu tiên. Ngoài ra, người chăn nuôi phải cho lợn uống điện giải chống sốt suốt 15 ngày, đồng thời kịp thời thông báo nếu thấy hiện tượng bất thường.

Xem thêm
Chuỗi chăn nuôi gà '3 chung' Gò Công

TIỀN GIANG Các thành viên của HTX Chăn nuôi và Thủy sản Gò Công cùng nhau chăn nuôi gà theo 3 chung, đó là mua chung, nuôi chung và bán chung.

Rộn rã mùa gặt

HÀ TĨNH Mùa gặt, trên các cách đồng từ miền ngược đến miền xuôi ở Hà Tĩnh, tiếng máy gặt rền vang hòa trong tiếng cười rộn rã của nông dân báo hiệu mùa vụ bội thu.

Tố chất khoa học luôn 'bén rễ' khắp các làng quê nông thôn

Mỗi cuộc trò chuyện, trao đổi giữa các nhà khoa học, nhà nghiên cứu với bà con nông dân là một dịp đưa khoa học công nghệ và cuộc sống xích lại gần nhau hơn…

Bình luận mới nhất