| Hotline: 0983.970.780

Kết quả xét nghiệm dịch tả lợn Châu Phi có hiệu lực bao lâu?

Thứ Tư 29/05/2019 , 08:39 (GMT+7)

Kết quả xét nghiệm dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) có hiệu lực trong bao lâu? Đây đang là câu hỏi mà ngay cả cơ quan chức năng về thú y ở các địa phương cũng đang vô cùng băn khoăn.

Ngày 27/5, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam đã tạm giữ một xe tải chở lợn từ tỉnh Bắc Ninh bị mắc DTLCP. Tài xế khai đã tự ý tháo niêm phong, “bán tháo” lợn bị bệnh trong quá trình vận chuyển.

Chiếc xe chở lợn từ Bắc Ninh bị tạm giữ tại Quảng Nam ngày 27/5. Ảnh: PH.

Trước đó, người dân đã thông báo cho các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam về việc phát hiện một xe tải chở lợn có dấu hiệu bị dịch bệnh đỗ tại cửa hàng xăng dầu Kỳ Lý, xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh. Nhận được tin báo, các cơ quan chức năng gồm Cục Quản lí Thị trường, Chi cục Chăn nuôi – Thú y Quảng Nam và huyện Phú Ninh đã đến kiểm tra.

Tại thời điểm kiểm tra, trên xe tải có 34 con lợn còn sống, 5 con đã chết và có các triệu chứng lâm sàng của bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Cùng ngày, Chi cục Chăn nuôi – Thú y tỉnh Quảng Nam đã lấy 3 mẫu xét nghiệm, kết quả đều dương tính với bệnh DTLCP. Theo đó, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam đã lập biên bản, tạm giữ phương tiện và tiến hành tiêu hủy toàn bộ số lợn trên xe.

Theo biên bản làm việc, tài xế điều khiển xe tải chở lợn là ông Phạm Minh Vỹ (36 tuổi, trú huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi). Ông Vỹ khai được thuê chở lợn từ một cơ sở chăn nuôi tại Bắc Ninh cho một lò mổ tại huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi). Chiều 26/5, khi đến huyện Thăng Bình (Quảng Nam), tài xế này gọi điện thoại cho chủ hàng song người này không nghe máy nên tài xế đã dừng xe, tháo giấy niêm phong để bán lợn. Sau đó, tài xế tiếp tục chạy vào huyện Phú Ninh (Quảng Nam) dừng lại để tiếp tục bán thì bị người dân phát hiện và báo cho cơ quan chức năng.

Cũng tại thời điểm kiểm tra, tài xế Vỹ có xuất trình Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh (giấy chứng nhận kiểm dịch), do Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Ninh cấp. Theo đó, chủ hàng (đồng thời là chủ trại chăn nuôi) là ông Nguyễn Văn Đẩu, xã Nghĩa Đạo, Thuận Thành, Bắc Ninh. Số lượng lợn vận chuyển là 150 con (lợn thịt 4 tháng tuổi). Nơi vận chuyển đến cuối cùng là bà Huỳnh Thị Lộc, lò mổ tập trung tại xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi.

Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam cũng xác nhận các sai phạm như: Giấy chứng nhận kiểm dịch đã hết hạn (giấy chỉ có giá trị đến ngày 26/5/2019); số lượng lợn trên xe không đúng với số lượng ghi trên giấy chứng nhận kiểm dịch (chỉ có 39 con, trong đó 5 con đã chết, thay vì 150 con theo giấy chứng nhận kiểm dịch); tài xế tự ý tháo gỡ niêm phong, bỏ lợn xuống một số điểm trên đường vận chuyển…

Cũng theo giấy chứng nhận kiểm dịch, có ghi rõ: Số lợn trên xất phát từ vùng/cơ sở an toàn với các bệnh LMLM và dịch tả lợn. Số lợn trên cũng đã được xét nghiệm và có kết quả âm tính với với bệnh DTLCP (đơn vị xét nghiệm là Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương).

Vấn đề đang gây nhiều thắc mắc, đó là theo giấy chứng nhận kiểm dịch của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bắc Ninh: Ngày trả kết quả xét nghiệm DTLCP cho cơ sở chăn nuôi của ông Nguyễn Văn Đẩu là 10/5/2019. Trong khi đó, ngày cấp giấy chứng nhận kiểm dịch cho phép vận chuyển lợn đi tiêu thụ là 24/5/2019 (cách thời điểm có kết quả xét nghiệm âm tính với bệnh DTLCP lên tới 14 ngày).

Trả lời NNVN, ông Nguyễn Hữu Thọ, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Ninh khẳng định: Tất cả thông tin báo chí nêu về ngày giờ cấp giấy kiểm dịch động vật ngoại tỉnh mà Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bắc Ninh cấp cho xe chở lên trên đều khớp với dữ liệu đang lưu giữ tại Chi cục. Đặc biệt theo ông Thọ, sau khi xuất bán 150 lợn cho lò mổ ở Quảng Ngãi, hiện trang trại của ông Nguyễn Văn Đẩu vẫn còn hơn 3.000 lợn thịt và tất cả vẫn đang khỏe mạnh, bình thường, chưa có dấu hiệu, triệu chứng mắc bệnh DTLCP.

Giấy kiểm dịch do Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bắc Ninh cấp cách 14 ngày so với thời điểm xét nghiệm DTLCP. Ảnh: PH.

Về việc tại sao từ thời điểm có kết quả xét nghiệm âm tính với DTLCP tới thời điểm xuất bán lợn cách nhau tới gần nửa tháng, nhưng trại ông Đẩu vẫn được cấp giấy chứng nhận kiểm dịch cho phép vận chuyển lợn ra ngoại tỉnh, ông Thọ cho rằng hiện trong các văn bản quy định của Luật Thú y hiện hành không có quy định cụ thể về ngày có hiệu lực tối đa của giấy xét nghiệm!?

Hơn nữa, với tinh thần cải cách hành chính, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bắc Ninh không thể và không nên bắt chủ trang trại phải lấy mẫu xét nghiệm thêm 1 lần nữa nếu không phát hiện sự bất thường nào từ đàn lợn được cấp giấy kiểm dịch.

Theo quy định hiện hành, việc vận chuyển lợn sống từ vùng dịch ra ngoại tỉnh phải đảm bảo 2 điều kiện: Cơ sở chăn nuôi đã được cấp chứng nhận là cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh; đồng thời phải được lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả âm tính với bệnh DTLCP. Tuy nhiên, thời gian có hiệu lực của kết quả xét nghiệm DTLCP là bao lâu lại đang là vấn đề hết sức băn khoăn. Theo tìm hiểu của PV NNVN, để đảm bảo lợn của cơ sở chăn nuôi trước khi vận chuyển ra ngoại tỉnh không bị nhiễm DTLCP, việc vận chuyển lợn ra khỏi cơ sở chăn nuôi phải được tiến hành trong thời gian ngắn nhất có thể sau khi có kết quả xét nghiệm DTLCP.

“Ở Thái Bình, các cơ sở chăn nuôi đủ điều kiện vận chuyển ra ngoại tỉnh, chúng tôi đề nghị giữa cơ sở chăn nuôi và đơn vị thu mua lợn phải chủ động thống nhất phương án vận chuyển. Theo đó ngay sau khi có kết quả xét nghiệm mà âm tính với DTLCP, thì yêu cầu vận chuyển ngay trong thời gian sớm nhất có thể, cùng lắm là trong vòng 1 - 2 ngày sau khi có kết quả xét nghiệm DTCLP. Bởi nếu để lưu lại trong thời gian dài, biết đâu cơ sở chăn nuôi đó lại bị DTLCP xâm nhập!?”, ông Phạm Thành Nhương, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thái Bình cho biết.

Xem thêm
Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Nông dân lo lắng vì giá lúa đông xuân sớm giảm mạnh

ĐBSCL Hiện một số nơi tại ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch lúa đông xuân sớm nhưng giá lúa giảm từ 2.000 - 2.400 đồng/kg so với cùng kỳ.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất