| Hotline: 0983.970.780

Khắc phục hậu quả mưa lũ, khẩn trương vào vụ đông xuân

Thứ Năm 23/12/2021 , 10:15 (GMT+7)

PHÚ YÊN Phú Yên khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ, triển khai vụ đông xuân 2021 - 2022 đảm bảo tiến độ thời vụ.

Đợt mưa lũ ở Phú Yên tháng 11 vừa qua là trận lũ lịch sử lớn nhất trong vòng 28 năm qua, gây hư hỏng nặng hệ thống thủy nông Đồng Cam. Sau lũ, Phú Yên gấp rút sửa chữa nhiều hạng mục công trình thủy nông này.

Sau khi mưa lũ kết thúc, hiện nông dân Phú Yên đang khẩn trương tiến hành cày dập gốc rạ, cỏ dại, làm đất, xuống giống vụ đông xuân. Theo lịch, vụ đông xuân 2021 - 2022 của Phú Yên bắt đầu gieo sạ từ ngày 20/12/2021 đến ngày 10/1/2022. Chính vì vậy, bắt buộc tất cả hạng mục sửa chữa trên toàn hệ thống thủy nông Đồng Cam đã được khẩn trương hoàn thiện trước ngày 20/12/2021.

Kênh mương thủy lợi bị hư hỏng do mưa lũ được khẩn trương sửa chữa để kịp thời sản xuất vụ đông xuân. Ảnh: MHN.

Kênh mương thủy lợi bị hư hỏng do mưa lũ được khẩn trương sửa chữa để kịp thời sản xuất vụ đông xuân. Ảnh: MHN.

Hệ thống thủy nông Đồng Cam được ví là “mạch sống quê hương” vì cung cấp nước tưới cho hơn 18.000 ha lúa và hoa màu ở đồng bằng thuộc các huyện Phú Hòa, Tây Hòa, Tuy Hòa (vựa lúa lớn nhất miền Trung).

Trên các cánh đồng phường Hòa Vinh, Hòa Xuân Tây, xã Hòa Xuân Nam, Hòa Tân Đông (Thị xã Đông Hòa), hiện nông dân đang tiến hành làm đất gieo sạ lúa vụ đông xuân. Ông Nguyễn Văn Thức ở xã Hòa Xuân Đông, chia sẻ: Lũ lụt vừa qua, nước lũ từ sông Bánh Lái đổ về mạnh, tràn qua cánh đồng xé bờ bao chảy thẳng vào ruộng, mang theo cát đá lấp hết một góc ruộng. Sau lũ, ông và một số bà con nông dân ở cánh đồng này dùng xẻng hốt đổ lên xe rùa đẩy ra đắp lại bờ bao, cải tạo lại ruộng, gieo sạ lúa vụ đông xuân.

Thống kê của Phòng Kinh tế Thị xã Đông Hòa, đợt lũ vừa qua làm 8,5 ha ruộng bị bồi lấp. Sau khi khắc phục hậu quả mưa lũ, vụ đông xuân này, nông dân toàn huyện gieo sạ 4.570 ha. Trên cánh đồng xã Xuân Quang 3, Xuân Sơn Bắc (huyện Đồng Xuân), nhiều đám ruộng bị nước lũ bồi lấp cát đá đang đã và đang được bà con nông dân khẩn trương tiến hành cải tạo lại.

Nông dân Phú Yên đã kịp thời khắc phục lại đồng ruộng sau mưa lũ, đảm bảo gieo sạ đúng thời vụ. Ảnh: MHN.

Nông dân Phú Yên đã kịp thời khắc phục lại đồng ruộng sau mưa lũ, đảm bảo gieo sạ đúng thời vụ. Ảnh: MHN.

Ông Nguyễn Văn Tánh ở xã Xuân Quang 3 chia sẻ: Vào vụ đông xuân, ruộng bỏ hoang 3 tháng, mùa mưa cỏ dại với lúa chét mọc dày nên phải cày ải dập gốc rạ, diệt cỏ dại sớm, nếu cày muộn thì sau này gieo sạ, đám ruộng còn cỏ gốc trồi lên lấn lúa non, cây lúa dễ bị mắc bệnh nghẹt cổ rễ. 

Ông Huỳnh Tuấn Ân, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân cho biết: Sau trận lũ lụt cuối tháng 11 đến nay, Phòng NN-PTNT huyện triển khai cho các HTX nông nghiệp tiến hành nạo vét kênh mương nội đồng, thu dọn rác, bèo bị nước lụt tấp vào ruộng để chuẩn bị gieo sạ vụ lúa đông xuân kịp thời đúng theo lịch thời vụ đã quy định.

Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, đến nay nông dân toàn tỉnh đã gieo sạ trà sớm với 900 ha, tập trung tại các huyện Tây Hòa, Tuy An, Đồng Xuân, Thị xã Sông Cầu và Đông Hòa.

Sau lũ, Sở NN-PTNT đã yêu cầu các địa phương triển khai ngay việc khắc phục nhằm sớm ổn định đời sống nhân dân, khôi phục sản xuất; tập trung tổ chức dọn dẹp vệ sinh, xử lý môi trường tiến hành gieo sạ lúa.

Tỉnh Phú Yên kiến nghị Trung ương hỗ trợ thêm 1.500 tấn lúa giống để kịp sản xuất vụ đông xuân và một số giống vật nuôi. Theo kế hoạch vụ đông xuân này toàn tỉnh gieo sạ 26.606 ha.

Xem thêm
Màu đỏ may mắn của giống gà Mía số 1

Trong lịch sử mảng gà lông màu tại Việt Nam, chưa khi nào gam màu xám dài đến vậy, người chăn nuôi hy vọng, thất vọng rồi hy vọng và lại thất vọng...

Chú trọng tiêm vacxin, chống buôn lậu trước mùa nguy cơ dịch bênh

Chỉ đạo hoạt động của ngành thú y, chăn nuôi thời gian tới, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh công tác kiểm soát dịch bệnh bằng vacxin và phòng chống buôn lậu.

Triển vọng kinh tế xanh từ phế phụ phẩm ngành sắn

TÂY NINH Tây Ninh là thủ phủ cây sắn của cả nước, các phế phụ phẩm ngành sắn đang được địa phương này tận dụng triệt để, hướng tới kinh tế xanh và tuần hoàn, bền vững.