| Hotline: 0983.970.780

Khai thác lợi thế thủy sản lòng hồ Tuyên Quang

Thứ Tư 23/06/2021 , 18:14 (GMT+7)

Ngày 23/6, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đã làm việc với tỉnh Tuyên Quang về một số định hướng phát triển chăn nuôi, thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến và đoàn công tác thăm một số mô hình nuôi thủy sản lòng hồ tại Tuyên Quang. Ảnh: Đào Thanh.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến và đoàn công tác thăm một số mô hình nuôi thủy sản lòng hồ tại Tuyên Quang. Ảnh: Đào Thanh.

Cần chú trọng mô hình nuôi cá nước lạnh

Tỉnh Tuyên Quang hiện có 11.500 ha mặt nước có khả năng phát triển nuôi trồng, khai thác thuỷ sản. Nuôi thủy sản ở Tuyên Quang đang dần khẳng định được vai trò của mình trong phát triển kinh tế xã hội, giải quyết việc làm nâng cao thu nhập cho người dân.

Hiện toàn tỉnh có 1.134 lồng cá; sản lượng nuôi trồng, khai thác đạt 1.548 tấn. Đối tượng nuôi trên lòng hồ đang có chuyển biến rõ rệt, từ nuôi các loài cá truyền thống bằng lồng đã chuyển dịch dần sang nuôi cá đặc sản, cá có giá trị kinh tế cao như cá chiên, cá bỗng, cá lăng chấm, cá chình... chiếm khoảng 50%.

Tuyên Quang đã xuất hiện nhiều làng nuôi cá lồng có tiếng như làng nuôi cá lồng xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa; làng nuôi cá lồng xã Thái Hòa, huyện Hàm Yên; khu nuôi thủy sản tập trung tại khu vực lòng hồ sinh thái của các huyện Na Hang, Lâm Bình... Đến nay, toàn tỉnh có 3 doanh nghiệp, 3 hợp tác xã và 150 hộ làm nghề kinh doanh nuôi trồng thủy sản.

Một trong những bước tiến của ngành thủy sản Tuyên Quang đó là đã chủ động được một phần nguồn con giống. Nhất là những giống cá đặc sản khó sinh sản nhân tạo như cá chiên. Đây là cơ sở cho việc sản xuất, cung ứng đủ giống cá đặc sản trên địa bàn tỉnh. 6 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh đã sản xuất được 96.800 con cá chiên giống.

Tuy đã phát huy được tiềm năng, nhưng ngành thủy sản Tuyên Quang còn một số hạn chế như: Số lượng nuôi cá lồng bè còn ít, quy mô chăn nuôi tập trung còn nhỏ lẻ; những khu vực tạo ra cá sản phẩm lớn như OCOP còn hạn chế...

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến và đoàn công tác ấn tượng về các mô hình nuôi cá chạch sông, cá chiên... tại huyện Na Hang, Lâm Bình, theo đó đề nghị các đơn vị của Bộ cần hỗ trợ trung tâm thủy sản của tỉnh Tuyên Quang đưa vào nghiên cứu để phát triển các giống thủy sản, đặc sản, bản địa của địa phương.

Đặc biệt, cần chú trọng mô hình nuôi cá nước lạnh, nhất là cá tầm ở nhiều địa phương có điều kiện tương tự như hồ Thác Bà (Yên Bái); hồ Hòa Bình. Tỉnh cần tổ chức khai thác hợp lý tạo ra các sản phẩm gắn với chỉ dẫn địa lý, gắn với thương hiệu đặc thù riêng của vùng miền cũng như sản phẩm OCOP.

Chăn nuôi còn quá nhỏ lẻ manh mún

Về chăn nuôi, Tuyên Quang có khá nhiều giống đặc sản bản địa cho chất lượng thơm ngon và có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế. Tỉnh bước đầu đã nhân rộng số lượng và hình thành thương hiệu cho một số giống như trâu ngố, vịt bầu Minh Hương, lợn tên lửa bản địa ở Na Hang, Lâm Bình…

Tuyên Quang có rất nhiều thế mạnh về nuôi trồng thủy sản lòng hồ. Ảnh: Đào Thanh.

Tuyên Quang có rất nhiều thế mạnh về nuôi trồng thủy sản lòng hồ. Ảnh: Đào Thanh.

Đến nay, tỉnh đã hình thành và tổ chức sản xuất hàng hóa về trâu giống và trâu thương phẩm tại các huyện vùng cao; ứng dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo mỗi năm được khoảng 4.000 con bê, gần 1.000 con nghé.

Tỉnh đã thực hiện cấp chứng nhận nhãn hiệu “trâu ngố Tuyên Quang”. Mô hình liên kết chăn nuôi trâu được hình thành và phát huy hiệu quả, với thời gian nuôi vỗ béo thực hiện 3 đến 4 tháng, thu lãi bình quân đạt 4 đến 5 triệu đồng/con.

Ngành chăn nuôi Tuyên Quang cũng đang vấp phải khó khăn do dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) trên lợn và bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu, bò; khó khăn về thị trường tiêu thụ do khâu kết nối tiêu thụ còn hạn chế và ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Từ ngày 23/4/2021 đến nay, Tuyên Quang đã phát hiện trâu, bò mắc bệnh VDNC tại 503 hộ của 75 xã trên 7/7 huyện, thành phố. Với bệnh DTLCP, từ đầu năm 2021 có xu hướng giảm mạnh. Tuy nhiên do chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ, khó áp dụng triệt để an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, mặc dù phát sinh rải rác, nhỏ lẻ...

Nghề nuôi trồng thủy sản trên hồ sinh thái Na Hang đang tạo việc làm cho hàng nghìn lao động cho tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Đào Thanh.

Nghề nuôi trồng thủy sản trên hồ sinh thái Na Hang đang tạo việc làm cho hàng nghìn lao động cho tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Đào Thanh.

Làm việc với tỉnh Tuyên Quang, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT cũng chỉ ra những khó khăn tồn tại của ngành chăn nuôi, thủy sản của Tuyên Quang hiện nay như tỷ lệ tiêm phòng dịch bệnh của một số loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm còn thấp; việc chăn nuôi còn quá nhỏ lẻ manh mún, chưa khởi dậy được tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị thời gian tới, Tuyên Quang cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tạo ra sản phẩm quốc gia, sản phẩm vùng và sản phẩm khu vực. Tỉnh cần phân tích được cơ cấu đàn đại gia súc để phân định nhóm làm giống nhằm quyết định năng suất, chất lượng, đẩy mạnh việc hỗ trợ trực tiếp cho các HTX…

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá Tuyên Quang có tiềm năng rất lớn về diện tích lòng hồ. Tuy nhiên cần chú trọng việc chọn điểm đặt khu vực nuôi trồng thủy sản, lựa chọn giống, giải quyết vấn đề môi trường, thú y để nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững.

Về đề nghị của Tuyên Quang tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhập khẩu bò từ Sudan, Kenya về Việt Nam để chăn nuôi theo hình thức vỗ béo, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng cần phải triển khai thận trọng. Vì những quốc gia này là cơ sở phát sinh những mầm bệnh gây nguy hiểm cho ngành chăn nuôi.

    Tags:
Xem thêm
Điều động 1 kíp tàu tuần tra, phòng chống khai thác IUU

Từ ngày 22/4, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều động 1 kíp tàu tuần tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển do đơn vị quản lý.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm