| Hotline: 0983.970.780

Khai thác thủy sản trái phép vì… quá nghèo

Thứ Ba 24/07/2018 , 13:20 (GMT+7)

Cà Mau có chiều dài bờ biển trên 254km, chiếm 1/3 chiều dài bờ biển vùng ĐBSCL và bằng 7,8% chiều dài bờ biển của cả nước. Nghề đánh bắt, khai thác thủy sản trên biển đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tuy nhiên, về công tác tổ chức, quản lý, áp dụng khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm tiên tiến vào sản xuất vẫn còn nhiều bất cập.
 

Bám biển mưu sinh

Thực tế, về nguyên tắc, những tàu cá có công suất dưới 20CV hoặc những phương tiện phát sinh ngoài quy hoạch khai thác kiểu tận diệt như cào, te… sẽ bị cấm không cho khai thác tại vùng biển ven bờ. Tuy nhiên, những trường hợp này đều có hoàn cảnh nghèo khó, không đất sản xuất, buộc lòng họ phải bám víu vào biển để mưu sinh.

22-59-38_nhung_phuong_tien_vo_li_r_bien_dng_bt_c_keo
Những phương tiện vỏ lãi ra biển đăng bắt cá kèo

Để có được cái ăn, cái mặc và lo cho con cái được đến trường, anh Lâm Văn Thông, 41 tuổi, ngụ huyện Ngọc Hiển cho biết: “Tôi ra biển bằng vỏ lãi, chủ yếu đánh bắt cá kèo giống để mưu sinh, hằng ngày tôi đăng được khoảng 3 - 5 ly cá kèo giống. Sau đó, đem vào đất liền vèo lại vài ngày trước khi bán cho thương lái”.

Hỏi, việc đăng bắt cá giống trái phép như vậy, anh không sợ bị phạt nặng hay sao, thì anh Thông trần tình: “Bị bắt riết rồi thành thói quen, đóng phạt mỗi lần 1 - 2 triệu. Nhưng cũng chấp nhận, nếu không ra biển thì cuộc sống gia đình không biết dựa vào đâu”.

Ông Nguyễn Việt Triều, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Cà Mau nhìn nhận: “Đây là vấn đề bất cập đang tồn tại hiện nay, bởi nếu họ không ra biển thì sẽ không có nguồn sống, sớm muộn gì, đó cũng là gánh nặng của xã hội. Nhìn lại, công tác quản lý ngành thủy sản địa phương vẫn còn hạn chế và sẽ rất khó khăn để chuyển đổi ngành nghề đối với những đối tượng này”.
 

Khó khăn trong quản lý

Theo ông Triều, nhóm phương tiện có công suất dưới 20CV đã được phân cấp cho UBND cấp huyện quản lý. Tuy nhiên, về công tác quản lý chuyên môn, ông Triều cũng thừa nhận, việc phân cấp quản lý còn nhiều khó khăn, vướng mắc đối với địa phương.

“Chi cục đã tham mưu cho UBND tỉnh tính toán lại để quản lý chặt chẽ hơn. Chúng tôi đang xem xét, cân nhắc có nên tiếp tục phân cấp hay rút tất cả lực lượng về trên tỉnh để quản lý. Bởi, hiện nay, Luật Thủy sản mới sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2019. Khi áp dụng luật mới, đối với những tàu cá, sẽ không quản lý theo công suất nữa mà quản lý theo chiều dài. Tức là tàu cá mà dưới 6m thì không cần đăng ký, để tỉnh, huyện quản lý nữa, giao thẳng cho UBND cấp xã quản lý”, ông Triều nói.

Qua điều tra, rà soát những trường hợp đánh bắt gần bờ, đa phần họ đều thuộc diện khó khăn. Vì cuộc sống, mưu sinh hằng ngày, họ ra biển đánh bắt, để trang trải cho cuộc sống. Trong khí đó, nhìn tổng thể về vấn đề giải quyết việc làm hoặc chuyển đổi ngành nghề cho những trường hợp này, vẫn còn bỏ ngỏ.

Thực tế vẫn tồn tại một số nghề khai thác thủy sản ven bờ theo kiểu "sát hại" NLTS cao nhưng vẫn chưa ngăn chặn được. Bởi do nhiều nguyên nhân mà cơ quan chức năng không thể quản lý hết. Đối với những phương tiện, hoạt động nghề cào, te… thì địa phương không cho đăng ký, đăng kiểm, không cấp phép hoạt động khai thác. Do đó, đa phần họ hoạt động “chui”. Hầu hết, đó là phương tiện thủy gia dụng, tham gia vào khai thác NLTS ven bờ.

22-59-38_r_bien_bng_phuong_tien_ny_se_rt_nguy_hiem_neu_gp_song_to_gio_lon
Ra biển bằng phương tiện này sẽ rất nguy hiểm nếu gặp sóng to, gió lớn

“Đó không phải là tàu cá nên chúng tôi không cho đăng ký, đăng kiểm bên ngành thủy sản được. Vì những trường hợp này thuộc phương tiện thủy nội địa nên được ngành giao thông quản lý”, ông Triều thông tin thêm.
 

Nỗ lực tái tạo

Vùng biển Cà Mau có diện tích thăm dò khai thác rộng khoảng 71.000km2, được đánh giá là một trong 4 ngư trường trọng điểm của cả nước, có trữ lượng hải sản lớn và phong phú về chủng loại. Trong đó, trữ lượng cá nổi ước khoảng 320 ngàn tấn, cá đáy 530 ngàn tấn, với 661 loài, 319 giống, thuộc 138 họ. Nhiều loại tôm cá có giá trị và sản lượng lớn như tôm, mực, ghẹ, cá thu, cá chim, cá mú, cá bớp… Vùng mặt nước ven biển có khả năng nuôi các loại thủy sản như nghêu, sò huyết, hàu, tôm nước mặn… có giá trị kinh tế cao. Sản lượng khai thác, đánh bắt thủy sản khoảng 300 ngàn tấn/năm.

Thời gian qua, với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước chuyên về thủy sản, Chi cục Thủy sản Cà Mau đã có nhiều đóng góp tích cực trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Trong đó, có việc tham mưu cho Sở NN-PTNT, UBND tỉnh Cà Mau những đề án, chương trình, kế hoạch về công tác này, bước đầu mang lại hiệu quả cao.

Hằng năm, đơn vị đều tổ chức thả nhiều loại giống khác nhau như tôm, cua, cá… về môi trường tự nhiên, nhằm tái tạo NLTS trước nguy cơ cạn kiệt. Hiện đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức thả một số loài thủy sản quý hiếm, có giá trị kinh tế cao vào một số thủy vực tự nhiên (thuộc khu bảo tồn biển, khu bảo tồn nước nội địa và một số cửa sông trên địa bàn tỉnh). Kết quả, có 5.000 cá hồng bạc, 5.000 cá hồng mỹ, 5.000 cá chim vây vàng, 4.000 cá mú, 30.000 cá chẽm, 30.000.000 cua biển và 4 triệu tôm sú được thả về môi trường tự nhiên.

Chi cục Thủy sản Cà Mau đã ký kết chương trình phối hợp với Giáo hội Phật giáo tỉnh, trong việc vận động, tuyên truyền, nêu cao ý thức cho phật tử để giáo dục phật tử phóng sinh, mang tính chất tái tạo nguồn lợi. Gần đây, đơn vị đã phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh, ký kết nhiều nội dung, trong đó có nội dung tái tạo NLTS.

 

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Cargill tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu ngành chăn nuôi Việt Nam

Gần 30 năm gắn bó với Việt Nam, Cargill luôn khẳng định vị thế dẫn đầu về dinh dưỡng và sức khỏe vật nuôi...

Hà Nội công bố bảng giá đất mới, cao nhất gần 700 triệu đồng/m2

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký Quyết định 71 sửa đổi, bổ sung Quyết định 30 về quy định và bảng giá đất trên địa bàn thành phố.