Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Gia Lai, toàn tỉnh hiện có 700 lồng bè phục vụ nuôi cá tại các hồ chứa. Trong đó có 561 lồng bè tập trung nhiều nhất tại Thị xã An Khê, huyện Ia Grai, Chư Păh, Đăk Đoa, Chư Prông. Tổng sản lượng trung bình hàng năm đạt trên 500 tấn, chủ yếu là cá tầm, lăng, rô phi đơn tính, diêu hồng, lóc, trê lai, thát lát, trắm cỏ, bống tượng...
Tiềm năng 15 nghìn ha mặt hồ
Những năm qua, Gia Lai đã dành sự quan tâm để đầu tư phát triển lĩnh vực thủy sản, trong đó rất chú trọng hỗ trợ kinh phí về nuôi thủy sản lồng bè trên hồ chứa.
Ghi nhận tại lòng hồ Thủy điện Đăk Đoa (xã Đăk Krong, huyện Đăk Đoa) mô hình nuôi cá lồng bè của hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Đăk Krong dù mới triển khai được 1 năm nhưng đang mang lại hiệu quả rõ nét. Các đàn cá lăng, diêu hồng, rô phi... phát triển rất tốt.
Nếu như thời gian đầu, HTX chỉ thử nghiệm nuôi 4 lồng cá thì nay đã phát phát triển lên thành 18 lồng. Trong đó, Trung tâm Nuôi trồng thủy sản Gia Lai hỗ trợ đầu tư 8 lồng khoảng hơn 400 triệu đồng, Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ đầu tư 4 lồng trên 200 triệu đồng, còn lại 6 lồng nhỏ do huyện Đăk Đoa hỗ trợ đầu tư 120 kg cá giống. Riêng các thành viên HTX cổ phần đầu tư làm khung lồng, một phần thức ăn và công tác chăm sóc, bảo vệ.
Ông Trịnh Khắc Dương, Giám đốc HTX Nông nghiệp Đăk Krong phấn khởi cho biết, HTX vừa mới bán được lồng cá rô phi đầu tiên với sản lượng gần 1 tấn cá, doanh thu mang lại hơn 30 triệu đồng.
Theo ông Dương, trung bình 1 lồng bè cá diêu hồng đầu tư 50 kg cá giống, 4 - 5 tháng sẽ thu hoạch được khoảng 1 - 1,5 tấn cá thương phẩm. Với giá bán sỉ từ 35.000 - 40.000 đồng/kg, người nuôi cũng có nguồn thu nhập khá.
Nhận thấy diện tích mặt hồ Thủy điện Sê San nuôi trồng thủy sản hiệu quả, những năm qua, Trung tâm Giống thủy sản tỉnh Gia Lai và Phòng NN-PTNT huyện Chư păh đã triển khai dự án nuôi cá lồng bè cho 30 hộ dân thuộc làng Doch 1 và Dip (xã Ia Kreng).
Theo đó, các hộ tham gia được hướng dẫn về kỹ thuật nuôi, đầu tư khung lồng, và hỗ trợ gần 30.000 con cá giống cùng thức ăn.
Đánh giá về hiệu quả, ông Phạm Thanh Xuân, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Kreng cho biết, sau khi tham gia mô hình, nhiều người dân đã từng bước thoát nghèo, đời sống dần được cải thiện. Các hộ dân chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số đã biết thay đổi cách nghĩ, cách làm, phân công công việc trong sản xuất kinh doanh để mang lại hiệu quả.
Tương tự tại hồ Thủy điện Ia Grai, HTX Dịch vụ Nuôi trồng thủy sản xã Ia Tô đã đầu tư 30 lồng, chủ yếu nuôi cá diêu hồng. Ông Bùi Hữu Chính, thành viên HTX Ia Tô cho biết, cá diêu hồng rất dễ nuôi, nhanh lớn và đặc biệt được thị trường rất ưa chuộng. “Có những thời điểm thuận lợi, 30 lồng cá bè của HTX đạt doanh thu hơn 1 tỷ đồng”, ông Chính phấn khởi cho biết.
Ông Trịnh Quốc Việt, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Gia Lai cho biết, hiện nay mô hình nuôi cá lồng bè phát triển tương đối mạnh ở Gia Lai bởi tiềm năng. Cụ thể, Gia Lai có mặt nước ao, hồ rộng lớn với hơn 15 ngàn ha, đây là điều kiện phù hợp để phát triển nuôi các loại cá truyền thống thống (mè, trôi, trắm, chép) và đặc sản (cá lăng, thác lác). Ngoài ra, nuôi cá lồng bè có thể phát triển thị trường nội địa rất tốt.
“Lâu nay, người dân thường sử dụng cá biển từ Quy Nhơn, nhưng hay bị phụ thuộc mỗi khi biển động, sóng to dẫn đến nguồn cá cung cấp bị hạn chế. Chính vì vậy, việc đa dạng hóa nuôi cá lồng bè sẽ tiêu thụ thị trường nội địa rất hiệu quả”, ông Việt chia sẻ.
Lo vấn đề tiêu thụ
Phát triển cá lồng bè ở Gia Lai rất tiềm năng nhưng cũng có những rủi ro nhất định khi mà cá bị bệnh, môi trường ngày càng ô nhiễm và đặc biệt thị trường đầu ra vẫn chưa ổn định.
Trăn trở về điều này, ông Bùi Hữu Chính, thành viên HTX Dịch vụ Nuôi trồng thủy sản xã Ia Tô Chính cho biết, dù hiệu quả nhưng nuôi cá lồng bè trên hồ đập cũng có những rủi ro, nhất là vào mùa mưa rất dễ ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cá. Khi đó, HTX sẽ phải thu hẹp các lồng nuôi và tạm dừng việc thả cá giống.
Trong khi đó, ông A Hạnh, thành viên tổ nuôi cá lồng bè làng Doch 1 (xã Ia Kreng, huyện Chư Păh) cho biết, HTX đang nuôi 11 lồng cá gồm rô phi và cá lăng. Hiện cá rô phi đã cho thu hoạch nhưng lượng tiêu thụ tương đối ít, chủ yếu bán cho các hộ dân trong làng và vùng lân cận. Trong thời gian tới, khi cá lăng cho thu hoạch chắc chắn sẽ phải đi các địa phương khác để tìm kiếm thị trường tiêu thụ.
Cũng lo ngại đến vấn đề tìm đầu ra, các thành viên của HTX Nông nghiệp Đăk Krong cũng đang đẩy mạnh tìm kiếm thị trường tiêu thụ. “Hiện các thành viên rất muốn mở rộng, đầu tư thêm lồng cá nhưng lo ngại về vấn đề đầu ra. Trong thời gian tới, HTX sẽ liên hệ với các đại lý lớn trong và ngoài tỉnh để tìm nguồn tiêu thụ ổn định”, ông Trịnh Khắc Dương, Giám đốc HTX Nông nghiệp Đăk Krong chia sẻ.
Ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, Gia Lai đang tập trung đẩy mạnh phát triển cá lồng bè để tận dụng lợi thế về mặt nước với hệ thống sông, hồ và vùng chứa nước trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, Sở NN-PTNT đang xây dựng đề án phát triển thủy sản, trong đó quan tâm đến nuôi cá lồng bè nhằm góp phần gia tăng giá trị cho ngành nông nghiệp. Về thị trường tiêu thụ, sẽ kêu gọi các doanh nghiệp, HTX đầu tư, xây dựng chuỗi liên kết kết để gắn việc nuôi trồng, chế biến với tiêu thụ sản phẩm bền vững.
Ngoài việc kinh doanh, nuôi cá lồng bè tại HTX Nông nghiệp Đăk Krong còn hướng đến mục đích phát triển du lịch, kết hợp với mô hình cà phê cảnh quan.
Trước đó, dự án cà phê cảnh quan xung quanh lòng hồ Thủy điện Đăk Đoa đã được Bộ NN-PTNT phê duyệt đầu tư xây dựng nhằm hướng đến mô hình sản xuất bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái gắn với phát triển du lịch.
“Với khung cảnh thiên nhiên thanh bình và thơ mộng của các vườn cà phê cảnh quan, những lồng cá giữa dòng sông cũng sẽ là điểm nhấn để du khách đến chiêm ngưỡng”, ông Trịnh Khắc Dương, Giám đốc HTX Nông nghiệp Đăk Krong chia sẻ.