| Hotline: 0983.970.780

Khai thác, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi

Thứ Tư 23/12/2015 , 07:15 (GMT+7)

Vừa qua, tại Khánh Hòa, Bộ NN-PTNT tổ chức hội nghị “Tổng kết thực hiện đề án thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi”.

Ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cho biết, tính đến tháng 12/2015, cả nước có 3.040 tàu khai thác cá ngừ, trong đó nghề câu 2.050 tàu, nghề lưới rê 296 tàu. Sản lượng khai thác cá ngừ 11 tháng năm 2015 là 91.356 tấn, trong đó cá ngừ vây vàng và mắt to đạt 17.206 tấn, ước cả năm đạt 17.500 tấn và cá ngừ vằn đạt 74.150 tấn, ước cả năm đạt 80.000 tấn.

Về hiệu quả kinh tế, đối với nghề câu cá ngừ có khoảng 70% tàu đủ chi phí và có lãi, 30% tàu bị lỗ. Sản lượng khai thác cá ngừ trong nước giảm, nên giá cá ngừ vây vàng, mắt to tương đối ổn định đầu vụ và tăng cuối vụ, dao động từ 120.000-140.000 đồng/kg.

Đặc biệt tàu tham gia mô hình và tàu được đầu tư trang bị hầm bảo quản bằng công nghệ xốp thổi (PU) có chất lượng cá tốt hơn, được các DN và cơ sở thu mua với giá cao hơn từ 3.000-5.000 đồng/kg. Các DN chế biến, xuất khẩu cá ngừ ổn định, tập trung phát triển chủng loại sản phẩm.

Năm 2015, các DN chế biến, xuất khẩu đã chủ động mở rộng thị trường sang Mexico tăng hơn 103% và Nga tăng hơn 57% so với năm 2014. Kim ngạch xuất khẩu cá ngừ tính đến tháng 15/11/2015 đạt hơn 408 triệu USD, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm 2014; ước cả năm đạt 450 triệu USD.

Ông Nguyễn Công Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Khai thác- bảo vệ nguồn lợi thủy sản Bình Định cho biết, tỉnh đã phối hợp cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản thực hiện dự án “Chuyển giao công nghệ, ngư cụ của Nhật để khai thác, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu cá ngừ đại dương”, thời gian từ năm 2015-2017 với kinh phí hơn 10 tỷ đồng, trong đó có hỗ trợ ngư dân cải tạo nâng cấp hầm bảo quản. Tham gia dự án có 25 tàu câu cá ngừ đại dương, Cty CP Thủy sản Bình Định và 2 Cty của Nhật.

“Đến nay 25 tàu tham gia dự án đã nhận bộ trang bị khai thác và tổ chức tập huấn chuyển giao công nghệ khai thác của Nhật cho 15 cán bộ kỹ thuật và 120 ngư dân của các tàu. Đồng thời tổ chức 1 chuyến biển thử nghiệm ngư cụ Nhật cho 3 tàu câu cá ngừ ở vùng biển gần bờ. Dự kiến tháng 1/2016, các tàu sẽ có sản phẩm cá ngừ đại dương xuất khẩu sang Nhật”, ông Bình chia sẻ.

"Năm 2016, cần tập trung thực hiện tốt chính sách phát triển thủy sản; đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn, chuyển giao công nghệ khai thác, bảo quản cá ngừ tiên tiến; phát triển thêm các mô hình theo chuỗi liên kết; điều tra nguồn lợi xa bờ, hoàn thiện công nghệ dự báo theo hướng hiện đại...", Thứ trưởng Vũ Văn Tám chỉ đạo. 

Ông Nguyễn Tri Phương, PGĐ Sở NN-PTNT Phú Yên cho biết, địa phương đã xây dựng và triển khai mô hình chuỗi liên kết, khai thác, thu mua, chế biến và tiêu thụ cá ngừ của Cty CP Bá Hải với sự tham gia 8 tàu khai thác. Đến nay đã thực hiện 4 chuyến với 2 tàu câu nhờ hoàn thiện quy trình khai thác, xử lý, sơ chế theo công nghệ, kỹ thuật tiên tiến kết hợp áp dụng phương pháp ngủ đông nên sản phẩm được đánh giá đạt chất lượng tốt.

Ông Lê Tấn Bản, GĐ Sở NN-PTNT Khánh Hòa cho biết, tỉnh đã xây dựng 3 ngư đội gồm ngư đội Trường Sa Lớn (5 tàu), ngư đội Sinh Tồn (4 tàu) và ngư đội Hải Vương (2 tàu mẹ thuộc Cty TNHH Hải Vương) theo hình thức tàu mẹ - tàu con.

Đối với mô hình do Cty Yanmar (Nhật Bản) thực hiện năm 2014, hãng Yanmar Việt Nam đã đóng mới 1 tàu cá composite để giới thiệu, đào tạo, chuyển giao công nghệ cho ngư dân Khánh Hòa và tiến hành đánh bắt thử nghiệm 7 chuyến. Hiện Cty tiếp tục hoàn thiện quy trình, nâng cao tay nghề cho ngư dân và sẽ xây dựng mô hình SX theo tổ đội tàu câu với hình thức góp vốn liên doanh...

Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, DN thu mua, xuất khẩu có vai trò trọng tâm, vị trí quan trọng trong việc thực hiện thành công dự án. Do vậy đề nghị Bộ NN-PTNT xem xét cơ chế chính sách hỗ trợ khuyến khích DN xúc tiến thương mại tìm kiếm thị trường, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn lực, vốn vay ưu đãi đầu tư dịch vụ hậu cần...

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám đánh giá đề án sau hơn 1 năm thực hiện đã đạt nhiều kỳ vọng. Cả 3 tỉnh đã hình thành nhiều mô hình liên kết chuỗi thu mua cá ngừ, đặc biệt là hợp tác với Nhật Bản trong việc tổ chức đào tạo, tập huấn, chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên vấn đề cần quan tâm là việc khai thác, thu nhập, lợi nhuận cho DN và ngư dân tham gia đề án vẫn chưa phát huy hết hiệu quả...

Xem thêm
Nghề nuôi đà điểu gặp khó khăn chưa từng có

Hà Nội Trong trang trại của ông Tài, đàn đà điểu vục đầu ăn ở máng xong một con co chân chạy là tất cả các con khác cùng chạy theo, bụi cuốn bay mù mịt.

Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Hà Nội xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch

Mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch sinh thái và trải nghiệm ở Văn Đức đã tích hợp được đa giá trị, nâng cao khả năng sản xuất, tiêu thụ.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.