Sáng 5/12, HTX OCOP Đăk Lăk tổ chức khai trương điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP đầu tiên của tỉnh đặt tại TP Buôn Ma Thuột.
Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn Đăk Lăk bước đầu xác định có 84 nhóm sản phẩm nông nghiệp. Đến nay, địa phương này đã có 46 sản phẩm OCOP, trong đó có 8 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 38 sản phẩm đạt hạng 3 sao.
Ông Mai Xuân Hai, Giám đốc HTX OCOP Đăk Lăk cho biết, đơn vị được thành lập tháng 10/2021, hiện đang trưng bày hơn 50 sản phẩm của địa phương. Ngoài ra, cửa hàng OCOP Đăk Lăk cũng trưng bày những sản phẩm của các địa phương khác như An Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp…
Trong thời gian tới, HTX OCOP Đăk Lăk sẽ tiếp tục khai trương các cửa hàng giới thiệu sản phẩm tại một số địa phương trong cả nước. Đặc biệt, HTX sẽ chú trọng những địa phương có ngành du lịch phát triển để góp phần quảng bá sản phẩm OCOP của Đăk Lăk đến với du khách nước ngoài. Theo ông Hai, HTX mong muốn khi đi vào hoạt động sẽ là điểm kết nối người sản xuất với người tiêu dùng, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng về sản phẩm OCOP.
“HTX mong muốn đem đến người tiêu dùng những sản phẩm có thương hiệu, chất lượng tốt nhất, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo, an toàn vệ sinh thực phẩm. HTX mới hình thành còn nhiều khó khăn nên rất mong được sự ủng hộ, tạo điều kiện của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương”, ông Hai nói.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNN Đăk Lăk cho biết, địa phương đã xây dựng và phê duyệt đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh.
Theo đó bước đầu, Đăk Lăk xác định có 84 nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Trong đó, nhóm thực phẩm gồm: Tiêu, bơ, sầu riêng, cam, quýt, các loại rau quả; mật ong, heo thịt, cá tầm, cá lăng đuôi đỏ, chả cá thác lá. Sản phẩm đồ uống có: Cà phê và các sản phẩm của cà phê, ca cao và các sản phẩm ca cao, trà thảo mộc, trà mãng cầu, hạt mắc ca, rượu mắc ca, chanh dây. Nhóm thảo dược có: Tinh bột nghệ, thuốc Ama Kông, tinh dầu sả. Nhóm vải và may mặc có: Vải thổ cẩm. Nhóm trang trí - nội thất; nhóm lưu niệm có các khu du lịch: Buôn Ko Tam, Trob Bư, cụm du lịch thác thủy tiên, du lịch cầu treo Buôn Đôn…
Theo ông Nguyễn Hoài Dương, việc xác định đúng thế mạnh, đặc trưng được coi là “nền móng” để triển khai thành công chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP. Nắm bắt được ý nghĩa, mục đích đó, Đăk Lăk đang tập trung phát huy thế mạnh sẵn có về tiềm năng, sản phẩm phong phú, chủ lực như cà phê, bơ, sầu riêng, ca cao, mac ca… nguồn nhân lực, vật lực, củng cố hoàn thiện mẫu bao bì sản phẩm, mức chất lượng đồng hành cùng với các chủ thể sản phẩm.
Địa phương xác định mục tiêu thị trường mà sản phẩm hướng đến để có kế hoạch sản xuất cho phù hợp, từ đó khơi dậy nội lực, sự tâm huyết của mỗi tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc sản xuất, tạo ra giá trị sản phẩm, dịch vụ.
“HTX OCOP Đăk Lăk đi vào hoạt động sẽ thúc đẩy hoạt động liên kết doanh nghiệp trong các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ; tuyên truyền và khuyến khích người tiêu dùng ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, an toàn thực phẩm đặc biệt là các sản phẩm đặc sản vùng miền, sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu và hàng tiêu dùng chất lượng cao”, ông Nguyễn Hoài Dương cho biết.
Vị Giám đốc Sở NN-PTNN Đăk Lăk cũng cam kết cơ quan chức năng sẽ hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp và đối tác mở thêm các điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh, giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận, mua được những sản phẩm OCOP đa dạng, phong phú đạt chất lượng tốt trong cả nước.
“Từ đó, thúc đẩy chương trình nông thôn mới và hưởng ứng cuộc vận động ‘Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam’ do Trung ương phát động. Những hoạt động trên sẽ góp phần phát triển kinh tế, xã hội tỉnh nhà và đẩy lùi tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng”, ông Dương nhấn mạnh.