Ngày 15/3, trong khuôn khổ cuộc điều tra máy bay mất tích Boeing 777-200 mang số hiệu MH370 của hãng hàng không Malaysian Airlines, các cơ quan chức năng nước này hiện hướng vào đội bay và các hành khách trên chiếc máy bay nói trên.
Cảnh sát Malaysia đã khám xét nhà riêng của cơ trưởng chuyến bay, phi công Zaharie Ahmad Shah, 53 tuổi, để tìm kiếm các tài liệu có thể giúp ích cho quá trình điều tra.
Trong ngày 15/3, Thủ tướng Malaysia Najib Razak cũng đã tổ chức họp báo công bố thông tin về chuyến bay mất tích MH370, trong đó khẳng định chiếc máy bay đã chuyển hướng một cách có chủ ý.
Nhà chức trách cũng xác định được hai hành lang bay mà MH370 đã tới sau khi mất liên lạc với trung tâm.
Trước đó, một quan chức quân sự cấp cao cho cho biết giới chức Malaysia tin rằng máy bay mất tích có thể đã bị một phi công dày dạn kinh nghiệm và nắm rõ các vị trí của radar cố tình chuyển hướng để máy bay này bay về phía Ấn Độ Dương.
Quan chức trên nói rằng giả thuyết này dựa trên dữ liệu từ radar quân sự vẫn chưa được công bố, theo đó radar tiếp tục đánh dấu lộ trình của chiếc máy bay nhiều giờ sau khi nó biến mất khỏi màn hình của đài kiểm soát không lưu và radar dân sự.
Thông tin này đã củng cố thêm mối nghi ngờ ngày càng tăng về việc máy bay của Malaysia biến mất với 239 hành khách và thành viên phi hành đoàn có thể đã bị khống chế.
Trong lúc tung tích về chiếc máy bay mang số hiệu MH370 của Malaysia Airlines vẫn mịt mờ thì tâm điểm lại được hướng về cơ trưởng của chuyến bay này cũng như cơ phó, người từng dẫn bạn gái vào khoang lái.
Cơ phó Fariq Abdul Hamid từng đưa bạn gái vào khoang lái (Nguồn: NYD)
Với việc có rất ít thông tin đáng tin cậy để lần theo, cơ quan điều tra hiện đang xem xét toàn bộ 227 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn để tìm kiếm khả năng phá hoại, dù họ nhấn mạnh rằng chưa có chứng cứ nào ủng hộ hướng giả thuyết này.
Hướng điều tra này đã lập tức khiến cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah (53 tuổi) và cơ phó Fariq Abdul Hamid (27 tuổi) bị săm soi.
Một đài truyền hình Australia đã gây chú ý trong tuần này khi phát sóng cuộc phỏng vấn một cô gái trẻ người Nam Phi, nói rằng Fariq và một đồng nghiệp đã mời cô vào khoang lái của một chuyến bay mà anh này điều khiển từ Phuket (Thái Lan), tới Kuala Lumpur hồi năm 2011.
Sau vụ khủng bố 11/9/2001, các hành khách đã bị cấm vào khoang lái của phi công. Malaysia Airlines nói rằng hãng "sốc" trước báo cáo vi phạm an toàn bay kể trên, nhưng không thể xác nhận sự việc có xảy ra hay không.