| Hotline: 0983.970.780

Khẩn trương tái canh cà phê

Thứ Ba 13/12/2011 , 09:38 (GMT+7)

Nếu không khẩn trương tái canh thì sản lượng cà phê sẽ bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng.

Vườn cà phê tái canh đạt hiệu quả ở Công ty Cà phê Ia Grai

Theo số liệu thống kê năm 2009, trên địa bàn tỉnh Gia Lai diện tích cà phê xấu, già cỗi cần cải tạo và tái canh là 27.336 ha, chiếm 36,7% trên tổng diện tích toàn tỉnh. Trong đó diện tích cà phê tư nhân chiếm 85,9%. Nếu không khẩn trương tái canh thì sản lượng cà phê sẽ bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng.

Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai đã có phương án trồng tái canh 11.295 ha. Trong thời gian qua, chương trình tái canh gặp muôn vàn khó khăn, không chỉ chuyện đầu tư vốn mà ngay cả kết quả tái canh nhỏ lẻ từng làm ở một số vùng cũng không mấy hiệu quả. Nghiên cứu cho thấy, có tới 88% diện tích tái canh bị thất bại, sau 4 năm tái canh chỉ có 12% số cây cho kết quả tốt.

Nguyên nhân là do tái canh sau khi vừa nhổ cà phê lên đã trồng lại ngay, không qua luân canh, cày bừa thu gom và loại bỏ rễ cũ nên cây dễ bị nhiễm bệnh và chết. Ngoài ra, một khó khăn lớn nữa là hiện giá cà phê lên rất cao, xấp xỉ 2.000 USD/tấn nên nông dân càng không muốn loại bỏ những diện tích cà phê già cỗi để thực hiện tái canh. Họ mong muốn tiếp tục khai thác để thu thêm lợi nhuận, nhưng điều này sẽ dẫn đến những hậu quả là sản lượng và chất lượng cà phê sẽ sụt giảm vô cùng nghiêm trọng.

Từ thực tế trên, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên đề xuất quy trình tái canh cà phê cần phải thực hiện đồng bộ hệ thống biện pháp tổng hợp, từ việc tạo cây giống sạch bệnh, đến việc tăng cường phân bón hữu cơ để hạn chế phát triển của tuyến trùng. Giải pháp kỹ thuật sau đây bà con trồng cà phê cần phải tuân thủ nghiêm ngặt:

Khai hoang rà rễ và thu gom rễ: Nhằm loại bỏ nguồn dịch hại trên đồng ruộng. Việc khai hoang, rà rễ cần phải tiến hành đầu mùa khô. Đây là biện pháp có tính quyết định để rút ngắn thời gian luân canh.

Luân canh: Thời gian luân canh ít nhất 2 năm sau khi nhổ bỏ vườn cà phê già cỗi. Cây trồng luân canh là những cây không phải ký chủ của tuyến trùng như đậu đỗ, ngô, bông vải… Đây là biện pháp bắt buộc để bảo đảm tái canh có hiệu quả.

Về giống: Hiện nay nước ta đã có nhiều giống mới (TR4, TR5, TR6, TR7, TR8, TR9, TR11, TR12, TR13) có năng suất cao 4-7 tấn nhân/ha, có khả năng kháng bệnh gỉ sắt và chất lượng tốt có tỷ lệ hạt loại 1 đạt 70-90%. Việc sử dụng cây giống lưu niên trong tái canh cà phê cũng rất khả quan: Cây giống lưu niên được chăm sóc trong vườn ươm từ 16-20 tháng với bầu đất lớn có kích thước biến động từ 20-30-40 cm. Cây trồng đạt từ 3-5 cặp cành, cao 40-60 cm đã có bộ rễ phát triển mạnh nên tỷ lệ chết sau khi trồng mới không đáng kể.

Một số hoá chất có khả năng hạn chế tuyến trùng trong đất và rễ ở vườn cà phê tái canh như Marshal 5G có hiệu lực cao trong việc hạn chế mật số tuyến trùng Pratylenchus coffeae là tác nhân chính gây hại rễ cây cà phê tái canh. Ngoài ra còn có cây che bóng, kỹ thuật tưới nước tiết kiệm… Đúng là trồng cà phê hiện nay là một “nghệ thuật trồng cà phê” chứ không phải là kỹ thuật nữa. Ông Trần Xuân Minh, Phó Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng Gia Lai cho biết: Hiện tại Trung tâm đã có vườn mắt ghép và giống lai đa dòng thực sinh cung cấp cho người trồng cà phê sử dụng khi tái canh. 

Hiện mức đầu tư 1 ha cà phê tái canh trong giai đoạn kiến thiết cơ bản bình quân 140 đến 150 triệu đồng/ha, trong đó, chi phí vật chất (làm đất, giống, phân bón, nước tưới…) chiếm khoảng 60%, chi phí lao động chiếm 40%. Theo phản ánh của các tỉnh Tây Nguyên, trong điều kiện hiện nay, khả năng tự đầu tư của các DN, các nông hộ còn rất hạn chế nên Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ tín dụng, kỹ thuật cho chương trình tái canh cây cà phê trên quy mô lớn này.

Được biết, trước mắt để tạo phong trào, Hiệp hội Cà phê - Ca cao VN sẽ hỗ trợ 1,5 tỷ đồng để mua giống tái canh khoảng 700 ha diện tích cà phê già cỗi. Tuy nhiên quan trọng nhất vẫn phải là các DN kinh doanh, xuất khẩu cà phê vào cuộc, đồng thời kết nối với Sở NN-PTNT các tỉnh có cà phê và Viện KHKT Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên để triển khai nhanh công tác tái canh.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cây mía quay quắt trong nắng nóng như thiêu đốt

GIA LAI Trong cái nắng nóng như thiêu đốt, vùng mía nguyên liệu trồng mới lẫn mía tái sinh của Nhà máy đường An Khê (Gia Lai) đang quay quắt trong ‘chảo lửa’…

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.