| Hotline: 0983.970.780

Khẩn trương tái thiết sản xuất nông nghiệp miền Trung

Thứ Ba 17/11/2020 , 20:07 (GMT+7)

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh thời tiết thời gian tới sẽ thuận lợi, là thời điểm tập trung khôi phục sản xuất nông nghiệp các tỉnh miền Trung sau bão lũ.

Đẩy mạnh chăn nuôi gia cầm, đáp ứng nhu cầu thực phẩm

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, thống kê đến thời điểm này, bão lũ miền Trung đã khiến hơn 95 nghìn con gia súc các loại (trong đó trên 80 nghìn con lợn, trên 15 nghìn con trâu bò, dê, hươu...); trên 3,3 triệu con gia cầm bị chết, trôi.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị các tỉnh cần điều tra thiệt hại về chăn nuôi chi tiết đến từng hộ chịu thiệt hại để có giải pháp hỗ trợ kịp thời tái sản xuất trong thời gian tới.

Thời gian qua, Bộ NN-PTNT đã tập trung cử nhiều đoàn công tác về các địa phương chịu thiệt hại do bão lũ tại các tỉnh miền Trung, tập trung vào công tác hỗ trợ hóa chất, hướng dẫn xử lí môi trường, quan trắc môi trường chăn nuôi, thủy sản chịu thiệt hại sau mưa lũ với tinh thần nước rút tới đâu, xử lí tới đó...

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết tuần sau, Bộ NN-PTNT sẽ tổ chức hội nghị cùng các tỉnh miền Trung để có giải pháp, triển khai chi tiết cho việc tái sản xuất hậu bão lũ. Ảnh: LB

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết tuần sau, Bộ NN-PTNT sẽ tổ chức hội nghị cùng các tỉnh miền Trung để có giải pháp, triển khai chi tiết cho việc tái sản xuất hậu bão lũ. Ảnh: LB

Đến thời điểm này, tất cả các vật tư, hóa chất xử lí môi trường về lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản đều đã tới các địa phương chịu thiệt hại do bão lũ.

Cụ thể, tới thời điểm này, Bộ NN-PTNT đã xuất cấp được trên 290 nghìn liều vacxin các loại; 140 nghìn lít hóa chất xử lí môi trường; trên 225 tấn hóa chất, chế phẩm sinh học xử lí môi trường trong thủy sản.

Với lĩnh vực thủy sản, hiện Bộ NN-PTNT cũng đã huy động được nguồn hỗ trợ từ các doanh nghiệp trên 76 triệu tôm giống tôm thẻ chân trắng; trên 150 tấn thức ăn hỗn hợp, 15 tấn chế phẩm sinh học xử lí môi trường...

Thời gian tới, các doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế sẽ tiếp tục bổ sung nguồn lực hỗ trợ để kịp thời triển khai tái sản xuất cho lĩnh vực nông nghiệp, nhất là về con giống, thức ăn, vật tư cho chăn nuôi, thủy sản.

Về chăn nuôi, Bộ NN-PTNT hiện đã kêu gọi được nguồn hỗ trợ của các doanh nghiệp gần 1,2 triệu con giống gia cầm cho các tỉnh; 19 nghìn con ngan giống, vịt giống; trên 300 tấn thức ăn và một số vật dụng vật tư khác phục vụ chăn nuôi cho bà con các vùng chịu thiệt hại về chăn nuôi khắc phục sản xuất sau bão lũ trong thời gian tới...

Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cũng phối hợp với hệ thống khuyến nông các địa phương tổ chức tập huấn, hướng dẫn bà con áp dụng các kỹ thuật về chăn nuôi gia cầm một cách đồng bộ tại các địa phương được hỗ trợ con giống nhằm đảm bảo sinh trưởng phát triển tốt, không để xẩy ra các vấn đề về dịch bệnh...

Hiện Bộ NN-PTNT cũng mới chỉ hỗ trợ trên 1 vạn con giống gia cầm để xây dựng một số điểm, đi đôi với tập huấn cho bà con đảm bảo chắc chắn chăn nuôi sau mưa lũ, và sẽ tiếp tục triển khai hỗ trợ trong thời gian tới...

Thủy sản, chăn nuôi đã bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ tại các tỉnh miền Trung. Ảnh: TL

Thủy sản, chăn nuôi đã bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ tại các tỉnh miền Trung. Ảnh: TL

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Gia cầm chỉ trong vòng 60-80 ngày là có thể xuất chuồng. Vì vậy sẽ rất phù hợp để phục vụ tái sản xuất, đảm bảo từ nay đến Tết Nguyên đán sẽ có nguồn thực phẩm cung ứng cho thị trường, vừa tạo sinh kế cho người chăn nuôi sau thiệt hại do bão lũ.

Vì vậy, các nguồn giống hỗ trợ, cần phải đi kèm với tổng thể các hỗ trợ khác cả về kỹ thuật, thức ăn, vacxin, các giải pháp hướng dẫn phòng chống dịch bệnh, giám sát quá trình chăn nuôi... đối với các địa phương nhằm đảm bảo tái khôi phục chăn nuôi sau thiệt hại mưa lũ phải đảm bảo chắc chắn, hiệu quả cho tới khi người dân bán được sản phẩm cuối cùng.

Bộ trưởng cũng đặc biệt lưu ý các đơn vị chuyên môn của Bộ NN-PTNT như Cục Thú y, Cục Chăn nuôi, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia... cần phải tăng cường phối hợp với các địa phương trong việc kiểm tra, giám sát, chỉ đạo công tác xử lí môi trường, triển khai các công tác phòng chống dịch bệnh, bởi nguy cơ các dịch bệnh trên gia súc, gia cầm sau mưa lũ là hết sức nguy hiểm.

Về trồng trọt, khôi phục hệ thống đồng ruộng, rà soát diện tích gieo cấy để hỗ trợ kịp thời gieo cấy, toàn vùng đã có trên 3.000 ha đồng ruộng bị đất, cát sỏi vùi lấp (trong đó Quảng Trị trên 2.000 ha), diện tích nào trồng lúa được thì trồng lúa, không thì chuyển đổi.

Ưu tiên rau ngắn ngày, tạo sinh kế cho người dân

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Thời gian tới, dự báo thời tiết sẽ thuận lợi, vì vậy sẽ là thời điểm bắt đầu cho việc tập trung khôi phục sản xuất nông nghiệp các tỉnh miền Trung sau bão lũ.

Về lĩnh vực trồng trọt, đến thời điểm này, Bộ NN-PTNT đã triển khai thực hiện xuất cấp nguồn giống Dự trữ Quốc gia, trong đó có hơn 23 tấn giống ngô nếp ngắn ngày các loại và gần 16 tấn hạt giống rau các loại để hỗ trợ cho các tỉnh miền Trung tái sản xuất sau mưa lũ.

Một lượng lớn lương thực của người dân các tỉnh miền Trung đã bị hư hỏng do lũ lụt dồn dập trong thời gian qua. Ảnh: TL

Một lượng lớn lương thực của người dân các tỉnh miền Trung đã bị hư hỏng do lũ lụt dồn dập trong thời gian qua. Ảnh: TL

Theo Cục Trồng trọt, hiện các tỉnh đã cơ bản nhận được nguồn giống hỗ trợ đến tay người dân, một số tỉnh như Quảng Bình đã triển khai bắt đầu gieo trồng lại sau mưa lũ...

Thời gian tới, Cục Trồng trọt sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương miền Trung để khẩn trương rà soát diện tích, nhu cầu của người dân về nguồn giống rau, giống lúa, ngô để kịp thời kiến nghị Bộ NN-PTNT và Chính phủ xuất cấp, bổ sung nguồn giống Dự trữ Quốc gia cho các địa phương.

Cây lâu năm, nghiên cứu cây ăn quả ảnh hưởng, đã có tài liệu hướng dẫn vườn cây hướng dẫn khôi phục sau bão lũ.

Hiện các tỉnh gồm Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh đã đề nghị được hỗ trợ tổng cộng khoảng 6.000 tấn giống lúa, 362 tấn giống ngô và 5 tấn hạt giống rau các loại để khôi phục sản xuất cũng như triển khai sản xuất vụ đông xuân 2020-2021.  

Cục Trồng trọt kiến nghị hiện nay, một số giống lúa Dự trữ Quốc gia hiện không còn phù hợp với cơ cấu giống mà các địa phương có nhu cầu sản xuất trong vụ đông xuân 2020-2021. Vì vậy, cần điều chỉnh, bổ sung giống lúa Dự trữ Quốc gia một cách phù hợp hơn với nhu cầu các địa phương miền Trung bị thiệt hại để xuất cấp cho các tỉnh triển khai sản xuất vụ đông xuân tới...

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý: Việc lựa chọn và triển khai hỗ trợ giống rau cho các tỉnh miền Trung tái sản xuất sau mưa bão là yêu cầu hết sức cấp thiết trong thời gian tới nhằm vừa tạo sinh kế cho người dân, vừa đáp ứng nhu cầu, nguồn cung thực phẩm cho thị trường, nhất là dịp cuối năm.

Bởi nguy cơ khan hiếm rau ở các tỉnh miền Trung từ nay tới cuối năm 2020, đặc biệt là dịp Tết là rất có thể xẩy ra. Các giống rau cần phải lựa chọn giống rau thập tự, ngắn ngày nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu của người dân.

Nhu cầu hạt giống, nhất là giống lúa cho các tỉnh miền Trung sản xuất trong vụ đông xuân 2020-2021 là rất cần thiết. Ảnh: TL

Nhu cầu hạt giống, nhất là giống lúa cho các tỉnh miền Trung sản xuất trong vụ đông xuân 2020-2021 là rất cần thiết. Ảnh: TL

Đối với các diện tích cây ăn quả, cây công nghiệp, Cục Trồng trọt cần khẩn trương phối hợp các các địa phương tổ chức kiểm tra, rà soát tình hình cụ thể, triển khai hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật để chăm sóc, phục hồi... Các diện tích cây lâm nghiệp bị gãy đổ, cần hướng dẫn, khuyến cáo các địa phương tận thu, phục hồi rừng.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng chỉ đạo Tổng cục Thủy lợi sớm phối hợp với các địa phương khẩn trương rà soát các hệ thống kênh mương thủy lợi bị thiệt hại, vùi lấp do mưa lũ để kịp thời nạo vét, sửa chữa phục vụ cho sản xuất vụ đông xuân 2020-2021. Đồng thời, tổ chức hỗ trợ, triển khai các giải pháp xử lí môi trường nước sinh hoạt, không để người dân bị thiếu đói, thiếu nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh...

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng cho biết thời gian tới, Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp với các tỉnh nhằm đánh giá kỹ thực trạng đối với hơn 3.000 ha ruộng bị vùi lấp đất cát do mưa lũ để có giải pháp sản xuất phù hợp.

Nơi nào bùn cát vùi lấp mỏng, thì có thể khắc phục để tái sản xuất cho vụ đông xuân 2020-2021; nơi nào vùi lấp quá dày thì có thể nghiên cứu, xem xét chuyển đổi sang sản xuất cây trồng khác phù hợp.

Việc nghiên cứu các giải pháp cho sản xuất đối với ruộng đất bị vùi lấp sau mưa lũ là điều mà ngành nông nghiệp những năm qua đã có những kinh nghiệm nhất định, điển hình như biến diện tích đất bị vùi lấp sau lũ quét tại Lào Cai những năm trước đây sang cây trồng cạn, hoa màu... đã cho kết quả rất tốt.

Xem thêm
Hơn 150 lượt chất vấn, tranh luận của đại biểu trong 2 ngày qua

Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đã có 136 lượt đại biểu chất vấn, 18 lượt đại biểu tranh luận.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Cuộc thi sáng tạo Khoa học và Kỹ thuật hướng tới chào mừng ngày 20/11

Đồng Nai Trường Cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi tổ chức Chung kết cuộc thi sáng tạo Khoa học và Kỹ thuật năm học 2024-2025 hướng tới chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.