| Hotline: 0983.970.780

Khẩn trương thu hoạch lúa, 'cứu' rau màu

Thứ Hai 11/10/2021 , 19:05 (GMT+7)

Cục Trồng trọt đề nghị các địa phương huy động tối đa phương tiện để cứu rau màu vùng bị ngập úng; ưu tiên bơm tiêu nhanh cho những diện tích bị ngập úng nặng...

* Cảnh báo mưa xối xả nhiều ngày ở Trung Bộ

Ngày 11/10, Cục Trồng trọt đã có văn bản đề nghị Sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố phía Bắc, Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên tăng cường chỉ đạo phòng chống bão, mưa lũ và khôi phục sản xuất sau bão Kompasu.

Ngày 11/10, nhiều diện tích sản xuất rau lớn tại Hà Nội đã bị ngập do mưa lớn kéo dài. Ảnh: Trung Quân.

Ngày 11/10, nhiều diện tích sản xuất rau lớn tại Hà Nội đã bị ngập do mưa lớn kéo dài. Ảnh: Trung Quân.

Theo đó, để kịp thời hỗ trợ người dân chủ động phòng, tránh, ứng phó, hạn chế thiệt hại do mưa bão gây ra, đồng thời bảo vệ diện tích lúa, rau màu, cây ăn quả, khôi phục sản xuất, Cục Trồng trọt đề nghị các đơn vị tuyên truyền, vận động nông dân khẩn trương thu hoạch nhanh, gọn diện tích rau màu, lúa đã đến thời kỳ thu hoạch với phương châm là “xanh nhà hơn già đồng” nhằm hạn chế ảnh hưởng của mưa bão và sâu bệnh hại.

Đồng thời, cần khoanh vùng khu vực có nguy cơ mưa lũ lớn, lũ quét để có các phương án xử lý nhanh; huy động các lực lượng khơi thông dòng chảy trên các kênh tiêu, kiểm tra tôn cao bờ vùng, bờ thửa, bờ kênh tiêu đảm bảo tiêu nước nhanh gọn cho các vùng có nguy cơ ngập úng.

Đối với các vườn cây ăn quả, Cục Trồng trọt đề nghị tập trung thu hoạch sớm những diện tích đã đến thời kỳ thu hoạch; đối với cây đang mang quả chưa đến thời kỳ thu hoạch cần chủ động tỉa bỏ bớt trái trên chùm, tránh va đập gây hư hỏng hoặc rụng trái.

Bên cạnh đó, cần cắt tỉa bớt để cây được thông thoáng (quả, cành vượt, cành đan chéo nhau), cắt bỏ phần ngọn để hạn chế chiều cao của thân chính, nhằm giảm thiểu việc tạo lực cản lớn khi gặp gió mạnh làm cây dễ bị gãy, đổ; chằng néo thân cây hoặc cành lớn theo 3 hướng để hạn chế đỗ ngã; xẻ mương, rãnh tiêu thoát nước, tránh gây ngập úng cục bộ vườn cây.

Giai đoạn sau mưa bão, đối với diện tích lúa bị đổ ngã, các địa phương cần khẩn trương dựng lúa lên, buộc túm từ 3 - 5 khóm để tránh hạt lúa nảy mầm trên bông, tháo cạn nước mặt ruộng để tạo thuận lợi cho việc thu hoạch lúa, thu hoạch kịp thời khi lúa đã chín.

Cục Trồng trọt đề nghị các địa phương tập trung tối đa nhân lực, phương tiện thu hoạch lúa mùa với phương châm 'xanh nhà hơn già đồng'. Ảnh: TL. 

Cục Trồng trọt đề nghị các địa phương tập trung tối đa nhân lực, phương tiện thu hoạch lúa mùa với phương châm "xanh nhà hơn già đồng". Ảnh: TL. 

Cục Trồng trọt cũng đề nghị huy động tối đa mọi phương tiện khơi thông dòng chảy, nạo vét dõng luống, mương máng, đào hố 2 đầu góc ruộng nhằm tiêu nước trên và dưới bề mặt một cách nhanh nhất, sử dụng bơm cưỡng bức, kết hợp tháo nước nhanh để cứu rau màu vùng bị ngập úng; ưu tiên bơm tiêu nhanh cho những diện tích bị ngập úng nặng, khó tiêu thoát nước.

Đối với diện tích rau bị thiệt hại hoàn toàn, các địa phương tạm dừng xuống giống khi thời tiết còn chưa thuận lợi; đồng thời chuẩn bị hạt giống rau màu sẵn sàng, để gieo trồng lại khi thời tiết thuận lợi, nhất là các loại rau ngắn ngày, đảm bảo không để tình trạng khan hiếm rau xảy ra.

Cục Trồng trọt đề nghị các địa phương phân công cán bộ kỹ thuật bám sát tình hình sản xuất, thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết để có biện pháp chủ động ứng phó kịp thời với những ảnh hưởng xấu của thời tiết gây ra.

Trường hợp bị thiệt hại do mưa bão, các đơn vị cần khẩn trương rà soát, thống kê diện tích cây trồng bị thiệt hại, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người dân vùng bị thiệt hại để khôi phục và phát triển sản xuất.

Cảnh báo mưa rất lớn, kéo dài tại Trung Bộ

Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, từ ngày 8 - 10/10, ở Bắc Bộ đã có mưa to, có nơi mưa rất to. Dự báo hôm nay (12/10) ở khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Bình có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông, lượng mưa phổ biến 30 - 60mm, có nơi trên 80mm.

Dự báo từ nay tới khoảng 20/10, mưa lớn dồn dập sẽ đổ xuống các tỉnh Trung Bộ. Ảnh: TL.

Dự báo từ nay tới khoảng 20/10, mưa lớn dồn dập sẽ đổ xuống các tỉnh Trung Bộ. Ảnh: TL.

Ngày 12/10 mưa tạm giảm ở khu vực Bắc Bộ nhưng mưa vẫn tiếp tục duy trì ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ. Khoảng ngày 13 đến 15/10, do khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp của hoàn lưu bão Kompasu (bão số 8) kết hợp với không khí lạnh nên các tỉnh Bắc Bộ, Bắc và Trung Bộ có mưa lớn diện rộng.

Từ ngày 16 đến khoảng ngày 19/10, khu vực Nam đồng bằng Bắc Bộ, Trung Bộ và Tây Nguyên tiếp tục có mưa lớn diện rộng.

Như vậy từ ngày 11 - 20/10, mưa lớn dự báo sẽ tập trung tại các tỉnh Trung Bộ, tổng lượng mưa có thể đạt từ 350 - 450 mm, có nơi cao trên 500mm.

Do mưa lớn dồn dập trong thời đoạn ngắn nên cần đề phòng lũ quét sạt lở đất đá ngập lụt ở vùng trũng thấp và lũ lên trên các sông suối.

Đặc biệt từ ngày 13 - 15/10, ở khu vực Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế xuất hiện một đợt mưa lớn trên diện rộng. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.

Đáng lưu ý từ nay tới khoảng 10/11, khu vực Bắc Trung Bộ dự báo có tổng lượng mưa cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) từ 30 - 70%; Trung và Nam Trung Bộ cao hơn từ 20 - 50% TBNN; khu vực Đông Bắc Bộ cao hơn TBNN từ 20 - 40%; Tây Nguyên, Nam Bộ cao hơn từ 15 - 40% so với TBNN cùng thời kỳ.

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Giải pháp phòng bệnh dại của thành phố lớn nhất nước

TP.HCM Tập trung tiêm phòng vacxin đại trà cho chó, mèo và tiêm phòng bổ sung thường xuyên theo lứa tuổi, đến nay, TP.HCM là vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất