| Hotline: 0983.970.780

Nông dân đội mưa 'cứu rau'

Thứ Hai 11/10/2021 , 18:53 (GMT+7)

HÀ NỘI Mưa như trút nước hai ngày liền đã làm nhiều vùng rau ở ngoại thành Hà Nội bị ngập sâu. Nhiều diện tích có nguy cơ phải nhổ bỏ.

Mưa lớn kéo dài từ đêm ngày 10/10 và ngày 11/10 đã làm nhiều diện tích rau ở Hà Nội ngập sâu trong nước. Người dân đang khẩn trương tiêu thoát nước để cứu rau, đồng thời gấp rút thu hoạch các diện tích bị ngập mong vớt vát phần nào.

Tại xã Song Phương (Hoài Đức, Hà Nội), người dân túc trực đội mưa nạo vét kênh mương, sử dụng máy bơm hết công suất để bảo vệ các trà rau khỏi ngập sâu. Ảnh: Trung Quân.

Tại xã Song Phương (Hoài Đức, Hà Nội), người dân túc trực đội mưa nạo vét kênh mương, sử dụng máy bơm hết công suất để bảo vệ các trà rau khỏi ngập sâu. Ảnh: Trung Quân.

Tại vùng trồng rau xã Song Phương và xã Tiền Yên (Hoài Đức, Hà Nội), ngày 11/10, mưa xối xả kéo dài liên tục khiến các ruộng rau chìm trong nước, nông dân hối hả đội mưa khơi thông mương thoát nước, sử dụng máy bơm hết công suất để bơm nước ra khỏi các diện tích rau. Những diện tích rau mặc dù chưa đến độ thu hoạch cũng được người dân khẩn trương thu hái để tránh tình trạng rau bị hỏng, thối do ngập nước.

Ông Nguyễn Văn Dũng, thôn 5, xã Song Phương cho biết: Mưa lớn kéo dài trong khi mương thoát nước không thường xuyên được nạo vét, dẫn đến nhiều diện tích rau của người dân trong thôn bị ngập. Từ sáng sớm ngày 11/10, ông cùng nhiều hộ dân đã phải đặt máy bơm liên tục để bảo vệ các diện tích rau không bị ngập sâu. 

Một số diện tích rau non, mặc dù được che chắn bằng nilon nhưng do mưa lớn kéo dài, nước trong ruộng dâng cao ngập chân luống nên rất dễ bị thối. Vì vậy, gia đình ông phải cắt cử người trực cả ngày, để khi nước trong ruộng dâng cao là bật hệ thống máy bơm khẩn trương tiêu nước. 

Tại thôn Tiền Lệ, xã Tiền Yên (Hoài Đức, Hà Nội), người dân khẩn trương thu hoạch vớt vát rau để 'chạy lụt'. Ảnh: Trung Quân.

Tại thôn Tiền Lệ, xã Tiền Yên (Hoài Đức, Hà Nội), người dân khẩn trương thu hoạch vớt vát rau để "chạy lụt". Ảnh: Trung Quân.

Chị Kiều Thị Sáu, thôn Tiền Lệ, xã Tiền Yên (Hoài Đức) than thở: Mưa như trút nước trong 2 ngày liền khiến 2 sào rau của gia đình chị bị ngập sâu. Đây là lứa rau thứ 3 liên tiếp xuống giống mà gia đình chị không được thu do ruộng rau ngập nước. 

"Hai lần gieo giống trước, đều chung tình trạng vừa xuống giống được một thời gian thì gặp mưa. Kênh mương thoát nước kém làm ruộng rau bị ngập, toàn bộ diện tích rau đều bị thối phải nhổ bỏ. Mỗi lần như vậy, gia đình tôi đều phải phơi đất 10 ngày cho ráo nước rồi mới tiến hành phay đất để gieo lại được. Thời gian qua, giá rau mới tăng nhẹ trở lại sau giãn cách dịch Covid-19, bà con mới gieo trồng trở lại thì giờ lại tan hoang", chị Sáu than.

Do mưa ngập, một phần nhỏ diện tích trồng cải củ mặc dù chưa đến độ xuất bán, nhưng hai vợ chồng chị Sáu cũng nhanh chóng thu hoạch với hi vọng gỡ gạc được tiền chi phí đầu tư. Vì theo chị Sáu, nếu không thu hoạch, để rau ngập lâu trong nước thì rau sẽ bị hỏng. Thậm chí sau khi nước rút, nếu gặp thời tiết nắng lên thì rau cũng đều bị thối. 

Cùng chung tình trạng, bà Nguyễn Thị Lại, xóm 4 thôn Tiền Lệ, xã Tiền Yên cho hay: Gia đình bà cùng 3 hộ có ruộng rau nằm cạnh nhau với diện tích 4 sào (mỗi gia đình 1 sào) đều bị ngập trong nước. Điều buồn nhất là tất cả các diện tích rau đều còn non, không thể thu hoạch đem bán nên coi như mất trắng. 

Nhiều diện tích rau ăn lá như rau cải, rau dền... còn non không thể thu hoạch, người dân đành để ngập trong nước, coi như mất trắng. Ảnh: Trung Quân.

Nhiều diện tích rau ăn lá như rau cải, rau dền... còn non không thể thu hoạch, người dân đành để ngập trong nước, coi như mất trắng. Ảnh: Trung Quân.

Tại vùng rau Văn Đức (Gia Lâm, Hà Nội), tình trạng mưa lớn kéo dài khiến nhiều diện tích rau bị ngập trắng.

Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc HTX Rau Văn Đức cho biết: Đến hiện tại, HTX ghi nhận 15 ha rau bị ngập do mưa lớn. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất và lượng cung cấp rau của HTX. Nếu tình trạng mưa lớn tiếp tục kéo dài, nguy cơ từ 30 - 40% diện tích rau của HTX sẽ bị ảnh hưởng. 

Trước thực tế đó, các xã viên HTX đều khẩn trương đội mưa ra đồng, nạo vét kênh mương, dùng máy bơm... để tiêu thoát nước nhanh nhất có thể.

"Sau khi Thành phố nới lỏng giãn cách xã hội, giá rau tăng trở lại, nếu để các diện tích rau bị ngập không chỉ làm mất nguồn cung rau liên tục cho thị trường mà thiệt hại kinh tế của người dân là rất lớn. Vì vậy, bà con đang cố gắng dùng mọi biện pháp để bảo vệ được càng nhiều diện tích rau càng tốt", ông Minh cho hay.. 

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.