| Hotline: 0983.970.780

Khế ngọt Bắc Biên

Thứ Hai 08/08/2011 , 10:09 (GMT+7)

Tôi đã đi nhiều nơi, được ăn nhiều giống khế nhưng chưa có giống khế nào ngon như khế Bắc Biên (thôn Bắc Biên, xã Ngọc Thụy, huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội)...

Cây khế Bắc Biên (phía sau em bé)
Tôi đã đi nhiều nơi, được ăn nhiều giống khế nhưng chưa có giống khế nào ngon như khế Bắc Biên (thôn Bắc Biên, xã Ngọc Thụy, huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội): quả chín vàng rộm, hạt ít, thịt dày, nhiều nước, không chua mà dịu ngọt và thơm; ăn một quả lại muốn ăn hai.

Đúng là loại quả có một không hai của người bình dân đất Hà Thành như lời khẳng định của ông Vũ Mạnh Hùng, chủ nhân của cây khế tổ trên 50 năm tuổi hiện vẫn còn xanh tốt, mỗi năm cho thu liên tục 20 đợt quả được trên 7 triệu đồng: "Không vùng quê nào khác trồng được quả khế ngon như khế Bắc Biên”.

Nói về nguồn gốc của giống khế quí, ông Hùng kể: “Năm 1958 mẹ tôi là bà Hồ Thị Hoa nhân một bữa đi lễ chùa được sư cụ trụ trì ban lộc cho một quả kế ngọt. Đem về bổ ra cho con cháu cùng ăn, ai cũng khen ngọt mát, không chua mà lại thơm nên lấy hạt gieo để trồng thử. Từ những hạt gieo mọc lên một cây, qua mấy năm cho quả to, vỏ mỏng, khi chín có màu vàng rộm rất bắt mắt, ăn vẫn ngon, ngọt như quả khế năm nào mới biết là giống khế quí nên đem chiết cành nhân rộng. Từ đó nhiều nhà đến lấy giống nhân rộng ra cả làng, thậm chí cả mấy xã dọc sông Hồng như Cự Khối, Đông Dư, Bát Tràng…".

Về hiệu quả kinh tế, ông Hồ Trọng Thủy, chủ vườn khế 200 gốc, mỗi năm cho thu nhập trên dưới 70 triệu đồng cho biết: “Được phù sa sông Hồng quanh năm bồi đắp nên cây khế trồng ở đây luôn khỏe mạnh, cho nhiều quả, ăn ngon, được nhiều nơi ưa chuộng mà hầu như không bị mất mùa nên được coi là cây trồng chính vì cho thu nhập cao. Cả thôn có gần 400 hộ thì nhà nào cũng trồng khế, nhà ít vài ba chục cây để có thêm “đồng ra đồng vào”, nhà nhiều có tới cả ngàn gốc, mỗi năm cho thu nhập vài ba trăm triệu".

 Ngoài trồng và bán khế quả người dân Bắc Biên đã biết lập vườn ươm, chiết, ghép để nhân giống bán cho các nơi với giá từ 20 đến 40 ngàn đồng/cây tùy thời điểm nên đây cũng là nguồn thu đáng kể. Nhờ khế ngọt mà Bắc Biên giờ đã nổi tiếng với tên gọi mới: làng khế ngọt.

Theo khuyến cáo của bà con Bắc Biên, muốn trồng được khế ngọt bà con nên áp dụng qui trình sau đây:

- Thời vụ trồng tốt nhất là tháng 2-3 (vụ xuân) và tháng 8-10 (vụ thu).

- Nên trồng bằng cây chiết hoặc ghép giống khế ngọt Bắc Biên khi lá và chồi đã ổn định, rễ ra gần kín bầu.

- Chọn đất tốt, nhiều mùn, tơi xốp, dễ thoát nước, gần nguồn nước tưới để trồng. Nếu ở vùng đồi thì trồng dưới chân đồi. Đào hố kích thước 60 x 60 x 60cm, đất đồi, đất xấu đào hố rộng hơn; khoảng cách trồng thích hợp là 5 x 6m hoặc 6 x 6m. Khế ưa bóng râm nên có thể trồng xen trong vườn các cây ăn quả khác như mít, xoài, nhãn sẽ cho thu nhập cao.

- Phân bón: Bón lót 5-10kg phân chuồng hoai mục + 1kg vôi bột + 0,5kg supe lân cho mỗi hố trước khi xuống giống. Khi cây còn nhỏ bón thúc 400-500g phân NPK tỷ lệ 16:16:8 chia làm 2 đợt vào vụ hè và vụ thu. Cây bắt đầu cho quả bón tăng lượng phân NPK lên 500-800g/cây đồng thời tăng thêm lượng phân kali để tăng chất lượng quả. Với cây lớn cho nhiều quả bón 3-4kg/cây phân NPK chia 3-4 lần trong năm, cách nhau 2-3 tháng bón một lần.

Sau đợt thu quả chính (cuối năm) bón cho mỗi gốc 20-30kg phân chuồng + 2kg vôi bột + 1kg supe lân + 0,5kg phân kali kết hợp tủ gốc, ép xanh cho cây. Kinh nghiệm của các lão nông Bắc Biên, muốn cho khế ngọt, sai quả có thể bón bổ sung thêm các chất đạm thực vật như ngô, đỗ tương ngâm, khô dầu và đạm động vật như bột xương, bột cá, xác mắm…

- Năng suất và kích cỡ quả phụ thuộc rất nhiều vào chế độ cắt tỉa, tạo hình. Khi cây mới lớn cần cắt tỉa, tạo hình sao cho cây có bộ khung tán rộng, cành phân bố đều nhưng thưa thoáng để nhận được nhiều ánh sáng cây sẽ ra nhiều lứa hoa, đậu nhiều quả. Sau khi thu hoạch cần cắt tỉa các cành già, cành sâu bệnh cho cây thông thoáng hạn chế sâu bệnh phát sinh, phát triển và kích thích khế ra hoa.

Xem thêm
Chăn nuôi nhỏ lẻ chật vật xoay sở trong nắng nóng

Nắng nóng kéo dài, diện tích đồng cỏ tự nhiên thu hẹp cùng với giá bán giảm khiến cho nhiều hộ chăn nuôi gia súc nhỏ lẻ tại Đắk Lắk gặp nhiều khó khăn.

Vacxin Tembusu nhập khẩu chính ngạch đầu tiên về Việt Nam được đánh giá bài bản

Việc cho phép nhập khẩu vacxin Tembusu chính ngạch giúp người chăn nuôi thủy cầm có một công cụ quan trọng để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh.

Mưa dông khiến nhiều diện tích sầu riêng bị gãy đổ, rụng quả la liệt

Những cơn mưa dông đầu mùa đã khiến nhiều diện tích sầu riêng trên địa bàn tỉnh Gia Lai bị gãy đổ, quả rụng la liệt trước sự bất lực của người dân.

Lúa cỏ có ảnh hưởng đến ngành lúa gạo Việt Nam?

Cần xây dựng một chương trình dài hạn 15 năm (2030 - 2045) về 'Thực trạng và nguy cơ lúa cỏ ảnh hưởng đến sản xuất và kinh doanh lúa gạo tại Việt Nam'.