| Hotline: 0983.970.780

Chuyện xây dựng NTM ở nơi Chử Đồng Tử gặp Tiên Dung

Khi cán bộ mất ăn, mất ngủ và sút cân

Thứ Tư 17/10/2018 , 08:01 (GMT+7)

Theo anh Nguyễn Quyết Thắng, Chủ tịch UBND xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín (TP Hà Nội) khi vận động mở đường, dân có bức xúc mà chửi bới thì cán bộ vẫn phải nén giận để lắng nghe xem họ lý luận ra sao, đúng sai thế nào.

Các anh tìm điểm yếu của các chủ hộ để thuyết phục trước. Thuyết phục không xong phải tìm những ai có uy tín trong cộng đồng, trong gia đình, họ hàng để vận động. Ai là nữ Hội phụ nữ sẽ đứng ra, ai là nông dân Hội nông dân sẽ đứng ra, ai là cựu chiến binh Hội cựu chiến binh sẽ đứng ra, ai là người cao tuổi Hội người cao tuổi sẽ đứng ra vận động.

20-31-40_dsc_2131
Một di tích lịch sử của xã được gìn giữ tốt

“Mở đường có lợi cho gia đình trước vì đi lại thuận tiện rồi sau mới là có lợi cho xã hội, ông bà nên ủng hộ”, anh nói. Ban ngày gia chủ bận rộn thì tối các đoàn thể lại đến vận động. Một buổi không thông thì thêm nhiều buổi giải thích.

Công tác vận động giải phóng mặt bằng phức tạp đến mức khiến cho nhiều cán bộ xã, thôn mất ăn, mất ngủ, sút cân. Nội bộ trong số họ ban đầu cũng có người vì ngại đụng chạm phải thân nhân, họ hàng, bạn bè nên vì thế mà ngãng ra, thiếu nhiệt huyết.

Nhưng không vì thế mà công cuộc mở đường bị dừng lại. Mọi thứ được tiến hành nhanh chóng, cương quyết và khôn khéo hơn. Vận động được ai đồng ý thì xã thôn thực hiện luôn giải phóng mặt bằng vì để lâu sợ họ…đổi ý.

Anh Nguyễn Văn Kiên, trưởng thôn cụm 10 kể trước đây con đê bối cũng là đường chạy qua thôn rộng chừng 5 - 6m nhưng bị dân lấn chiếm, nhiều hộ trong đó đã làm nhà, xây công trình trước cả thời điểm năm 1993, rất khó giải quyết. Ban đầu vận động 10 hộ thì chỉ có 7 hộ đồng ý, còn lại phải đối quyết liệt.

Cuộc họp nào đưa ra vấn đề giải phóng mặt bằng, làm đường đều tranh cãi như mổ trâu, mổ bò. Lại phải mềm mỏng thuyết phục bằng cả trực tiếp lẫn gián tiếp qua những người thân thiết.

“Mưa dầm thấm lâu”, dần dần ai cũng ủng hộ. Con đường mới mở năm trước thì năm sau đất trong thôn giá đã tăng từ 5 triệu/m2 lên 10 triệu/m2 bởi giao thông thuận tiện mọi bề cho sinh hoạt và cho sản xuất.

Một ví dụ khác, con đường chạy qua xóm 6 vốn được quy hoạch rộng là thế nhưng lại bị thắt cổ chai đoạn nhà chị Nguyễn Thị Văn vì vướng đất sổ đỏ tới mấy chục m2 mà gia chủ nhất định không chịu hiến. Cái nhà trẻ đang xây rất khang trang vì thế nên rất bí bách mặt tiền.

20-31-40_dsc_2122
Bà Văn chỉ chỗ đất hiến làm đường

Cả Chủ tịch xã lẫn Bí thư xã đều xuống nhà chị Văn để vận động, cứ cách tuần xuống một lần. Biết là chị Văn có người con đang công tác trong miền Nam hiểu biết xã hội rộng nên lãnh đạo xã gọi điện để thuyết phục.

Anh này về nhưng lúc đầu cũng hùa theo mẹ và lý luận: “Tôi đi cả nước không thấy ở đâu mở đường mà lại không có đền bù, hỗ trợ”. Chủ tịch xã mới đứng ra giải thích đại ý rằng mở đường này là đường NTM, trên chỉ cho kinh phí xây dựng chứ không cho kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng: “Mở đường trước nhà, đầu tiên là gia đình mình hưởng lợi, sau đó mới là cộng đồng làng xóm”. Cuối cùng gia đình chị Văn cũng chấp nhận lùi vào 1 m trên độ dài của mảnh vườn 24m.

Tuyến đường ô tô liên quan đến 76 hộ, đường đình liên quan đến 20 hộ, đường từ trường cấp I qua trạm y tế liên quan đến hơn 50 hộ, có những hộ bị mất vào hơn 100m2 đất sổ đỏ mà không phải đền bù, không phải cưỡng chế. Điều này hiếm, rất hiếm giữa thời buổi đất đai đắt đỏ như hiện nay.

Để giờ đây, thành quả của NTM được người dân thụ hưởng hàng ngày tren những tuyến đường chính của xã rộng đủ cho 3 ô tô tránh nhau được, đường trong ngõ rộng đủ cho 1 ô tô đi được, có nhiều ngõ rộng đủ cho 2 ô tô tránh nhau được…

Ấn tượng về những gì đã làm được của một xã thuộc vùng sâu vùng xa, Ban thẩm định đã chấm điểm gần như là tuyệt đối cho Tự Nhiên, đạt 97,95/100 điểm.

 

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Thanh Trì sáng tạo lan tỏa các sản phẩm OCOP

Thời gian vừa qua huyện Thanh Trì, TP Hà Nội đã có nhiều cách làm sáng tạo để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm OCOP.