| Hotline: 0983.970.780

Khi lãnh đạo địa phương vào cuộc

Thứ Ba 24/09/2013 , 09:52 (GMT+7)

Do hệ thống kênh trải dài, đi qua nhiều địa hình núi đồi phức tạp, nên để hoàn thành tốt nhiệm vụ thì đội ngũ vận hành nước của Cty TNHH Thủy lợi Phủ Qùy đã phải nỗ lực hết mình.

Hệ thống kênh mương hồ chứa nước Sông Sào thuộc huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An trải dài gần 100 km đã đưa vào sử dụng từ nhiều năm nay cung cấp thỏa mãn nhu cầu tưới tiêu cho gần 6.000 ha lúa 2 vụ và cây màu, cây công nghiệp.

Ngoài ra còn cấp nước cho nuôi trồng thủy sản và phục vụ dân sinh trong toàn vùng hưởng lợi. Tuy nhiên do hệ thống kênh trải dài, đi qua nhiều địa hình núi đồi phức tạp, nên để hoàn thành tốt nhiệm vụ thì đội ngũ vận hành nước của Cty TNHH Thủy lợi Phủ Qùy đã phải nỗ lực hết mình.

Khó khăn nhất mà các Trạm Quản lý thủy nông của Cty luôn gặp phải là các tuyến kênh đi qua khu vực dân cư, do ý thức bảo vệ công trình của người dân còn hạn chế nên nhiều thôn xóm thường xuyên đem chất thải và xác gia súc, gia cầm đổ xuống lòng kênh.

Anh Mai Minh Hảo, cán bộ phụ trách tuyến kênh Giữa cho biết: “Trạm chúng tôi quản lý 3 tuyến kênh gồm kênh Giữa, kênh Tây và kênh G8 có tổng chiều dài hơn 20 km đi qua 19 xóm dân cư của xã Nghĩa Trung. Trước đây đã có tình trạng người dân tùy tiện đục phá kênh và lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình để trồng trỉa hoa màu.


Lưới chắn rác xóm 4, xã Nghĩa Trung

Không những thế mà khi tuyến kênh bắt đầu mở nước là người dân lại lén lút ra ngăn chặn dòng, nhiều hôm chúng tôi đã tháo dỡ được nhiều tấm ván, cánh cửa gỗ do dân mang ra để ngăn kênh lấy nước vào ao, vào ruộng của họ.

Còn nói về rác thải đổ xuống lòng kênh thì thôi rồi cái gì cũng có, nào là bông băng vệ sinh trẻ em, phụ nữ, nào là bao bì, chai lọ thuốc BVTV rồi đến cây cỏ, lá mía... Đặc biệt chất thải mà người dân đổ xuống lòng kênh là xác chết của lợn, gà, ngan ngỗng, chó mèo; có loại thì họ gói vào bao tải, bao ni lông, nhưng cũng có nhiều loại thì bị trương phềnh, thối rữa".

Chúng tôi đến xã Nghĩa Trung khi những cánh đồng lúa mùa sớm đang vào kỳ cúi bông trĩu hạt. Dẫn tôi đi thăm đồng, Phó Chủ tịch xã Nguyễn Long An hồ hởi: "Chính nhờ nguồn nước của hệ thống kênh Sông Sào đi qua tất cả các cánh đồng của xã nên năng suất 440 ha lúa luôn đạt trên 7 tấn/ha. Kênh Sông Sào còn cung cấp nước tưới cho 300 ha màu. Hằng năm năng suất mía, ngô và dưa hấu của xã luôn đạt cao nhất so với các vùng".

Bàn về công tác bảo vệ hệ thống kênh Sông Sào và xử lý rác thải do dân đổ xuống lòng kênh, Chủ tịch xã Ngô Xuân Thuyết bảo: "Thực tế trước đây người dân rất thiếu ý thức. Đội ngũ dẫn nước của Cty TNHH Thủy lợi Phủ Qùy đã không quản ngày đêm, không kể ngày nghỉ lễ hay chủ nhật, họ đã luôn túc trực trên kênh để vét rác, dẫn dòng đến từng thửa ruộng cho nông dân. Vậy mà dân lại làm khổ họ, như vậy là không thể chấp nhận được.

Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi đã thành lập đoàn công tác đi kiểm tra cùng với Trạm quản lý kênh Giữa. Kết quả, chúng tôi đã bắt và xử phạt hành chính một vụ dân đập phá thanh giằng kênh để lấy thép. Xã cũng đã giao cho tất cả các xóm có người đục phá kênh phải có trách nhiệm đổ bê tông hoàn trả lại kết cấu của công trình.

Ngoài ra xã còn soạn thảo các văn bản, trích dẫn các điều khoản trong Pháp lệnh Bảo vệ công trình thủy lợi và trích dẫn Quyết định của UBND tỉnh Nghệ An quy định về phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi để giao cho các xóm tổ chức sinh hoạt học tập.

Văn bản phổ biến pháp luật này còn được phát thanh liên tục trên hệ thống truyền thanh của xã và các xóm. Còn vấn đề xử lý rác thải và xác gia súc gia cầm đổ xuống lòng kênh, xã cũng đã tuyên truyền giáo dục và giao cho mỗi hộ phải có hố xử lý chất thải, nhưng chất thải xuống kênh vẫn không giảm vì dân xóm nọ lại cứ đổ lỗi cho xóm kia. Cuối cùng là xóm cuối kênh phải hứng chịu, bởi dòng nước trong kênh dồn đến.

Biện pháp tối ưu là xã đã làm cho mỗi xóm một lưới chắn rác trên kênh và giao cho các xóm trưởng phải bảo vệ tuần tra kiểm soát, thấy người nào cho chất thải xuống kênh thì phải lập biên bản để xã xử lý, còn nếu không phát hiện được thì xóm trưởng đó phải chịu trách nhiệm xuống kênh vét rác tại lưới chắn rác của xóm mình".

Tại cuộc họp mới đây của Cty TNHH Thủy lợi Phủ Qùy, anh Mai Minh Hảo phát biểu: "Sau sự vụ công an xã Nghĩa Trung kịp thời điều tra và xử lý vụ dân đập phá thanh giằng kênh để lấy thép đến nay đã không còn ai vi phạm như thế nữa. Và kể từ khi xã Nghĩa Trung mở đợt tuyên truyền pháp luật và lắp thêm các lưới chắn rác trên kênh để phân chia địa phận quản lý cho các xóm thì tình trạng đổ rác thải xuống kênh giảm hẳn.

Đặc biệt xác gia súc, gia cầm đã không còn thấy ở lòng kênh. Tuy nhiên chúng tôi cũng đang lo lắng vì đoạn kênh đi qua thị trấn Nghĩa Đàn đã bị dân đập phá nhiều thanh giằng và tấm đan trên kênh để lấy thép, sự vụ này chúng tôi cũng đã trực tiếp lập biên bản với Ban công an thị trấn từ lâu, nhưng đến nay họ vẫn chưa tìm ra được thủ phạm".

Anh Phan Hữu Đồng, Trạm trưởng kênh Đông:

"Các tuyến kênh chúng tôi quản lý quá dài, lại đi qua nhiều xã, nhiều xóm dân cư nên rác thải và xác gia súc gia cầm vẫn luôn bị dân lén lút trút bỏ xuống lòng kênh.

Chúng tôi cũng đang trực tiếp đến tận từng xã trong vùng hưởng lợi để vận động người dân thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ công trình. Và giá như lãnh đạo địa phương nào cũng vào cuộc quyết liệt như xã Nghĩa Trung thì người dân mới hiểu được tính hiệu quả của công trình mang lại cho cả cộng đồng".

Xem thêm
Chăn nuôi nhỏ lẻ chật vật xoay sở trong nắng nóng

Nắng nóng kéo dài, diện tích đồng cỏ tự nhiên thu hẹp cùng với giá bán giảm khiến cho nhiều hộ chăn nuôi gia súc nhỏ lẻ tại Đắk Lắk gặp nhiều khó khăn.

Vacxin Tembusu nhập khẩu chính ngạch đầu tiên về Việt Nam được đánh giá bài bản

Việc cho phép nhập khẩu vacxin Tembusu chính ngạch giúp người chăn nuôi thủy cầm có một công cụ quan trọng để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh.

Mưa dông khiến nhiều diện tích sầu riêng bị gãy đổ, rụng quả la liệt

Những cơn mưa dông đầu mùa đã khiến nhiều diện tích sầu riêng trên địa bàn tỉnh Gia Lai bị gãy đổ, quả rụng la liệt trước sự bất lực của người dân.

Lúa cỏ có ảnh hưởng đến ngành lúa gạo Việt Nam?

Cần xây dựng một chương trình dài hạn 15 năm (2030 - 2045) về 'Thực trạng và nguy cơ lúa cỏ ảnh hưởng đến sản xuất và kinh doanh lúa gạo tại Việt Nam'.