| Hotline: 0983.970.780

Khi phóng viên xông pha dập lửa, cứu rừng

Thứ Sáu 21/06/2024 , 07:30 (GMT+7)

QUẢNG BÌNH Lửa cháy réo ù ù bốc cao quá ngọn cây phi lao, các phóng viên vẫn liều mình như lăn xả vào trong đám khói bụi để lia vòi nước dập lửa…

Tuần tra bảo vệ rừng phi lao giữa những trưa hè đổ lửa. Ảnh: T. Đức.

Tuần tra bảo vệ rừng phi lao giữa những trưa hè đổ lửa. Ảnh: T. Đức.

Trưa nắng khét lẹt như đang bốc lửa trên đầu. Gió Lào quét như muốn đè những ngọn cây phi lao vươn tầm trên đồi cát. Lửa cháy phần phật như được gió bốc lên cao rồi ném cật lực vào những vạt cây cỏ rúi mọc xen dày, rồi từ đó khói, lửa bùng lên. Tôi hét như lạc giọng lên với Hương Giang, Lương Trung (phóng viên Báo Nhân Dân): “Chạy ngược lên đầu gió kẻo bị lửa vây và khói làm ngạt thở đó”.   

Phải chăng là… duyên?

Lắm khi bạn bè tôi vẫn thường đùa với nhau câu “có duyên thì được gặp” trong những lúc kể chuyện nghề khi đang rảnh tay. Mới chỉ vài năm trước, câu chuyện biến đổi khí hậu như đã bước chân vào từng căn nhà để mọi người có thể sờ thấy được. Mùa hè thường đến sớm hơn với những trận nắng như dội lửa kéo dài. Nhiệt độ có nhiều ngày liên tục lên đến trên 42 độ C. Trên các phương tiện thông tin đại chúng phát nhiều bản tin cảnh báo cháy rừng liên tục.

Hôm đó, tôi về Hạt Kiểm lâm thành phố Đồng Hới tìm hiểu chuyện các kiểm lâm viên ở đó đi hỗ trợ dập lửa cứu rừng tại huyện Bố Trạch. Điều tôi quan tâm là ở đây, mọi người đã “phát minh, sáng chế” ra một chiếc ô tô “chuyên dụng” đi chữa cháy để trang bị cho lực lượng vốn quá thiếu và yếu. Sáng chế này cũng đơn giản nhưng hiệu quả thì rất lớn. Đó là, đơn vị sử dụng một ô tô bán tải, đặt lên đó một thùng nhựa đựng khoảng 1-2 m3 nước. Phía đuôi xe, một máy bơm công suất lớn được gắn trên giá bệ đỡ và cuộn dây nhựa có chiều dài khoảng 200m.

Nhóm phóng viên đang nỗ lực dập lửa cứu rừng. Ảnh: T. Đức.

Nhóm phóng viên đang nỗ lực dập lửa cứu rừng. Ảnh: T. Đức.

Khi nhận tin xảy ra cháy rừng, lực lượng cơ động khoảng 4 người trên ô tô phóng đến hiện trường. Xe bán tải nhỏ gọn, khỏe nên có thể đi ngược dốc với nhiều quanh co, nhỏ hẹp. Tiếp cận đến vị trí cháy thì dây nhựa nhanh chóng được kéo ra và máy bơm hoạt động, đẩy nước từ bồn chứa để dập lửa. Nguyên lý đơn giản vậy, nhưng hiệu quả thì rất lớn.

Anh Nguyễn Sỹ Doãn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thành phố Đồng Hới (lúc bấy giờ), cũng là người “chủ nhiệm” sáng kiến này cho hay: “Nhiều vụ cháy ở khu dân cư cũng đã được dập tắt kịp thời nhờ phương tiện này. Điều thuận tiện nữa là nếu hết nước thì có thể tiếp được với những vật dụng đơn giản như can, phi nhỏ vận chuyển đến và đổ vào bồn chứa, máy bơm vẫn hoạt động chứ không bị ngắt quãng”.

Nhiều vụ cháy rừng đã được dập tắt kịp thời nhờ “xe chuyên dụng”, sáng kiến của Hạt Kiểm lâm thành phố Đồng Hới. Thời gian ngắn sau, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình cũng đã chắt chiu kinh phí để trang cấp đủ cho mỗi đơn vị trực thuộc một "seri" bồn trữ nước, máy bơm, ống nhựa, xẻng… và lực lượng trực lúc nào cũng sẵn sàng trong mùa nắng nóng.

Đã có những vụ cháy rừng xảy ra, khi lực lượng tại chỗ chưa kịp phản ứng thì lực lượng kiểm lâm các huyện đã có mặt để góp sức cùng nhau dập lửa cứu rừng. “Có những vụ cháy, địa điểm ở xa lại dốc núi. Anh em chúng tôi phải tháo máy, kéo dây vào tận nơi. Lúc này phải hoạt động theo kiểu bơm chuyền, xe số 1 bơm vào bồn của xe số 2, máy bơm được tháo cơ động lại bơm tiếp nước vào bồn số 3. Từ bồn số 3, máy bơm đẩy nước cho lực lượng trực tiếp gần vào đám cháy”, anh Doãn kể lại.

Phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam đang sử dụng vòi phun nước của 'xe chuyên dụng' dập lửa cứu rừng trong trưa hè tại xã Võ Ninh. Ảnh: T. Đức.

Phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam đang sử dụng vòi phun nước của “xe chuyên dụng” dập lửa cứu rừng trong trưa hè tại xã Võ Ninh. Ảnh: T. Đức.

Dập lửa, cứu rừng giữa trưa hè đổ nắng

Vào một ngày tháng 6 năm ngoái, khi những trận nắng thiêu cháy hàng trăm cây phi lao trên cát thì nhiệm vụ bảo vệ rừng phi lao ven biển ở Quảng Bình như càng nhọc nhằn, quyết liệt hơn.

Nhóm phóng viên báo chí chúng tôi cùng các anh trong lãnh đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ Đồng Hới và ven biển tỉnh Quảng Bình cùng đi kiểm tra công tác bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng trên cát ở hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy.

Anh Đặng Thái Sơn, Phó Giám đốc Ban đi cùng chúng tôi trên chiếc xe bán tải. Anh Sơn bảo: “Đây là xe được chế theo "nguyên lý" thành xe cơ động chữa cháy rừng mà Báo Nông nghiệp Việt Nam đã từng phản ánh đấy. “Xe này cũng đã tham gia nhiều vụ cháy rừng trên địa bàn và các địa phương lân cận. Nói chung là cơ động và rất hiệu quả. Trong những trường hợp vụ cháy được phát hiện sớm thì ngăn chặn được kịp thời hơn”, anh Sơn cho hay.

Trò chuyện trên ô tô, anh Sơn còn nói đùa, nếu có dịp báo cháy mà phóng viên đi cùng để dập lửa với chúng tôi bởi phương tiện “chuyên dụng” này thì sẽ biết lợi hại.

Lửa và khói bụi có thể 'bao vây' nhóm phóng viên bất cứ lúc nào. Ảnh: T. Đức.

Lửa và khói bụi có thể “bao vây” nhóm phóng viên bất cứ lúc nào. Ảnh: T. Đức.

Xuyên qua những cánh rừng phi lao trên những đồi cát nóng như rang ở các xã Võ Ninh, Gia Ninh (huyện Quảng Ninh), hay Hồng Thủy, Thanh Thủy, Ngư Thủy… (huyện Lệ Thủy), trong cái nóng hầm hập, giọt mồ hôi lăn trên mặt, rơi xuống đất, ngấm vào cát và bốc hơi nhanh đến độ mắt không kịp nhìn thấy. Đi trên cát như đi trong chảo rang thì chúng tôi mới cảm nhận được sự vất vả không thể diễn tả bằng lời của lực lượng bảo vệ rừng trên cát.

Xế trưa, mấy anh em tranh thủ dùng bữa cơm ở quán bình dân dưới chân cầu Quán Hàu. Đang ăn, chợt anh Sơn phát hiện một cuộn khói bốc lên từ hướng đồi cát phía sau khu dân cư của xã Võ Ninh. Mấy anh em nhận định có thể do người người đốt rác. Nhưng cũng chẳng yên tâm vì cột khói ngày càng đậm đen hơn. Tất thảy chúng tôi bỏ đũa và lên ô tô quay đến hướng có cột khói đang bốc cao.

Tiếp cận gần đến hiện trường thì chúng tôi phát hiện người dân đốt rác và tàn lửa đã lan sang cháy rừng phi lao. Ngọn lửa hung hãn được gió đẩy lên cao trùm lên trên ngọn phi lao cháy ù ù xen trong tiếng nổ lép bép liên hồi.

Anh Trần Văn Hùng, lái xe lao hết tốc lực lên trảng cát rồi khựng lại. Chúng tôi ào xuống, mỗi người chụp một cái xẻng lao về phía đám cháy. Tôi nắm đầu dây ống nước dồn sức kéo ngược lên trảng cát, chạy về hướng ngọn lửa đang bốc cao. Đằng sau, Lương Trung phụ kéo dây để tôi lao nhanh hơn đến nơi lửa đang cháy. Lái xe Hùng phụ trách máy bơm khởi động, vòi phun nước rung mạnh và tia nước đầu tiên được bắn ra xa khoảng vài mét.

Tiếng lửa phụt tắt khi vòi nước lia đến cứ nghe lụp bụp và khói trắng bốc lên mạnh hơn. Phía bên đầu hướng gió, phóng viên Hương Giang cùng nhóm anh Sơn và lái xe dùng xẻng xúc cát tới tấp tạt vào những bụi cây phi lao đang bén lửa.

Đám cháy được ngăn chặn và hậu quả vụ cháy không lớn nhờ phát hiện và dập lửa kịp thời. Ảnh: T. Đức.

Đám cháy được ngăn chặn và hậu quả vụ cháy không lớn nhờ phát hiện và dập lửa kịp thời. Ảnh: T. Đức.

Trên đầu, nắng vẫn réo, không khí như bị cô đặc ngột ngạt trong khói bụi. Lửa không chỉ trùm lên ngọn cây phi lao mà bén vào những vạt cỏ rồi bùng cháy như ai tưới xăng vào đó. Tôi kéo cuộn dây bao vây ngọn lửa đang lan rộng để phun nước vào những nơi lửa bốc cao nhất.

Có những lúc, vừa đứng trước một cụm phi lao lớn đang cháy để phun nước thì ngọn gió đổi chiều thổi lửa, khói như táp thẳng vào người. Tôi choáng váng vì hít nhiều bụi khói, ho sặc và phải nhảy lùi ra phía sau để thở. Nếu chậm có thể bị lửa xém vào người. Vừa phun nước tôi vừa luôn nhắc Lương Trung quan sát kẻo lửa theo gió thổi xoáy kéo đám cháy vòng ra sau lưng là người sẽ bị "bao vây", có thể dẫn đến ngạt khói, nguy hiểm tính mạng.

Thấy lực lượng không thể dập được lửa, tôi trao ống phun nước cho Lương Trung và chạy lùi ra móc điện thoại gọi gấp thông báo cháy cho ông Phạm Trung Đông (lúc đó là Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh) để điều động lực lượng ứng cứu khẩn cấp dập lửa cứu rừng.

Lúc này đám cháy đã lan rộng hơn vì gió lớn và đang có nguy cơ cháy lan vào rừng keo tràm, lan vào khu dân cư gần đó. Lúc này, lực lượng dân quân của xã Võ Ninh và lực lượng cơ động của Hạt Kiểm lâm huyện Quảng Ninh cũng đã có mặt để dập lửa. Nhóm dập lửa ban đầu của chúng tôi được lùi lại nghỉ lấy sức.

Xem đồng hồ thì chúng tôi đã gắng sức dập lửa được gần 2 giờ đồng hồ. Ai cũng thấm mệt rã rời chân tay và khát. Đến giờ mới cảm nhận được cái khát đến khô cháy cổ, nước bọt trong miệng như đặc quánh, không ai có thể nói ra thành tiếng. Xe bồn tiếp nước cũng chưa kịp lên nên chúng tôi cũng đành nhịn khát mà tiếp tục lao vào dùng xẻng xúc cát dập lửa.

Xe bán tải được thiết kế thành 'xe chuyên dụng' trong nhiệm vụ chống cháy rừng tại Quảng Bình. Ảnh: T. Đức.

Xe bán tải được thiết kế thành “xe chuyên dụng” trong nhiệm vụ chống cháy rừng tại Quảng Bình. Ảnh: T. Đức.

Đến gần cuối giờ chiều thì đám cháy đã được khống chế. Lực lượng chữa cháy dập nốt những đám chảy nhỏ lẻ còn lại để tránh bùng trở lại. Chúng tôi mệt nhọc đi ra nơi để xe để quay về. Khi đi đến đường công tác thì thấy mấy ô tô chữa cháy và lực lượng kiểm lâm của Hạt Kiểm lâm thành phố Đồng Hới đang thu dọn ống nước, máy bơm.

Hỏi ra mới biết, nhận được thông tin, Hạt Kiểm lâm thành phố Đồng Hới, Đội Kiêm lâm cơ động số 1, Hạt Kiểm lâm huyện Bố Trạch… đã tăng cường ô tô và lực lượng lên tiếp ứng. Khi đến đây thì gặp đám cháy mới phía trái con đường công tác rộng hơn 10m. Thì ra, tàn lửa từ đám cháy ban đầu được gió cuốn sang khu rừng bên cạnh (cách qua con đường công tác), gây nên cháy lớn. Khi lực lượng ứng cứu đến thì triển khai công tác dập lửa cứu rừng ở khu vực này. Thảo nào, chúng tôi nhận được thông báo có lực lượng tiếp ứng nhưng chờ mãi cũng không thấy là vậy.

Anh Nguyễn Anh Tuyên, Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động số 1 thấy tôi thì bảo: “Ui chao, nhà báo đã có mặt kịp thời đưa tin chữa cháy rừng rồi đó”. Tôi cười, cầm tay anh và giấu không nói nhóm phóng viên là những người đầu tiên lao vào dập lửa cứu rừng.

Lúc chia tay, anh Nguyễn Đăng Sơn cứ cầm tay chúng tôi mãi chẳng chịu buông: “Cảm ơn các anh nhé. Nếu không có chuyến đi, không có các anh thì chắc chắn đám cháy rừng phi lao trên cát còn dữ dội hơn và hậu quả cũng khó lường. Các anh đã góp sức ngay từ đầu hạn chế được lửa lây lan để lực lượng tiếp ứng kịp đến hạn chế thiệt hại của cháy rừng”, anh Sơn nói trong cảm động.

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xuân về trên vùng biên cương

Quảng Bình Bà con dân tộc trên vùng miền núi huyện Bố Trạch đã có thêm cái tết ấm áp khi chương trình 'Xuân Biên phòng - Ấm lòng dân bản' đến với bà con.