| Hotline: 0983.970.780

Khó khăn bủa vây ngành lâm nghiệp: [Bài 4] Nhiều tồn tại cần giải quyết

Thứ Bảy 19/11/2022 , 06:30 (GMT+7)

Mỗi cán bộ ngành lâm nghiệp đang phải quản lý diện tích rừng quá khả năng, trong khi hàng loạt cán bộ nghỉ việc đã tạo nên lỗ hổng trong công tác bảo vệ rừng.

Cán bộ ngành lâm nghiệp ngày đêm túc trực tại các chốt ngặn chặn tình trạng phá rừng. Ảnh: Minh Quý.

Cán bộ ngành lâm nghiệp ngày đêm túc trực tại các chốt ngặn chặn tình trạng phá rừng. Ảnh: Minh Quý.

Lỗ hổng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng

Mặc dù tỉnh Ninh Thuận rất quyết liệt trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, nhưng đến nay vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Theo ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận, tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp trên địa bàn Ninh Thuận vẫn còn xảy ra.

Một số vụ vi phạm chưa được ngăn chặn có hiệu quả, nhất là tình trạng khai thác, vận chuyển, mua bán, cất giữ cây cảnh có nguồn gốc từ rừng tự nhiên trái pháp luật. Việc tiếp cận khoa học công nghệ tiên tiến của thế giới (GIS, viễn thám) trong bảo vệ rừng, PCCCR còn một số khó khăn về kinh phí đầu tư và áp dụng công nghệ trong quản lý.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do cuộc sống của người dân ở các khu vực gần rừng chủ yếu phụ thuộc vào các nguồn thu nhập từ rừng, thực trạng này đã tạo sức ép không nhỏ cho công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Các đối tượng vi phạm về phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật hoạt động ngày càng tinh vi, rất khó phát hiện bắt quả tang đối tượng vi phạm, vì vậy việc điều tra làm rõ đối tượng để xử lý vi phạm gặp nhiều trở ngại.

"Một nguyên nhân khác là do trong thời gian gần đây hàng loạt cán bộ ngành lâm nghiệp nghỉ việc, lực lượng chức năng mỏng dần nên tình trạng vi phạm lâm luật có điều kiện tồn tại”, ông Đặng Kim Cương chia sẻ.

Tương tự, tại Đăk Lăk cũng đang nảy sinh lỗ hổng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng do lực lượng công tác trong ngành lâm nghiệp ngày càng mỏng. Thêm vào đó, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng chưa phát huy được hiệu quả do thiếu nhân lực thực hiện.

Ngoài ra, nhận thức của đại bộ phận nhân dân sống gần rừng về vai trò và ý thức trách nhiệm đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng chưa được nâng cao, nhiều cánh rừng đã mất đi sự bình yên.

Việc bảo vệ rừng đang là vấn đề cấp thiết. Ảnh: Tuấn Anh.

Việc bảo vệ rừng đang là vấn đề cấp thiết. Ảnh: Tuấn Anh.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT Đăk Lăk, cấp ủy, chính quyền một số địa phương, nhất là cấp xã chưa thực hiện đầy đủ công tác quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn, một số nơi còn xem công tác bảo vệ rừng là của chủ rừng và của riêng ngành Kiểm lâm chứ không thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Trong khi, năng lực của một số chủ rừng còn hạn chế, thiếu trách nhiệm, chưa thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ rừng tại gốc, dẫn đến tình trạng vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ rừng, kinh doanh lâm sản.

Quá trình tái cơ cấu, sắp xếp đổi mới các công ty lâm nghiệp còn chậm, hiệu quả hoạt động sau sắp xếp chưa cao, các đơn vị chủ yếu trông chờ vào nguồn ngân sách Nhà nước, chưa chủ động kinh doanh tạo nguồn thu.

Bên cạnh đó, công tác trồng rừng chưa tương xứng với tiềm năng đất đai của Đăk Lăk. Việc thực hiện xử lý thu hồi đất lâm nghiệp để trồng lại rừng đến nay rất khó tổ chức thực hiện.

Nhiều dự án nông lâm nghiệp bộc lộ những tồn tại như chậm tiến độ, cây trồng bị chết, sinh trưởng kém, chưa thực hiện có hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng, để rừng bị chặt phá, đất đai bị xâm canh lấn chiếm, giải quyết việc làm cho người lao động chưa tương xứng.

Lực lượng chức năng tuần tra, bảo vệ rừng: Ảnh: Minh Quý.

Lực lượng chức năng tuần tra, bảo vệ rừng: Ảnh: Minh Quý.

“Thực trạng hiện nay ở Đăk Lăk là rừng vẫn tiếp tục bị phá, lấn chiếm, vấn nạn khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật chưa được ngăn chặn triệt để. Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy trái phép diễn biến phức tạp, nhất là tại các địa phương có nhiều dân di cư tự do đến cư ngụ”, ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT Đăk Lăk trăn trở.

Theo ông Nguyễn Hoài Dương, dẫn đến tình trạng trên là do cơ chế, chính sách thiếu đồng bộ, còn nhiều bất cập, nhất là quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ rừng và quyền hạn của chủ rừng cùng lực lượng chuyên trách quản lý, bảo vệ rừng còn rất hạn chế, không đủ trấn áp được đối tượng vi phạm.

Đặc biệt, lực lượng kiểm lâm của tỉnh Đăk Lăk còn thiếu so với yêu cầu của nhiệm vụ. Thêm vào đó, các dự án cải tạo rừng vướng mắc về cơ chế, chính sách để các doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh có hiệu quả, kể cả cơ chế hỗ trợ, hưởng lợi đối với diện tích rừng, đất rừng được giao cũng còn nhiều vướng mắc nên không tạo được động lực cũng như trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng của các chủ dự án.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Xây dựng vườn ươm cải tiến sản xuất giống cây lâm nghiệp

QUẢNG TRỊ Các vườn ươm cải tiến cung cấp 1,8 triệu cây giống lâm nghiệp chất lượng cao cho trồng rừng bền vững gắn với thực hiện chứng chỉ rừng vùng nguyên liệu.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.