| Hotline: 0983.970.780

“Kho thóc khuyến học” giúp đỡ học sinh nghèo

Thứ Sáu 15/03/2013 , 08:03 (GMT+7)

“Kho thóc khuyến học” ở Trạm Tấu đã góp phần tích cực nâng cao chất lượng dạy và học của địa phương...

Nhu cầu học tập của học sinh vùng cao ngày một cao, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ đồng bào đưa con trẻ đến trường. Tuy nhiên, sự giúp đỡ của Nhà nước thì có hạn, để tất cả học sinh được tới lớp và học hành đầy đủ, “Kho thóc khuyến học” ở Trạm Tấu đã góp phần tích cực nâng cao chất lượng dạy và học của địa phương...

Huyện Trạm Tấu (Yên Bái) hiện còn trên 70% số hộ nghèo, năm học 2012-2013 có 1.105 học sinh là con em các dân tộc thiểu số không đủ điều kiện được hưởng chế độ hỗ trợ của Nhà nước quy định đối với học sinh bán trú. Số học sinh này là học sinh Trung học phổ thông cơ sở gia đình cách trường dưới 4km, học sinh Tiểu học gia đình cách trường dưới 3km phải về nhà ăn cơm sau buổi học sáng, chiều quay lại trường học tiếp. Thực tế phần lớn học sinh sau khi về nhà thì không quay lại trường. Bởi con đường tới trường leo đèo, lội suối về mùa mưa cũng như mùa khô ở vùng cao vô cùng khó khăn. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng dạy và học của phần lớn các trường ở Trạm Tấu.


Ông Giàng A Hành (áo trắng), người đầu tiên xây dựng “Kho thóc khuyến học”

Lo lắng cho chất lượng học tập cũng như tương lai của các em, ông Giàng A Hành - Bí thư xã Trạm Tấu đã vận động các hộ gia đình tự nguyện đóng góp thóc để giúp các cháu có một bữa cơm trưa tại trường mà không phải về nhà sau buổi học sáng. Từ đó thành lập “Kho thóc khuyến học” do UBND xã quản lý. Tùy khả năng kinh tế của mỗi gia đình đóng góp vào “Kho thóc khuyến học” mỗi hộ từ 15kg trở lên, ngoài ra xã còn kêu gọi các nhà hảo tâm, các tổ chức xã hội ủng hộ bằng tiền hoặc hiện vật. Cùng với xã Trạm Tấu, xã Pá Hu cũng vận động người dân xây dựng “Kho thóc khuyến học”.


Xuất kho thóc cho học sinh

Điều bất ngờ việc làm đó được đông đảo người dân tham gia. Trước việc làm đầy tính nhân văn đó, huyện Trạm Tấu đã phát động toàn dân xây dựng “Kho thóc khuyến học”, mỗi cán bộ công nhân viên chức trong huyện ủng hộ ít nhất một ngày lương, các thầy cô giáo ủng hộ từ 20 kg thóc trở lên. Từ hai xã Trạm Tấu và Pá Hu đến nay tất cả 10 trường bán trú huyện Trạm Tấu đều thành lập “Kho thóc khuyến học”.

Theo báo cáo của Phòng Giáo dục, năm học 2012-2103 huyện Trạm Tấu đã vận động người dân đóng góp được 18 tấn thóc và 180 triệu đồng, nhiều cán bộ và các thầy cô giáo đóng góp vào “Kho thóc khuyến học” từ 50-100kg thóc. Ông Giàng A Hành đóng góp 60 kg thóc, ông thành thật: Trước đây các cháu đi học thất thường, số học sinh đi học chuyên cần chỉ đạt 80-85%. Hỏi vì sao thì các cháu trả lời: Đói thì đi học làm sao được... Khi thành lập “Kho thóc khuyến học” các cháu đi học đều hơn. Theo nhà trường báo cáo tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần mấy năm nay đều đạt trên 95%. Xã Trạm Tấu hiện có khoảng 30 cháu tốt nghiệp trung cấp và đại học, một số cháu đã trở về xã công tác...


Bữa cơm của các cháu trường Tiểu học - THCS bán trú xã Bản Công

Mỗi vụ thu hoạch xã Trạm Tấu vận động người dân đóng góp 4 tấn thóc, một năm là 8 tấn thóc. Hiện “Kho thóc khuyến học” của xã Trạm Tấu có trên 4 tấn thóc và 30 triệu do cán bộ, nhân dân và các tổ chức xã hội đóng góp, ủng hộ. Đến nay các cháu không thuộc diện bán trú thì không phải trở về nhà sau buổi học sáng. Cháu Giàng Thị Vang, học sinh lớp 9B cho biết: Nhà cháu ở thôn Km14, cách trường hơn 3km, nhiều hôm học xong tiết thứ 5 trên đường trở về nhà cháu không muốn bước nữa. Về tới nhà ăn cơm xong thì cháu không muốn trở lại trường để học buổi chiều, mệt quá. Bây giờ được ăn bữa cơm trưa, cháu ở luôn tại trường. Thôn cháu có 20 bạn đều ăn trưa tại trường mà không phải về như trước nữa...

Nhiều cháu học sinh chịu khó đi học còn có một lý do là tới trường được ăn no và ngon hơn ở nhà. Tuy nhiên, vẫn còn không ít học sinh ở một số trường chưa được hưởng bát cơm từ “Kho thóc khuyến học”, ví như em Giàng Thị Thành và Giàng Thị Sua, thôn Bản Công, xã Bản Công, đều học lớp 5, các em phải mang cơm ở nhà đi. Sau giờ học buổi sáng, hai em lặng lẽ mang chiếc cặp lồng cơm ra chiếc ghế đá ngoài sân ăn. Nhìn suất ăn trưa của hai em thức ăn duy nhất là mấy miếng măng ớt đỏ lòm. Được biết gia đình hai em đều khó khăn, có cơm mang đi học là khá rồi. Các em cũng chưa biết nhà mình còn đủ cơm cho các em mang đi học được bao nhiêu ngày nữa, vì mùa giáp hạt ở Trạm Tấu cũng đã cận kề.

Xem thêm
Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chiều 2/5, Quốc hội thống nhất miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021 - 2026, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV với ông Vương Đình Huệ.

Thí điểm đề án 1 triệu ha lúa, nông dân được hỗ trợ 100% chi phí

ĐBSCL Ngoài hỗ trợ về mặt kỹ thuật, nông dân tham gia mô hình thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao sẽ được hỗ trợ toàn bộ vật tư và hạ tầng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

'Vườn treo' Nậm Pồ: Nghị quyết hồi sinh vùng đất khó

Khu nhà màng trồng rau trải dài theo những ngọn đồi nhấp nhô, từng bị bỏ hoang, nay trở thành nguồn cung cấp rau xanh cho hơn 16.000 học sinh của huyện.