| Hotline: 0983.970.780

Khó xử lý triệt để vấn nạn săn bắt chim trời

Thứ Hai 28/10/2024 , 16:26 (GMT+7)

Hà Tĩnh Khi đàn chim sà xuống, ngay lập tức bị dính vào que nhựa do thợ săn giăng dày đặc trên đồng ruộng, vùng trũng thấp. Chim trời dính bẫy chủ yếu là cò, cói, vạc.

Cứ vào tháng 9, 10, 11 hàng năm, các loài chim cói, cò, vạc, diệc… thường tìm đến các cánh đồng, vùng đất thấp trũng ở các xã bãi ngang trên địa bàn Hà Tĩnh để tránh gió bão, tìm kiếm thức ăn. Đây cũng là thời điểm cánh “thợ săn” đem theo “đồ nghề” đi giăng bẫy.

Chim giả được dựng giữa đầm lầy để bẫy chim thật. Ảnh: Gia Hưng.

Chim giả được dựng giữa đầm lầy để bẫy chim thật. Ảnh: Gia Hưng.

Ông Hoàng Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Cương Gián cho biết, có rất nhiều cách để săn bắt chim trời, song người dân ở đây chủ yếu dùng chim sống làm chim mồi, kết hợp với hình nộm chim giăng khắp đồng ruộng, vùng trũng thấp hoặc treo lên các cây xanh rồi bật loa ghi âm tiếng chim kêu để bẫy chim thật.

Khi đàn chim sà xuống, ngay lập tức bị dính vào que nhựa đã được giăng dày đặc xung quanh. Chim trời dính bẫy chủ yếu là cò, cói, vạc. Sau khi gỡ bẫy, chim được đem bán cho thương lái hoặc bày bán tại các tuyến đường lớn.

“Địa phương chúng tôi từng là một trong những nơi xảy ra vấn nạn săn bắt chim trời rất nhức nhối. Những năm gần đây tỷ lệ giảm đáng kể do sự vào cuộc rất quyết liệt của chính quyền địa phương. Hàng tuần, ngoài thực hiện biện pháp tuyên truyền, lực lượng của xã còn ra quân truy quét, tháo dỡ bẫy đánh bắt. Tuy vậy, vẫn còn một số người dân lén lút đánh bắt hoặc bày bán chim trời khiến công tác bảo vệ chim di cư chưa được triệt để”, ông Hà nói.

Tình trạng săn bắt chim trời tại Hà Tĩnh những năm gần đây có giảm nhưng chưa thể ngăn chặn triệt để. Ảnh: Gia Hưng.

Tình trạng săn bắt chim trời tại Hà Tĩnh những năm gần đây có giảm nhưng chưa thể ngăn chặn triệt để. Ảnh: Gia Hưng.

Theo ghi nhận của chúng tôi, vẫn có một vài thương lái bày bán công khai chim trời trên vỉa hè dọc theo tuyến đường ven biển đoạn qua địa phận huyện Nghi Xuân mà không bị lực lượng chức năng xử lý. Giá bán các loài chim khác nhau, cụ thể: vạc có giá 140.000 đồng/con, cò 80.000 đồng/con, chim cói 35.000 đồng/con.

Ngoài Cương Gián, xã Thạch Hải, huyện Thạch Hà và Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà cũng ghi nhận khá nhiều loại bẫy chim giăng trên các cánh đồng, vùng đất trũng thấp.

Vừa tổ chức ra quân ngăn chặn vấn nạn săn bắt chim trời trở về, ông Lê Thanh Hải, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Thạch Hà thừa nhận, nhiều năm trước, có thời điểm tình trạng săn bắt chim tự nhiên nở rộ khi mỗi ngày có hàng nghìn con chim các loại bị bắt, bày bán công khai tại các nhà hàng, dọc đường hay chợ dân sinh. Hiện nay, nhờ sự vào cuộc của ngành chức năng, vấn nạn này đã từng bước được đẩy lùi. Tuy chưa xử lý được triệt để, nhưng tình trạng săn bắt, buôn bán trái phép chim tự nhiên trên địa bàn đã giảm mạnh so với những năm trước.

Muôn kiểu hình nộm 'bẫy' chim trời. Ảnh: Gia Hưng.

Muôn kiểu hình nộm "bẫy" chim trời. Ảnh: Gia Hưng.

“Từ đầu tháng 9 đến nay, chúng tôi phối hợp với công an và chính quyền địa phương các xã ven biển trên địa bàn đã tổ chức nhiều đợt ra quân xử lý việc người dân săn bắt chim trời, chim di cư. Kết quả, thu giữ 30 con chim mồi sống, 500 chim mồi giả, 3.000 que nhựa, tháo dỡ khoảng 150 lán lùm ẩn nấp để đánh bắt chim”, ông Hải thông tin.

Theo ông, việc phá bẫy của “thợ săn” tuy quyết liệt nhưng không xuể. Chưa kể, cách thức săn bắt, rao bán chim trên các nền tảng mạng xã hội hiện nay của người dân cũng tinh vi khiến hoạt động ngăn chặn của lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn.

TP Hà Tĩnh đang trồng cây, xây dựng công viên cho chim sinh sống tại phường Thạch Linh.

TP Hà Tĩnh đang trồng cây, xây dựng công viên cho chim sinh sống tại phường Thạch Linh.

Thời gian tới, lực lượng kiểm lâm phối hợp công an và chính quyền các địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, yêu cầu người dân ký cam kết từ bỏ thói quen đánh bắt và ăn thịt động vật hoang dã. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp, địa phương xây dựng công viên, trồng cây, làm nhà cho chim trú ẩn.

Lực lượng Công an tỉnh Hà Tĩnh sẽ tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt nghiêm các nhà hàng, quán nhậu, chợ dân sinh có hành vi buôn bán, kinh doanh chim trời.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.