| Hotline: 0983.970.780

Xuất khẩu đồ gỗ: Chinh phục mục tiêu 25 tỷ USD

Thứ Năm 21/02/2019 , 13:30 (GMT+7)

Những năm qua, ngành gỗ bứt phá mạnh mẽ, đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu đồ gỗ lớn thứ 5 trên thế giới.

LTS: Những năm qua, ngành gỗ bứt phá mạnh mẽ, đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu đồ gỗ lớn thứ 5 trên thế giới. Giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt kỷ lục 9,4 tỷ USD trong năm 2018. Trước bối cảnh toàn cầu hóa đan xen sự nổi lên của chủ nghĩa bảo hộ, ngành gỗ Việt Nam cần nhận diện đầy đủ lợi thế và thách thức, từ đó định hướng giải pháp phù hợp để đạt được mục tiêu duy trì tăng trưởng và phát triển bền vững.

Nhận diện sức mạnh cạnh tranh

Nhờ có nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng hợp pháp dồi dào trong nước, ngành chế biến, xuất khẩu gỗ của Việt Nam có cơ sở để hình thành bản sắc riêng, tăng trưởng bứt phá, hướng tới một “trung tâm sản xuất đồ gỗ hợp pháp, chất lượng và bền vững của thế giới” vào năm 2025 với giá trị xuất khẩu 25 tỷ USD.

Quyết tâm của Việt Nam phát triển sản xuất có trách nhiệm đối với môi trường.
 

Ưu thế nguyên liệu

Sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam đa số được tiêu thụ tại các nước phát triển như Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc... Ở đó, Chính phủ các nước quy định nghiêm ngặt điều kiện truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp khi nhập khẩu. Nếu không đáp ứng những tiêu chuẩn cơ bản ấy, Việt Nam không thể đưa đồ gỗ vào tiêu thụ ở nước họ.

13-05-42_xut-khu-go_1
Thị phần xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang các nước EU năm 2018. Ảnh: Trung Hiếu

May mắn là trước đó, ngành gỗ Việt Nam được hưởng lợi từ các Chương trình 327-CT, 661, 57, 886 của Chính phủ về phủ xanh đồi trọc, dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng bền vững giai đoạn 2011-2020. Trong đó, cây keo là loại gỗ chủ lực mà hiện nay chúng ta chế biến nội thất xuất khẩu. Đây là nguồn nguyên liệu hợp pháp từ rừng trồng. Cùng với đó là cây cao su. Sau thời gian khai thác mủ, cao su còn được dùng làm nguyên liệu cho chế biến gỗ.

Ông Nguyễn Tôn Quyền – Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết: Năm 2018, tổng nguồn cung nguyên liệu gỗ là trên 40 triệu m3 gỗ tròn, trong đó lượng gỗ trong nước khoảng 30 triệu m3, chiếm 75% so với tổng lượng nguyên liệu gỗ. Điều này thể hiện thành tựu của ngành công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam là nâng cao tỷ lệ sử dụng gỗ nội địa, từ đó nâng cao được giá trị gia tăng của nguồn cung nguyên liệu.

Bộ NN-PTNT đánh giá, chất lượng nguyên liệu rừng trồng từng bước được nâng lên nhờ sự chuyển hóa thành rừng trồng gỗ lớn (khoảng 290 ngàn ha). Trong đó, trên 220.000 ha đã được cấp chứng chỉ rừng trồng FSC. Chứng chỉ rừng FSC chính là “tấm vé” thông hành để gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam bước vào thị trường các nước phát triển (đến năm 2018 đã có mặt ở hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ với những sản phẩm mẫu mã đẹp). Việt Nam hiện đã trở thành quốc gia thứ 5 trên thế giới, thứ 2 châu Á, thứ nhất Đông Nam Á về xuất khẩu gỗ và lâm sản.

Theo dự báo của Ngân hàng thế giới (WB), năm 2019, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục được duy trì. Đây là điều kiện thuận lợi để ngành công nghiệp chế biến gỗ có cơ hội mở rộng sản xuất, xuất khẩu sản phẩm. Giá trị thương mại đồ nội thất khoảng 430 tỷ USD và khoảng 150 tỷ USD giá trị thương mại đồ ngoại thất. Hiện nay, kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản của Việt Nam mới chiếm khoảng 6% thị phần toàn cầu, bên cạnh các thị trường truyền thống, sự gia tăng tiêu thụ tại các thị trường mới, tiềm năng như Canada, Liên minh Kinh tế Á - Âu, Trung Nam Á… mở ra cơ hội cho xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam thời gian tới, đặc biệt là đồ gỗ nội thất trang trí phong cách cổ điển.

Bên cạnh đó, thực hiện lộ trình của các hiệp định thương mại tự do (FTA), thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng của các nước tham gia hiệp định sẽ tiếp tục được cắt giảm hoặc xóa bỏ, tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, Hiệp định CP-TPP và Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ xóa bỏ hoàn toàn thuế quan đối với các mặt hàng đồ gỗ nội thất ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Mặt khác, sau 6 năm đàm phán, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức ký kết Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) vào ngày 19/10/2018 tại Bỉ.

13-05-42_xut-khu-go_3
Ngày càng nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Ảnh: Trung Hiếu

Đây là Hiệp định thương mại có tính chất ràng buộc pháp lý nhằm cải thiện quản trị rừng và thúc đẩy thương mại gỗ và sản phẩm gỗ hợp pháp xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường EU. Hiệp định VPA/FLEGT sẽ mang lại lợi ích cho Việt Nam trên cả 3 lĩnh vực kinh tế - xã hội - môi trường, nổi bật là mở rộng thị trường xuất khẩu, cải thiện thể chế về quản lý rừng, giải quyết tình trạng khai thác và thương mại gỗ trái phép, góp phần phát triển bền vững ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam.
 

Xuất hiện nhiều doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu

Số liệu của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cung cấp cho thấy, thương mại gỗ và sản phẩm gỗ (G&SPG) giữa Việt Nam với các quốc gia CPTPP tăng trưởng cao. Năm 2018, tổng giá trị xuất khẩu G&SPG của Việt Nam sang các thị trường trong khối đạt trên 1,626 tỷ USD, tăng 14,6% so với năm 2017, chiếm 18,3% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước. Xuất khẩu sản phẩm gỗ sang các thị trường CPTPP sẽ tăng do hàng rào thuế quan, tăng khả năng cạnh tranh về giá đối với các sản phẩm cùng loại của các nước khác.

“Việt Nam đang trở thành đối thủ cạnh tranh chính, nhiều đơn hàng đang chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam để xuất khẩu đồ gỗ sang Mỹ với rất nhiều lợi thế tương đồng. Dòng chảy nguyên liệu gỗ toàn cầu vào Trung Quốc hiện dịch chuyển vào Việt Nam là một thuận lợi cho các nhà sản xuất“, theo nhận định của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định.

Một đại diện của Công ty CP Kỹ nghệ Tiến Đạt cho biết: Chúng ta đang có một số doanh nghiệp chế biến gỗ quy mô lớn như: Công ty Chế biến xuất khẩu Lâm sản Nam Định, Woodsland, Kim Huy, Hòa Bình, Tavico, An Cường, Scanviwood, Tiến Đạt, Phú Tài, Khải Vi, Đại Thành, Lâm Việt, Minh Dương, Minh Phát, Tiến Triển, Đức Lợi, Giang Minh, Hào Hưng và nhiều nhà máy khác. Dù quy mô sản xuất ở mức độ khác nhau nhưng đã là các mắt xích rất quan trọng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Họ trở thành nhà cung ứng chiến lược cho các đối tác nước ngoài (mà đã là nhà cung cấp chiến lược thì phải chiếm tỷ trọng chủ yếu và có thị phần thấp cũng phải trên 20 triệu USD/năm). Thực tế hiện tại chúng đang nhận được sự chuyển dịch nhu cầu mua hàng rất lớn (từ các thị trường khác chuyển về), nhiều doanh nghiệp trong 2-3 ngày tiếp 1 đoàn khách Mỹ.
 

Thúc đẩy khoa học công nghệ chế biến gỗ

Bà Dương Thị Tú Trinh – Giám đốc Cty TNHH Máy Chế biến gỗ Thượng Nguyên, chia sẻ: Đến nay các DN chế biến gỗ đã sử dụng nhiều công nghệ ngang tầm với thế giới như máy CNC Làm Mộng Oval Âm – tạo rãnh – khoan – 5 đầu, sử dụng đa chức năng trên một máy... Trước đây ta cần 8 nhân công đứng máy nhưng nay chỉ cần 3 nhân công.

Cùng với sự phát triển của ngành Chế biến gỗ, cách đây 3 năm, từ chỗ phải nhập khẩu, chưa ai nghĩ có ngày Việt Nam xuất khẩu máy chế biến gỗ và dầu màu trắng sức bề mặt, thì nay thực tế các sản phẩm này do Việt Nam sản xuất đã hiện diện tại các thị trường Bolivia, Myanmar, Campuchia…

13-05-42_xut-khu-go_2
Ảnh: Trung Hiếu

Bà Trinh cũng khẳng định, công nghệ hiện đại trong chế biến gỗ có yếu tố quyết định trong việc tăng tốc phát triển bền vững cho ngành gỗ. Vì vậy đứng trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 các doanh nghiệp CBG chỉ có 1 hướng đi là: Cải tiến phát triển bắt kịp xu thế về công nghệ máy móc để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Bên cạnh đổi mới công nghệ chế biến gỗ, việc nghiên cứu, phát triển giống lâm nghiệp cũng phải được đẩy mạnh. Bởi theo ông Nguyễn Tôn Quyền, một số giống keo đang có nguy cơ giảm về năng suất và chất lượng vì nguồn giống đang trong quá trình bị thoái hóa do việc cung cấp cây giống chưa đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu nâng cao được năng suất và chất lượng rừng trồng. Vì vậy, rất cần thiết có kế hoạch đầu tư dài hạn, liên tục để nghiên cứu bổ sung thêm một số giống cây trồng nhằm cung cấp gỗ lớn cho ngành công nghiệp chế biến gỗ có chất lượng. Thị trường thế giới hiện nay có nhu cầu sử dụng gỗ teak, gỗ xoan đào, xoan ta để sản xuất sản phẩm gỗ nên cần có những nghiên cứu và chính sách phù hợp để phát triển trồng rừng những loài cây này.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.