Theo TS Phạm Công Thiếu, Viện trưởng Viện Chăn nuôi, KHCN là yếu tố quan trọng đã và đang sẽ trở thành lực lượng chính thúc đẩy sản xuất. KHCN đóng góp 30 - 35% trong sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam. Nhờ có KHCN mà tốc độ phát triển của ngành chăn nuôi duy trì tốc độ tăng trưởng từ 5 - 6%/năm, góp phần tăng trưởng nông nghiệp và trở thành bệ đỡ của nền kinh tế, đảm bảo an ninh dinh dưỡng quốc gia cho gần 100 triệu người Việt.
TS Phạm Công Thiếu chia sẻ, KHCN đã thúc đẩy chăn nuôi từ nhỏ sang quy mô lớn, theo chuỗi khép kín từ giống, dinh dưỡng, chăn nuôi, sản phẩm chăn nuôi. Nhờ việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới, hiện nay nhiều trang trại tại Việt Nam có giá thành bằng hoặc thấp hơn so với giá thành chăn nuôi của Thái Lan, trong đó nhiều trại gà công nghiệp giá thành chỉ còn 1 USD/kg, thấp hơn Thái Lan.
Hàng năm, các đơn vị của Viện Chăn nuôi đã cung cấp cho thị trường từ 24-16 triệu con gà giống ông bà và bố mẹ các loại, trên 2 triệu con vịt, ngan giống các loại, trên 25.000 lợn giống bố mẹ và 100.000 con lợn bố mẹ, gần 1 triệu liều tinh trâu, bò chất lượng cao (chiếm trên 40% thị phần cả nước), qua đó đóng góp rất lớn vào thành quả chung của ngành chăn nuôi nước nhà.
“Các sản phẩm KHCN của Viện Chăn nuôi mỗi năm góp phần tăng giá trị gia tăng cho người chăn nuôi từ 12 - 15 nghìn tỷ đồng, bằng tổng thu ngân sách tỉnh thứ 18 trong 63 tỉnh thành cả nước”, TS Phạm Công Thiếu nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), ngành chăn nuôi thời gian qua đã có những bước phát triển mạnh, trong đó ghi nhận kết quả đóng góp của Viện Chăn nuôi.
Thời gian tới, ngoài nghiên cứu về giống, thức ăn, quy trình chăn nuôi, ông Nguyễn Văn Trọng đề nghị Viện cần chú trọng đến nghiên cứu chăn nuôi ở những vùng biến đổi khí hậu, nghiên cứu công nghệ cao, công nghệ sinh học, nghiên cứu theo chuỗi giá trị (giống, thức ăn chăn nuôi, giết mổ, chế biến theo chuỗi giá trị), nghiên cứu theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp và liên kết với các đơn vị khác để nghiên cứu. Cùng với đó, cần phối hợp chặt chẽ hơn với doanh nghiệp để các sản phẩm nghiên cứu được đưa ra thực tiễn sản xuất.
Báo cáo về kết quả nghiên cứu khoa học 2018-2020 của Viện Chăn nuôi cho thấy, số lượng nhiệm vụ KHCN của Viện Chăn nuôi tăng dần theo từng năm, năm 2018 là 139 nhiệm vụ đến năm 2020 tăng lên 147 nhiệm vụ. Trong đó, năm 2020 Viện có 13 nhiệm vụ cấp Nhà nước, 86 nhiệm vụ cấp Bộ và 48 hợp tác với các doanh nghiệp, địa phương.
Trong năm qua Viện đã chọn tạo được 5 dòng/giống lợn mới, 9 dòng gà, 8 dòng vịt, 1 dòng ong và các quy trình, giải pháp dinh dưỡng hiệu quả đã đi vào đời sống.
Đặc biệt, đến thời điểm hiện tại Viện Chăn nuôi lưu giữ khoảng 1.300 lợn nái cụ kỵ, ông bà, chiếm 1 - 1,5% tổng đàn lợn cụ kỵ, ông bà của cả nước an toàn trước dịch tả lợn Châu Phi, qua đó kịp thời cung cấp con giống, lợn nái, lợn đực ông bà, bố mẹ ra thị trường cho người chăn nuôi.
Trong thời gian tới, Viện Chăn nuôi tiếp tục nghiên cứu khai thác và phát triển các giống lợn Hương, Hạ Lang... Chọn lọc nâng cao lợn Cỏ, lợn Mẹo. Sử dụng lợn nội để lai tạo các giống lợn phục vụ chăn nuôi theo hướng hữu cơ, đặc sản, chăn nuôi thích ứng biến đổi khí hậu...
Với gia cầm, Viện tiếp tục duy trì, lai tạo các dòng gà lông màu, hướng thịt như: VCN/TP-TN, VCN/TP-RiTN, VCN/TP-RiTP, VBT1, LV, VP1, VP2, VP3,VP4,VP5, CLV... có khối lượng lúc xuất bán cao hơn (15-25%), chi phí chăn nuôi rẻ hơn (5%) gà bố mẹ.
Với thủy cầm, ước tính 29-30% giá trị gia tăng sản lượng thịt, trứng gia cầm tại Việt Nam do kết quả nghiên cứu KHCN và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật của Viện Chăn nuôi đem lại. Do đó, Viện Chăn nuôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh chọn tạo cải tiến các dòng/giống vịt cao sản chuyên thịt do Viện chọn tạo chiếm khoảng 65% thị phần cung cấp con giống khu vực ĐBSH và ĐBSCL.
Về công nghệ gen động vật, Viện Chăn nuôi hiện đã phân tích đa hình các gen liên quan đến các tính trạng sản xuất của vật nuôi, đánh giá đa dạng di truyền, mối liên kết giữa gen và tính trạng để phục vụ công tác chọn, tạo giống vật nuôi. Xây dựng được phương pháp xác định mối quan hệ huyết thống ở quần thể bò dựa trên chỉ thị ADN.
Trong giai đoạn tới, Viện Chăn nuôi xác định sẽ tập trung đổi mới công tác nghiên cứu theo hướng kết hợp nghiên cứu cơ bản và đẩy mạnh các nghiên cứu chuyển giao. Xã hội hoá hoạt động nghiên cứu theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm, các hộ chăn nuôi là vệ tinh. Xây dựng bản đồ gen, phân lập gen làm cơ sở cho công tác chọn tạo giống vật nuôi. Nghiên cứu chọn tạo giống vật nuôi chủ lực có năng suất, chất lượng cao. Phục tráng, khai thác phát triển, chọn tạo, lai tạo giống bản địa đặc sản, giống lợi thế cạnh tranh cao, phù hợp với biến đổi khí hậu.
Nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao, hiện đại nhằm tối ưu hóa năng suất để tối đa hóa lợi nhuận và hướng tới chăn nuôi an toàn sinh học. Nghiên cứu các công nghệ nhằm giảm phát thải chất thải, cô lập, xử lý và sử dụng chất thải chăn nuôi để sản xuất phân hữu cơ, năng lượng tái tạo. Xây dựng, hoàn thiện các mô hình, hệ thống chăn nuôi theo chuỗi khép kín, chăn nuôi công nghệ cao, chăn nuôi hữu cơ, an toàn sinh học và công nghệ quản lý, chăn nuôi mới.