| Hotline: 0983.970.780

Khoa học công nghệ tạo lực đẩy cho nông nghiệp Bến Tre

Thứ Tư 31/07/2024 , 18:45 (GMT+7)

Các nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ đã tập trung vào phát triển các cây, con chủ lực có tiềm năng phát triển theo hướng bền vững.

Thời gian qua, tỉnh Bến Tre đã có nhiều quyết sách đúng hướng trong đầu tư khoa học công nghệ cho lĩnh vực nông nghiệp. Đáng ghi nhận, các nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ đã tập trung vào phát triển các cây, con chủ lực có tiềm năng phát triển theo hướng bền vững thông qua tuyển chọn bộ giống có chất lượng, ứng dụng công nghệ tiên tiến tạo ra sản phẩm an toàn, giá trị kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập cho người dân. Đồng thời, hoạt động chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ tại các cơ quan, đơn vị trong ngành nông nghiệp Bến Tre.

Sản xuất giống kiểng lá, cây ăn trái ngắn ngày bằng phương pháp nuôi cấy mô tại Trung tâm Giống và Hoa kiểng Bến Tre. Ảnh: Kiều Nhi.

Sản xuất giống kiểng lá, cây ăn trái ngắn ngày bằng phương pháp nuôi cấy mô tại Trung tâm Giống và Hoa kiểng Bến Tre. Ảnh: Kiều Nhi.

Sản xuất giống đồng loạt bằng phương pháp nuôi cấy mô

Theo ông Bùi Trường Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Giống và Hoa kiểng tỉnh Bến Tre, Trung tâm hiện nuôi cấy mô và lưu trữ nguồn mẫu 4 nhóm cây kiểng hoa, kiểng lá, dược liệu, cây ăn trái ngắn ngày và sản xuất nuôi cấy mô thực vật theo đặt hàng của người dân. Các giống cây ăn trái, hoa kiểng được thị trường ưa chuộng và khách hàng đặt giống nuôi cấy mô khá đa dạng như phú quý, thịnh vượng, dạ yến thảo, tử la lan, hoa hồng golden, cúc pico, các loại hoa lan, các giống chuối, gừng, chà là, dứa MD2, cúc mâm xôi.

Cũng theo ông Thọ, đến nay, Sở NN-PTNT Bến Tre đã thẩm định và công nhận 163 cây đầu dòng các loại và 834 vườn cây đầu dòng, cung ứng 30 - 40 triệu mắt ghép cho các cơ sở sản xuất giống. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý cây và vườn đầu dòng, Trung tâm đã triển khai thực hiện hai sáng kiến “Ứng dụng phần mềm Quantum GIS để quản lý cây và vườn cây đầu dòng trên địa bàn huyện Chợ Lách” và “Ứng dụng mã QR trong việc truy xuất nguồn gốc cây giống, hoa kiểng bằng điện thoại thông minh”.

“Trung tâm đã thiết lập website http://caygionghoakiengtinhbentre.vn và xây dựng catalog nhằm giới thiệu cây giống hoa kiểng của tỉnh Bến Tre. Đây là kênh thông tin các cơ sở có uy tín cung cấp cây giống hoa kiểng, vừa là cầu nối giữa doanh nghiệp, HTX, người tiêu dùng và xã hội giúp người sản xuất liên kết tiêu thụ thông qua các kênh thương mại điện tử góp phần vào công cuộc chuyển đổi số của tỉnh”, ông Bùi Trường Thọ cho biết thêm.

Bến Tre ứng dụng mã QR trong việc truy xuất nguồn gốc cây giống, hoa kiểng bằng điện thoại thông minh. Ảnh: Kiều Nhi.

Bến Tre ứng dụng mã QR trong việc truy xuất nguồn gốc cây giống, hoa kiểng bằng điện thoại thông minh. Ảnh: Kiều Nhi.

Số hóa công tác quản lý

Chuyển đổi số đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong ngành nông nghiệp, giúp ngành phát triển theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị và bền vững. Công cuộc này đang được các cơ quan ngành NN-PTNT đẩy mạnh nhằm tạo sự đột phá về chất lượng, năng suất, đồng thời tăng lợi thế cạnh tranh cho nông sản.

Thực hiện Nghị quyết số 01 của Tỉnh ủy Bến Tre và Đề án Chuyển đổi số tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, năm 2024, Sở NN-PTNT Bến Tre tiếp tục ban hành kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số. Các đơn vị đã có kế hoạch thực hiện cho từng lĩnh vực.

Tiêu biểu như Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bến Tre đã xây dựng xong phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu chăn nuôi và thú y, đang vận hành thử nghiệm và hướng dẫn sử dụng cho cán bộ quản lý các cấp.

Ông Trần Quang Thái, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bến Tre chia sẻ: “Sắp tới, phần mềm khi hoạt động chính thức sẽ giúp số hóa hoạt động quản lý lĩnh vực chăn nuôi và thú y. Ngoài ra, người dân và doanh nghiệp cũng được hưởng lợi. Doanh nghiệp có số liệu chính xác, kịp thời để xây dựng kế hoạch kinh doanh. Người chăn nuôi cũng có thể biết các vùng có dịch để chủ động phòng tránh”.

Thu hoạch tôm nuôi công nghệ cao tại Bến Tre. Ảnh: Kiều Nhi.

Thu hoạch tôm nuôi công nghệ cao tại Bến Tre. Ảnh: Kiều Nhi.

Bên cạnh đó, Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tỉnh đã xây dựng xong phân hệ phần mềm quản lý an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản và đang vận hành thử nghiệm. Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn Dịch vụ nông nghiệp tỉnh đang phối hợp với các đơn vị xây dựng kênh Youtube để tuyên truyền hoạt động khuyến nông. Riêng trang zalo Khuyến nông và Tư vấn kỹ thuật đã đăng 151 bài về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn; thông tin thị trường, kỹ thuật…

Trong lĩnh vực thủy sản, diện tích nuôi ứng dụng công nghệ cao ngày càng tăng nhanh. Đến nay, diện tích nuôi tôm nước lợ ứng dụng công nghệ cao toàn tỉnh khoảng 3.430ha, đạt trên 85% so với Nghị quyết số 07- NQ/TU ngày 29/1/2021.

Sở Khoa học và Công nghệ Bến Tre cũng vừa nghiệm thu đề tài nghiên cứu ứng dụng nền tảng Map4D GIS Platform để xây dựng phần mềm số hóa, quản lý 1.900ha vùng nuôi tôm công nghệ cao, hướng đến mở rộng phạm vi số hóa, quản lý 4.000ha giai đoạn 2021 - 2025 và xây dựng giải pháp phát triển phạm vi nuôi chuyên canh tôm công nghệ cao trên địa bàn tỉnh. Đây là công cụ đắc lực hỗ trợ vào quy trình tác nghiệp của Chi cục Thủy sản Bến Tre trong công tác quản lý vùng nuôi tôm công nghệ cao.

Giao diện phần mềm Map4D GIS Platform. Ảnh: Sở KH-CN Bến Tre.

Giao diện phần mềm Map4D GIS Platform. Ảnh: Sở KH-CN Bến Tre.

Hơn 50 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao

Bên cạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất ở Bến Tre bước đầu cũng ghi nhận được những thành tựu đáng khích lệ.

Đến tháng 6/2024, toàn tỉnh có 160 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp và 1 liên hiệp HTX nông nghiệp, trong đó khoảng 51 HTX ứng dụng công nghệ cao. Đa số các HTX ứng dụng công nghệ cao trong kỹ thuật canh tác, nuôi trồng, bảo quản. Cụ thể như công nghệ thông tin trong sản xuất và truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông, lâm sản; sản xuất cây trồng, vật nuôi, thủy sản đảm bảo an toàn thực phẩm, GAP…

Theo Sở NN-PTNT Bến Tre, để hỗ trợ các HTX ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP), tỉnh tập trung hỗ trợ xây dựng các mô hình, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, quảng bá sản phẩm, tem truy xuất nguồn gốc.

Năm 2023, từ nguồn vốn chương trình xây dựng nông thôn mới, ngành nông nghiệp tỉnh đã hỗ trợ 40.000 tem truy xuất nguồn gốc cho 4 HTX với tổng kinh phí 129 triệu đồng và hỗ trợ chứng nhận HACCP cho HTX Bưởi da xanh Bến Tre với tổng kinh phí 95 triệu đồng. Năm 2024, ngành tiếp tục xây dựng kế hoạch hỗ trợ xây dựng mã số vùng trồng cho 2 HTX nông nghiệp và hỗ trợ xây dựng chứng nhận VietGAP cho 1 HTX nông nghiệp.

Bưởi da xanh của HTX Bưởi da xanh Giồng Trôm được hỗ trợ truy xuất nguồn gốc. Ảnh: HTX Bưởi da xanh Giồng Trôm.

Bưởi da xanh của HTX Bưởi da xanh Giồng Trôm được hỗ trợ truy xuất nguồn gốc. Ảnh: HTX Bưởi da xanh Giồng Trôm.

Ông Nguyễn Văn Bảy, Giám đốc HTX Bưởi da xanh Giồng Trôm (ấp Đồng Nhơn, xã Lương Quới, huyện Giồng Trôm) cho biết: Sản phẩm bưởi da xanh của HTX đã được chứng nhận VietGAP và công nhận OCOP 4 sao. Năm ngoái, HTX được hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc giúp người tiêu dùng tăng mức độ nhận diện thương hiệu.

“Bưởi da xanh Bến Tre đã được bảo hộ Chỉ dẫn địa lý nên việc có truy xuất nguồn gốc giúp người tiêu dùng an tâm, tin tưởng mua đúng sản phẩm. HTX cảm thấy việc sử dụng tem có hiệu quả và sẽ duy trì”, ông Bảy nói.

Nghiên cứu giống mới thích ứng với biến đổi khí hậu

Hiện nay, việc đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất còn nhiều khó khăn, thách thức. Đáng quan tâm nhất, kinh phí đầu tư cho đa số các hệ thống công nghệ cao rất lớn. Ngoài ra, sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chưa được nhiều người biết đến, dễ dẫn đến bị đánh đồng với sản phẩm truyền thống, làm giảm giá trị kinh tế và khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Theo ông Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao vào sản xuất. Trong đó, thực hiện các chính sách hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Ông Huỳnh Quang Đức (giữa), Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bến Tre trao đổi với HTX Người giữ dừa về công nghệ chế biến sản phẩm mật hoa dừa. Ảnh: Kiều Nhi.

Ông Huỳnh Quang Đức (giữa), Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bến Tre trao đổi với HTX Người giữ dừa về công nghệ chế biến sản phẩm mật hoa dừa. Ảnh: Kiều Nhi.

Ông Huỳnh Quang Đức cho rằng, cần tiếp tục ứng dụng các nghiên cứu khoa học và thực nghiệm các giống mới thích ứng vớibiến đổi khí hậu và điều kiện địa phương để đa dạng nguồn nguyên liệu và giống cho hoạt động sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Bởi theo ông, quan điểm nghiên cứu, phát triển giống cây trồng, vật nuôi tại Bến Tre là tạo ra sản phẩm nông nghiệp phù hợp với nhu cầu sản xuất hàng hoá của thị trường trong nước, xuất khẩu, đồng thời đáp ứng nhu cầu sản xuất cạnh tranh, hội nhập, đáp ứng mục tiêu thích ứng với biến đổi khí hậu và góp phần đa dạng hoá sản xuất, tạo giá trị tăng thêm.

“Thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tập trung ứng dụng khoa học công nghệ trong việc áp dụng và xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn cơ sở cho cơ cấu cây giống của tỉnh. Bên cạnh đó, nâng cao chủng loại, chất lượng cây giống thông qua việc áp dụng các công nghệ hiện đại, đặc biệt là công nghệ sinh học. Ngoài ra, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong liên kết sản xuất, quảng bá tiêu thụ giống”, ông Huỳnh Quang Đức cho biết.

Xem thêm
[Bài 2] Người chăn nuôi trắng tay, cạn kiệt vốn liếng sau bão

HẢI PHÒNG Không chỉ thiệt hại nặng nề, sau bão, nhiều trang trại chăn nuôi đang cạn kiệt vốn liếng, đối mặt nguy cơ dịch bệnh, rất khó khăn trong khôi phục sản xuất.

Nỗi niềm cán bộ thú y: [Bài cuối] Nghề 'tâm sự, trò chuyện' cùng vật nuôi

Công việc nhiều, lòng nhiệt tình có thừa, nhưng thu nhập lại... khiêm tốn. Đó là câu chuyện của những nhân viên thú y ở huyện biên giới Ia Grai, tỉnh Gia Lai.

Đê vỡ, đập tràn, vựa dâu tằm tan hoang

YÊN BÁI Trận đại hồng thủy hung tàn đã biến vựa dâu tằm ở xã Việt Thành (huyện Trấn Yên) thành những cánh đồng chết, cây cối tan hoang, chưa biết khắc phục bắt đầu từ đâu.