| Hotline: 0983.970.780

Khoai tây nâng tầm quan trọng 'nhờ' đại dịch

Thứ Hai 11/05/2020 , 06:01 (GMT+7)

Không có gì đáng ngạc nhiên khi thấy tầm quan trọng của khoai tây, cây lương thực quan trọng thứ ba sau gạo và lúa mì, tăng lên trong đại dịch này.

Nông dân Ấn Độ thu hoạch khoai tây. Ảnh: CNN.

Nông dân Ấn Độ thu hoạch khoai tây. Ảnh: CNN.

Thế giới nên chuẩn bị để đảm bảo có sẵn thực phẩm với giá cả phải chăng trong 12‒18 tháng tới, hoặc thậm chí lâu hơn, để khắc phục hiệu quả các tác động do đại dịch.

Khoai tây có vai trò chính trong việc đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu. Nó là lương thực chính cho 1,3 tỷ người trên toàn cầu, bao gồm hàng triệu người nghèo ở miền đông Ấn Độ, Bangladesh và các khu vực miền núi của Trung Quốc.

Tầm quan trọng của khoai tây trong đại dịch

Covid-19 đang thúc đẩy nhu cầu về khoai tây tươi trong các siêu thị và cửa hàng tạp hóa trên toàn cầu khi mọi người dự trữ thực phẩm rẻ tiền. Khoai tây tươi trở thành món yêu thích trong thời gian phong tỏa, cùng với gạo, bột mì, bánh mì và mì ống.

Ở phương Tây, nơi các sản phẩm chế biến chiếm phần lớn thị phần tiêu thụ, nhu cầu khoai tây tươi tăng vọt. Xu hướng tương tự cũng diễn ra tại các nước đang phát triển.

Ngay cả ở các bang miền nam Ấn Độ, theo truyền thống không tiêu thụ khoai tây, loại củ này cũng trở nên phổ biến, một phần do thời hạn sử dụng lâu hơn so với các loại rau khác.

Mặc dù có vai trò quan trọng như là một thực phẩm chính đối với rất nhiều người nghèo, nó hiếm khi được đề cập ở vị trí quan trọng như gạo và lúa mì khi đánh giá an ninh lương thực.

Trong vài tuần qua, đã có rất nhiều báo cáo và phân tích về gạo và lúa mì khi đại dịch Covid-19 giam giữ hơn một nửa hành tinh (khoảng 4 tỷ người) ở tại nhà và đóng cửa phần lớn nền kinh tế toàn cầu.

Nhưng sự chú ý dành cho khoai tây, loại thực phẩm đang âm thầm góp phần đảm bảo an ninh lương thực trong cuộc khủng hoảng này, còn rất khiêm tốn.

Tác động của đại dịch tới ngành khoai tây toàn cầu

Đại dịch ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng của nhiều sản phẩm thực phẩm khác nhau, nhưng tác động của nó đối với khoai tây là vô cùng đặc biệt.

Tác động của đại dịch tới khoai tây là vô cùng đặc biệt. Ảnh: Getty Images.

Tác động của đại dịch tới khoai tây là vô cùng đặc biệt. Ảnh: Getty Images.

Việc đóng cửa chuỗi nhà hàng, cơ sở dịch vụ thực phẩm làm giảm đáng kể nhu cầu đối với các sản phẩm khoai tây chế biến.

Ở phương Tây, nơi hầu hết khoai tây được mua bởi doanh nghiệp thực phẩm, tác động nghiêm trọng hơn nhiều. Nhu cầu giảm đột ngột tạo ra một cơn sốt tại các thị trường địa phương, với hàng triệu tấn khoai tây chế biến trong kho lạnh và tình trạng dư cung sản phẩm khoai tây chế biến.

Đồng thời, nhu cầu về khoai tây tươi trong các siêu thị và cửa hàng tạp hóa lại tăng lên đáng kể. Ngành công nghiệp đang cố gắng chuyển nhiều khoai tây tươi hơn đến các cửa hàng tạp hóa để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, với các sản phẩm khoai tây chế biến bổ sung cũng được chuyển vào siêu thị.

Nhưng sự dịch chuyển này chỉ bù đắp cho một phần nhỏ nhu cầu bị mất do đóng cửa các doanh nghiệp thực phẩm.

So với phương Tây, tác động của Covid-19 đối với doanh số bán khoai tây rất khác nhau ở các nước đang phát triển, nơi loại củ này chủ yếu được trồng để tiêu thụ tươi.

Ở cả Ấn Độ và Trung Quốc, hai nhà sản xuất khoai tây hàng đầu, chiếm 38% sản lượng toàn cầu, hầu hết khoai tây được tiêu thụ tươi. Sự gia tăng mua khoai tây tươi dẫn đến tăng giá, với giá bán lẻ tăng 25‒35% (khoảng 0,23 - 0,33 USD/kg) ở nhiều tiểu bang Ấn Độ.

Ngoài nhu cầu tăng đột ngột, sản lượng thấp hơn ở nhiều vùng trồng khoai tây Ấn Độ do điều kiện thời tiết không thuận lợi cũng góp phần làm tăng giá. Thông thường, vào thời điểm này trong năm, giá khoai tây giảm xuống mức thấp nhất do nguồn cung sau thu hoạch.

Dự báo tình hình cung - cầu khoai tây thời gian tới

Thế giới đã ở trong thời kỳ suy thoái tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại khủng hoảng trong những năm 1930, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Suy thoái sẽ mang lại tỷ lệ thất nghiệp cao hơn, thu nhập khả dụng thấp hơn và hàng triệu người bị đẩy vào nghèo đói.

"Sẽ có thêm nửa tỷ người đói nghèo", theo OXFAM, liên minh quốc tế của 17 tổ chức làm việc tại 94 quốc gia trên toàn thế giới tìm giải pháp lâu dài cho nghèo đói và bất công.

Điều này sẽ chuyển mô hình tiêu thụ từ các sản phẩm thực phẩm có giá trị cao sang cây trồng chủ lực như gạo, lúa mì và khoai tây.

Có khả năng nhu cầu đối với các sản phẩm khoai tây chế biến sẽ thấp hơn trong những tháng tới. Điều này đặc biệt có vấn đề đối với các nước phát triển nơi các sản phẩm khoai tây chế biến chiếm tỷ trọng chính trong tiêu dùng; 60‒80% tổng lượng khoai tây tiêu thụ ở nhiều quốc gia.

Nhu cầu khoai tây tươi tăng và khoai tây chế biến giảm chắc chắn tạo ra vấn đề cho nông dân ở Bắc Mỹ và Châu Âu, nơi hầu hết các giống khoai tây được sản xuất để dùng trong công nghiệp chế biến.

Đối mặt với sự không chắc chắn về phục hồi cầu đối với các sản phẩm chế biến và số lượng dự trữ khoai tây giảm dần trong kho lạnh, các công ty thực phẩm ở Hoa Kỳ và Canada đã cắt giảm thỏa thuận hợp đồng với nông dân trong vụ mùa này.

Nông dân Hoa Kỳ thu hoạch khoai tây. Ảnh: YouTube.

Nông dân Hoa Kỳ thu hoạch khoai tây. Ảnh: YouTube.

Nhiều nông dân đứng trước quyết định khó khăn về việc có nên trồng loại cây thâm dụng vốn này (chi phí canh tác khoảng 4.000 USD/mẫu) mà họ chịu rủi ro là chính. Hầu hết các giống chế biến không phù hợp cho tiêu dùng tại nhà và ngược lại. Chỉ có một vài giống là phù hợp cho cả hai.

Một số lượng lớn nông dân có khả năng bị thiếu giống vào đầu mùa trồng trọt. Nông dân trồng khoai tây ở khu vực Đại Tây Dương cũng phải đối mặt với tình trạng khó xử tương tự.

Giá tương lai của khoai tây châu Âu suy sụp do tình trạng thặng dư lớn khoai tây chế biến trên khắp châu lục. Gần như chắc chắn rằng tổng diện tích dành cho chế biến khoai tây sẽ giảm trong mùa này.

Không giống như ở phương Tây, nông dân châu Á không phải đối mặt với vấn đề thặng dư khoai tây chế biến vì phân khúc thị trường này chiếm tỷ lệ nhỏ trong sản xuất của họ (5% ở Ấn Độ và 10% ở Trung Quốc).

Việc tiêu thụ ngày càng tăng các sản phẩm khoai tây chế biến ở châu Á, đặc biệt là khoai tây chiên đông lạnh, được đáp ứng bằng cách nhập khẩu, chủ yếu từ Hoa Kỳ và Châu Âu. Với việc đóng cửa các nhà hàng và các cơ sở thực phẩm khác, nhập khẩu các sản phẩm khoai tây chế biến từ phương Tây có khả năng giảm.

Về phía cung, Trung Quốc sẽ bắt đầu trồng khoai tây ở khu vực phía bắc, chiếm một nửa diện tích trồng khoai tây, vào tuần thứ ba của tháng Tư. Vẫn còn phải xem liệu phong tỏa sẽ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng lao động, hạt giống, phân bón và vận chuyển và liệu điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến việc trồng trọt hay không.

Một vùng trồng khoai tây lớn khác trong khu vực, vùng đồng bằng Indo-Gangetic, bao gồm Ấn Độ và Bangladesh, vừa thu hoạch vụ khoai tây chính.

Vấn đề sản xuất và Covid-19 đã và đang làm tăng giá khoai tây ở Ấn Độ. Nếu giá vẫn cao, nông dân trong khu vực sẽ mở rộng diện tích khoai tây trong mùa tới.

Nếu đại dịch virus vẫn còn, chúng ta có thể chứng kiến ​​sự đảo ngược theo hướng buôn bán khoai tây, nghĩa là xuất khẩu khoai tây tươi đi từ châu Á sang châu Âu và Bắc Mỹ.

(Theo CIP, IMF, OXFAM)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Tướng Israel tiết lộ chi phí đánh chặn 'mưa tên lửa' của Iran

Tướng Israel Reem Aminoach cho rằng Israel hôm 13/4 đã phòng thủ thành công, song chi phí cho việc phòng thủ lớn gấp 10 lần những gì Iran đã bỏ ra.

Bùng nổ thị trường thú cưng và chăm sóc thú cưng

Lần đầu tiên Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng được tổ chức tại TP.HCM với sự tham gia của 12 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Bình luận mới nhất