Rừng tự nhiên ở xã Hương Xuân (Hương Khê, Hà Tĩnh) đang bị "cạo trọc" |
Thế nhưng 5 năm trở lại đây công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng phần nào bị ảnh hưởng lớn bởi việc tách nhập các cơ quan nông lâm nghiệp.
Bất cập về cơ chế
Ngay sau khi thực hiện chủ trương tách nhập các cơ quan nông lâm nghiệp, Hà Tĩnh đã tổ chức bán đấu giá cây rừng cho những đơn vị, cá nhân có nhu cầu, mạnh ai nấy đấu bất kể đó là ai, khi trúng thầu họ được phép vào rừng để khai thác gỗ. Việc làm này đã thiếu tôn trọng đối với lực lượng công nhân lâm nghiệp, doanh nghiệp đang quản lý, phát triển bảo vệ rừng bao đời nay. Nơi mà miếng cơm manh áo, mồ hôi, nước mắt của họ đổ ra để chăm nom bảo vệ từng cây rừng, trong đó phải kể đến 2 đơn vị Anh hùng trong kháng chiến và Anh hùng trong đổi mới đó là Lâm trường Hương Sơn (Cty TNHH 1 TV Lâm nghiệp và Dịch vụ Hương Sơn) và Lâm trường Chúc A (Cty TNHH 1TV Lâm nghiệp và Dịch vụ Chúc A, huyện Hương Khê). Ngoài bán đấu giá cây rừng, rừng đầu nguồn các đơn vị này quản lý còn bị chia năm sẻ bảy thành nhiều vùng để giao lại cho các đơn vị phòng hộ tiếp nhận quản lý, bảo vệ một phần như Ban quản lý rừng phòng hộ Ngàn Phố, đóng một đường, bảo vệ một nẻo.
Cụ thể rừng do Lâm trường Hương Sơn quản lý bao đời nay với diện tích trên 40 ngàn ha đã bị cắt gần một nửa để bàn giao lại cho Ban quản lý rừng phòng hộ Ngàn Phố. Bất cập là số diện tích giao lại cho Ban quản lý rừng phòng hộ Ngàn Phố họ phải trèo lên đỉnh, phải qua lâm phần của Cty Lâm nghiệp và Dịch vụ Hương Sơn để bảo vệ, phải đi mất gần trăm cây số. Đây là một cách làm lúng túng của việc sáp nhập thiếu đồng bộ, thiếu tính khoa học.
Nói về chuyện giao đất, khoán rừng hiện nay trên địa bàn Hà Tĩnh có nhiều cá nhân chủ rừng ôm trọn hàng trăm ha rừng SX, rừng đầu nguồn như ngồi trên đống vàng, họ thả sức làm gì trong đó không ai biết (như rừng Ngã Đôi, Khe Năm do Lâm trường Hương Sơn quản lý trước đây)…
Đến cả bất cập về con người
Theo Nghị định 119 của Chính phủ về tổ chức bộ máy kiểm lâm, 1.000ha rừng được biên chế 1 kiểm lâm bảo vệ. Thế nhưng ở Hà Tĩnh thì nhiều vùng rừng mỗi kiểm lâm phải bảo vệ trên chục nghìn hecta rừng phòng hộ, rừng đặc dụng kể cả rừng tự nhiên trên tổng diện tích rừng được phân cấp bảo vệ là 365.000ha. Theo Nghị định 119, đối với số diện tích như trên phải được biên chế 365 cán bộ, chiến sĩ bảo vệ rừng. Nhưng thực tế từ trước tới nay lực lượng kiểm lâm ở Hà Tĩnh chỉ được biên chế trên dưới 200 người, thiếu trên 100 cán bộ, nhân viên kiểm lâm để phục vụ cho tổng diện tích trên 365.000ha.
Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Hương Sơn, ông Nguyễn Văn Thành cho biết: Hương Sơn là huyện có tổng diện tích gần 90.000ha rừng đặc dụng nhưng chỉ được biên chế 24 kiểm lâm, địa hình phức tạp, sông suối nhiều, đi lại khó khăn phức tạp, cách trung tâm huyện hàng trăm cây số chủ yếu là biên giới Việt - Lào nên việc tuần tra bảo vệ càng phức tạp, khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Nhiều tốp cán bộ chiến sĩ kiểm lâm phải bám rừng, bám địa bàn cả chục ngày mới trở về đơn vị, mọi trang thiết bị, công cụ hỗ trợ, chế độ ăn ở sinh hoạt đều khó khăn thiếu thốn, trong lúc đó nhiều lúc còn phải đối phó với lâm tặc kiểu một mất một còn giữa rừng, có những cán bộ chiến sĩ đã hy sinh xương máu để bảo vệ rừng.
Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Hương Khê, ông Nguyễn Quang Hào cũng tâm sự: Hương Khê có tổng diện tích hơn 100.000ha rừng, có 4 trạm kiểm lâm với 28 cán bộ chiến sĩ, đây quả là con số bất cập bởi theo Nghị định 119 còn thiếu trên 70 người. Rừng Hương Khê vẫn bị xâm hại cũng như một số vụ cháy rừng vẫn xảy ra.
Chúng tôi đi thực tế tại Trạm Kiểm lâm địa bàn Hương Đô (Hương Khê), Trạm trưởng Lưu Văn Dân cho biết, trạm quản lý, bảo vệ trên 30.000ha nhưng chỉ có 4 cán bộ chiến sĩ, bình quân mỗi người phải đảm nhận gần 8.000ha rừng, địa bàn xa và phức tạp. Công tác bảo vệ rất khó khăn, nhất là vào mùa nắng nóng người đốt rừng làm rẫy, kẻ đốt lửa lấy mật ong dẫn đến nạn cháy rừng rất cao.
Chủ rừng nói gì?
Giám đốc Cty Lâm nghiệp và Dịch vụ Hương Sơn, ông Nguyễn Tiến Cát tâm sự, sau khi tách nhập công ty được giao quản lý 22.000ha rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Trong lúc đó công tác quản lý, bảo vệ còn nhiều bất cập bởi lực lượng kiểm lâm rất khó khăn về con người và kinh phí. Theo ông Cát, trước đây khi chưa có chủ trương đóng cửa rừng, còn khai thác tận dụng có nguồn thu để trồng xen dặm, chăm sóc, phát triển, bảo vệ rừng, xem như đầu tư trở lại. Nhưng khi thực hiện chủ trương đóng cửa rừng đến nay mỗi ha bảo vệ quy định của Bộ Tài chính là 200.000 đồng, nhưng chỉ nhận được 60.000 đồng, năm cao nhất cũng chỉ được 90.000 đồng, bởi nguồn tài chính này còn phải phụ thuộc vào thu ngân sách của tỉnh. Công ty gặp rất nhiều khó khăn, nguồn thu không có để trồng, phát triển, chăm sóc, bảo vệ rừng, công nhân thiếu việc làm.
Cty Lâm nghiệp và Dịch vụ Chúc A cũng cùng chung cảnh ngộ.
Nhìn lại sau 5 năm sáp nhập, công tác tổ chức, quản lý, tài chính, việc làm đối với nghề rừng chưa có gì sáng sủa, ngược lại càng làm rối rắm thêm.