| Hotline: 0983.970.780

Khởi nghiệp từ 7 con chồn hương

Thứ Năm 22/08/2024 , 09:06 (GMT+7)

QUẢNG BÌNH Sau 3 năm khởi nghiệp nuôi chồn hương, anh Trương Văn Hạnh ở Quảng Bình đã có được thành công ban đầu với thu nhập 150 triệu đồng mỗi năm.

Anh Trương Văn Hạnh đang cho chồn hương ăn chuối. Ảnh: T. Phùng.

Anh Trương Văn Hạnh đang cho chồn hương ăn chuối. Ảnh: T. Phùng.

Đến tham quan mô hình khởi nghiệp nuôi chồn hương của anh Trương Văn Hạnh (ở thôn Tiền, xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình), chúng tôi cũng lấy làm lạ là anh Hạnh chẳng hề “kiêng cữ” gì. Chúng tôi được tiếp cận khu vực chuồng nuôi thoải mái ngắm nhìn những chồn hương bố, mẹ chụp chuối chín ăn ngấu nghiến hay những chú chồn choai choai đang giương mắt trong nhìn người lạ.

Trước đây, phóng viên cũng từng đến một số mô hình nuôi chồn hương, nhiều nơi chủ nuôi hạn chế tối đa người lạ đến gần vì họ sợ thú nuôi sẽ phá chuồng, cắn con nhỏ hay bỏ ăn…

“Từ hồi mới nuôi, em cũng không kiêng gì lắm đâu. Ai muốn đến xem cũng được. Từ đó, thú nuôi cũng quen dần và không có thái độ sợ, phá gì cả”, anh Hạnh nói.

Ban đầu, Hạnh có nghề lái xe đường dài. Sau đoạn nghỉ do Covid-19 kéo dài nên anh thôi nghề tài xế mà tìm kiếm nghề mới. Một lần đọc báo thấy mô hình nuôi chồn hương rất hay, anh quyết định khởi nghiệp từ đây. “Khi vào tham quan mô hình ở các tỉnh phía Nam nuôi chồn hương, em học hỏi họ và mua 7 con giống về nuôi thử nghiệm", anh Hạnh kể.

Không đầu tư xây dựng chuồng trại cầu kỳ, anh Hạnh tận dụng mảnh đất sau lưng nhà làm mái che từ tường nhà ra hàng rào phía sau. Sát tường rào, anh đặt dãy chuồng hộp làm bằng lưới thép, thanh chắn sắt khá vững chắc. Mỗi cá thể chồn hương được nuôi nhốt trong một ô riêng.

Chồn hương trong chuồng nuôi của gia đình anh Hạnh. Ảnh: T. Phùng.

Chồn hương trong chuồng nuôi của gia đình anh Hạnh. Ảnh: T. Phùng.

Ban đầu do chưa có kinh nghiệm, thiếu kiến thức về nuôi chồn hương nên anh Hạnh cũng gặp không ít khó khăn. “Khi vật nuôi bị ốm bỏ ăn hay khi phối giống có điện hỏi nơi cung cấp giống họ cũng trả lời đơn giản làm cho mình lúng túng và không thành công”, anh Hạnh bộc bạch.

Bây giờ đã quen, chồn hương là loài vật tương đối dễ nuôi. Thức ăn chủ yếu là chuối chín và cháo cá. “Chồn rất thích ăn cháo cá rô phi. Nguồn cá rô phi rất dồi dào ngoài tự nhiên, nếu mua giá cũng rất rẻ, mỗi ký chỉ vài ngàn đồng. Đó cũng là lợi thế cho người nuôi”, anh Hạnh chia sẻ.

Hiện trong khu nuôi, anh Hạnh đã có 20 chồn bố mẹ sinh sản và 20 chồn “choai choai” để nuôi thương phẩm. “Công việc chăm sóc chồn hương cũng không bận rộn lắm, chỉ tranh thủ thôi. Vậy nên em cũng dành vốn, vay mượn thêm chút nữa mua ô tô để chạy chạy phục vụ khách du lịch”, anh Hạnh kể thêm.

Từ kinh nghiệm, anh Hạnh cũng cho hay, chồn hương thích sống riêng lẻ nên chỉ nhốt chung chồn đực và chồn cái để phối giống trong thời gian ngắn. Sau đó lại phải tách chúng ra. Trong quá trình sinh sản và nuôi chồn con thì khu chuồng này được yên tĩnh. Khi này mới hạn chế người lạ để chồn mẹ không tha con đi theo tập tính hoang dã.

Anh Trương Văn Hạnh: 'Giá chồn hương thương phẩm từ 1,8 - 2 triệu đồng mỗi ký'. Ảnh: T. Phùng.

Anh Trương Văn Hạnh: "Giá chồn hương thương phẩm từ 1,8 - 2 triệu đồng mỗi ký”. Ảnh: T. Phùng.

Theo anh Hạnh, chồn hương có giá trị kinh tế cao. Nuôi chồn sinh sản trong khoảng 10 - 12 tháng là chồn cái bước vào giai đoạn sinh sản. Mỗi năm, chồn cái sinh sản 2 lứa, một lứa 2 - 4 con. Sau khi sinh con khoảng hơn 2 tháng là có thể tách chồn mẹ và chồn con ra riêng biệt.

Hiện, chồn hương giống có giá khá cao. Mỗi cặp chồn giống (khoảng 3 tháng tuổi), anh Hạnh bán với giá từ 9 - 10 triệu đồng. Chồn thương phẩm có trọng lượng 3 - 5kg bán với giá 1,8 - 2 triệu đồng/kg. “Trung bình mỗi năm, gia đình bán 10 đôi chồn hương giống và chừng 4 - 5 cặp chồn thương phẩm, cho thu nhập khoảng 150 triệu đồng”, anh Hạnh cho hay.

Sau lứa chồn sinh sản này, anh Hạnh cũng dự định phát triển khu nuôi quy mô lớn. Anh Hạnh chia sẻ: “Mong muốn của em là không chỉ bán chồn hương thương phẩm mà trở thành địa chỉ cung cấp giống chất lượng cho người có nhu cầu”.

Khi cung cấp giống, anh Hạnh cũng trở thành người hướng dẫn kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm cho bà con. “Nếu có được nguồn vốn tốt, em sẽ mở rộng mô hình nuôi, cung ứng giống và thực hiện bao tiêu sản phẩm cho người nuôi chồn hương trên địa bàn”, anh Trương Văn Hạnh tâm sự.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Dư địa lớn để Sơn La sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Với trên 210 nghìn ha trồng trọt, tỉnh Sơn La mới chỉ có hơn 51ha trồng rau trong nhà màng công nghệ cao, chiếm 0,02% tổng diện tích.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.