Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Vua Hùng - Phú Thọ, sau khi học xong cấp 3, anh Đinh Văn Nam vào Quảng Bình làm công nhân công ty may mặc.
Quá trình làm việc tại đây, “ông Tơ bà Nguyệt” se duyên cho anh gặp và nên nghĩa vợ chồng với chị Phùng Thị Anh, trú xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.
Sau một đám cưới bình dị, vợ chồng anh Nam quyết định từ bỏ công việc có thu nhập ổn định ở phố thị về nơi “thâm sơn cùng cốc” thôn Tân Sơn, xã Quang Diệm lập nghiệp.
Vùng đất thôn Tân Sơn trước nay được biết đến như một thung lũng, đất đai bạc màu. Ngoài sản xuất lúa trên ruộng bậc thang, hầu hết bà con phải ly hương vào Nam ra Bắc làm công nhân.
Quyết định về Quang Diệm ở rể, đầu tư trồng rừng, chăn nuôi chồn hương của anh Nam ban đầu khiến nhiều người e ngại. Tuy nhiên, bây giờ, bà con ai cũng nể phục độ “lỳ” của vợ chồng anh.
Anh Đinh Văn Nam chia sẻ, khi mới về Tân Sơn, vợ chồng anh làm nông như bao gia đình khác trong thôn. Tuy nhiên, trồng trọt ngoài trời mất nhiều hơn được, có những thời điểm phải chạy ăn từng bữa nên giữa năm 2023 anh đánh liều đầu tư 60 triệu đồng xây dựng chuồng trại, mua 3 cặp chồn hương giống về nuôi thử nghiệm.
Kết quả cho thấy, chồn thích nghi với điều kiện thời tiết, môi trường tại địa phương. Đặc biệt, nguồn thức ăn tại chỗ như cá, chuối, nội tạng gà, vịt, cháo gạo… dồi dào nên rất thích hợp nhân rộng.
“Thông thường mỗi năm, chồn mẹ sinh sản khoảng 2 lứa, mỗi lứa từ 3 đến 5 con, tỷ lệ sống lên đến hơn 95%. Từ 3 cặp chồn giống ban đầu, hiện tổng đàn của trang trại chúng tôi đã đạt gần 40 con, chủ yếu là chồn bố mẹ và chồn hậu bị”, anh Nam cho biết.
Theo anh, chồn là động vật hoang dã được thuần hóa nên chúng rất nhạy cảm, nhất là thời kỳ mang thai, nuôi con nhỏ. Giai đoạn đầu mới khởi nghiệp, do chưa có kinh nghiệm nên giai đoạn sinh sản một số chồn mẹ bị chết.
“Sau khi học hỏi trên báo đài, mạng xã hội tôi đã đúc rút được nhiều kỹ thuật. Quá trình chồn mang thai hay sinh sản phải hạn chế người ra vào chuồng nuôi để vừa phòng chống dịch bệnh vừa tạo không gian yên tĩnh cho chồn nghỉ ngơi. Đặc biệt, giai đoạn mới sinh tuyệt đối không để người lạ vào chuồng, tránh gây ức chế, chồn mẹ có thể cắn chết con”, anh Nam chia sẻ kinh nghiệm.
Đối với công tác phòng chống dịch bệnh, dù là đối tượng nuôi ít bị dịch bệnh nhưng khi bị xâm nhiễm lại không có thuốc đặc trị. Do đó, người nuôi cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình vệ sinh chuồng trại, thức ăn cho đến dụng cụ chăm sóc.
“Để tăng sức đề kháng cho chồn, tôi thường bổ sung thêm các món cháo được nấu từ ếch, cá đồng, nội tạng gà vịt… Ngoài ra, tận dụng lợi thế đất vườn trồng thêm chuối, mít để làm nguồn thức ăn dự trữ”, anh Đinh Văn Nam nói thêm.
Theo chủ mô hình, mặc dù đang trong quà trình tiếp tục nhân đàn, song nhẩm tính hiệu quả kinh tế khi xuất chuồng, nuôi chồn hương lợi nhuận cao gấp hàng chục lần so với nuôi các loài gia súc, gia cầm khác.
Cụ thể, chồn con trọng lượng 900g - 1,2kg đang được bán với giá 11 - 13 triệu đồng/cặp, chồn hậu bị từ 2 - 4kg có giá 18 - 20 triệu đồng/cặp. Riêng chồn thương phẩm, thương lái mua tại chuồng từ 1,4 - 1,8 triệu đồng/kg.
“Do vốn ngắn nên tôi tính cuối năm nay sẽ xuất bán cuốn chiếu một số cặp để mở rộng đầu tư”, anh Nam thông tin thêm.
Lãnh đạo xã Quang Diệm đánh giá, mô hình nuôi chồn hương của hộ anh Đinh Văn Nam là mô hình nuôi con đặc sản mới trên địa bàn. Mặc dù quy mô chưa lớn nhưng là hướng đi mới, truyền cảm hứng cho người dân sống gần rừng tranh thủ lợi thế quỹ đất để phát triển đối tượng nuôi mới, nâng cao thu nhập.