Bén duyên với nghề nuôi chồn hương được 6 năm, từ một cặp chồn giống ban đầu, đến nay anh Huỳnh Thanh Hùng (ngụ xã Tân Thành, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) đã nhân giống thành đàn chồn 200 con, trong đó có hơn 100 con chồn hương sinh sản, lợi nhuận mang lại mỗi năm hơn 1 tỉ đồng.
Cơ duyên đến với nghề nuôi chồn của anh Hùng rất tình cờ. Theo chia sẻ, anh là người đam nghê chăn nuôi, trước khi đến với nghề nuôi chồn hương, trước đó đã thực hiện nhiều mô hình nuôi như mô hình nuôi cá bống tượng, cá chình, heo rừng, nhưng hiệu quả mang lại chưa cao.
Từ đó, anh Hùng bắt đầu tìm hiểu về kỹ thuật nuôi chồn hương từ các trang mạng và những người nuôi trước đó. Anh mạnh dạn xây dựng chuồng trại, mua chồn giống về nuôi bắt đầu hành trình làm giàu của riêng mình.
Anh Hùng chia sẻ: Trước đây anh nuôi cá bống tượng, cá chình, heo rừng cũng khá thành công. Tuy nhiên, sau thời gian nuôi nhận thấy đối tượng này không phù hợp với quỹ thời gian của mình nên nghĩ đến việc chuyển sang đối tượng nuôi mới để phù hợp hơn.
"Nhận thấy người ta nuôi loại chồn hương rất hiệu quả nên tôi bắt đầu tìm hiểu về loài vật nuôi này. Qua tìm hiểu được biết, chồn hương là loài dễ nuôi, đặc tính của chúng là ăn vào ban đêm và sáng sớm, nên tôi có thể thu xếp thời gian nhàn rỗi của mình để chăm sóc, từ đó quyết định chuyển hướng sang nuôi chồn hương". Anh Hùng tâm sự.
Nói là làm, anh Hùng đã mua một cặp chồn sinh sản về nuôi để nhân giống. Qua thời gian nuôi, nhân thấy vật nuôi phát triển nhanh, mau lớn nên anh Hùng đã mạnh dạn mua thêm 5 cặp về nuôi, thời gian sau, vật nuôi bắt đầu sinh sản.
“Quá trình nuôi diễn ra rất thuận lợi, hiệu quả, nên tôi quyết định cùng ba anh em ruột của mình mạnh dạn đầu tư mở rộng chuồng trại có diện tích rộng lớn như hiện nay. Hiện, trại nuôi chồn của tôi có 200 chuồng, dao động nuôi khoảng 150-170 con, số chuồng trống tôi dùng để dời chồn khi đạt trọng lượng, kích cỡ lớn.
Là người nuôi chồn hương không qua bất kỳ trường lớp nào, nhưng nhờ đam mê nên anh Hùng không ngừng trau dồi học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, kiến thức về chăn nuôi chồn qua các phương tiện thông tin và những người đi trước, cùng với kinh nghiệm có được trong quá trình tiếp xúc với vật nuôi. Đến nay, anh Hùng rất “mát tay” với loài vật này, số lượng chồn trong trang trại ngày một tăng lên.
Theo anh Hùng, khi số lượng chồn sinh sản nhiều, anh bàn với gia đình đầu tư hơn 500 triệu đồng để xây dựng và mở rộng chuồng trại. Anh chọn thiết kế chuồng theo kiểu nhà sàn, ở dưới các chuồng là ao nuôi cá. Với cách làm này vừa giúp hạn chế được mùi hôi từ phân và nước thải của chồn, vừa tận dụng làm thức ăn nuôi cá và khi cá đủ lớn bắt cá làm thức ăn lại cho chồn.
Với kinh nghiệm có được trong quá trình chăn nuôi, anh Hùng đặc biệt coi trọng đến vệ sinh môi trường sống cho vật nuôi, bởi giữ gìn vệ sinh tốt thì việc phòng, ngừa bệnh trên đàn vật nuôi rất hiệu quả.
“Thức ăn của chồn chủ yếu là chuối chín và cá sống. Tuy nhiên, khi dùng cá làm thức ăn phải làm sạch sẽ. Chuồng trại phải đảm bảo vệ sinh, thoáng mát, cao ráo. Đặc biệt, hàng ngày phải tắm rửa cho chồn, khi cho ăn phải cân đối liều lượng cho từng con, hạn chế để chồn quá béo, vì chồn béo sẽ khó sinh sản hơn những con vừa đủ cân”, anh Hùng nói thêm.
Được biết, chi phí thức ăn cho mỗi con chồn chỉ tốn 4.000 đồng/ngày. Chăm sóc tốt, mỗi năm chồn sinh sản 2 lần, mỗi lứa từ 3-5 con. Hiện chồn giống (60 ngày tuổi) trọng lượng đạt từ 0,6 - 1kg được anh Hùng bán cho khách có nhu cầu nuôi với giá khoảng 12 triệu đồng/cặp. Do nhu cầu nuôi tăng cao, chồn giống không đủ cung cấp ra thị trường nên khách hàng có nhu cầu mua phải đặt hàng trước với anh Hùng.
Hiện tại, chồn thịt có giá bán từ 1,2 - 1,4 triệu đồng/kg. Trung bình mỗi năm trang trại chồn hương của anh Hùng cho thu nhập hơn 1 tỉ đồng. Từ một cặp chồn giống, đến nay đã nhân giống thành đàn chồn 200 con chỉ trong vài năm, đó là thành công rất lớn, cho thấy kinh nghiệm nuôi chồn của anh Hùng rất hiệu quả.
Một cán bộ ngành nông nghiệp cho biết, nuôi chồn hương không tốn nhiều công chăm sóc, không tốn nhiều chi phí thức ăn nên được nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Cà Mau lựa chọn làm mô hình nuôi trong những năm gần đây. Đây được xem là mô hình kinh tế hiệu quả, giúp nông dân làm giàu. Mô hình này có thể nhân rộng, tuy nhiên do giá con giống hiện rất cao, nên rất khó để những người nông dân có mức kinh tế trung bình thực hiện.