| Hotline: 0983.970.780

Khơi nguồn nhân lực chất lượng cao: Tạo nguồn sinh viên từ các trường trung học

Thứ Tư 25/05/2022 , 06:17 (GMT+7)

Trên quan điểm giúp học sinh, sinh viên sớm định hướng được nghề nghiệp và các cơ hội việc làm, Đại học Lâm nghiệp liên kết, hợp tác với nhiều trường THPT trên địa bàn.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đến thăm Đại học Lâm nghiệp hồi đầu tháng 4/2022.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đến thăm Đại học Lâm nghiệp hồi đầu tháng 4/2022.

Mở rộng nguồn nhân lực

Ngày 30/11/2017, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 8341/QĐ-UBND về việc thành lập trường THPT Lâm nghiệp (F-School). Đây là trường công lập trực thuộc Đại học Lâm nghiệp, trên cơ sở nâng cấp và phát triển từ Ban Phổ thông Dân tộc nội trú (thành lập năm 1992) trực thuộc trường Đại học Lâm nghiệp.

Trường THPT Lâm nghiệp chính thức đi vào hoạt động và tuyển sinh từ năm học 2018 - 2019. Hiện trường đào tạo đồng thời cả hệ THPT và phổ thông dân tộc nội trú. Mỗi năm trường tuyển 550 chỉ tiêu, đến nay tổng số học sinh của nhà trường được duy trì ổn định khoảng 1.600 - 1.700 học sinh. Sau ba năm đi vào hoạt động, trường ổn định được cơ cấu tổ chức; đồng thời xây dựng được chương trình đào tạo nâng cao, với hướng tập trung vào đào tạo ngoại ngữ, kỹ năng sống và định hướng nghề nghiệp.

"Đó là một cột mốc đáng nhớ, vừa giúp Đại học Lâm nghiệp giải quyết vấn đề tuyển sinh, vừa nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngay từ đầu vào", PGS.TS Phạm Minh Toại, Phó Hiệu trưởng Đại học Lâm nghiệp chia sẻ.

Bên cạnh trường THPT đặt tại cơ sở chính tại thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, Đại học Lâm nghiệp còn một trường nữa đặt tại phân hiệu Đồng Nai, và đang lên kế hoạch mở thêm một cơ sở nữa tại phân hiệu Gia Lai. Những kết quả này là sự kế thừa của nhiều chính sách hỗ trợ mang tính hướng nghiệp của Đại học Lâm nghiệp, cũng là tâm huyết của bao lớp thế hệ thầy cô nhà trường khi giải bài toán "khát nguồn lực cho lâm nghiệp".

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo (bên trái) trao đổi với Hiệu trưởng Đại học Lâm nghiệp Trần Văn Chứ về các giống cây lâm nghiệp.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo (bên trái) trao đổi với Hiệu trưởng Đại học Lâm nghiệp Trần Văn Chứ về các giống cây lâm nghiệp.

Mở trường THPT trực thuộc là một trong nhiều biện pháp Đại học Lâm nghiệp đề ra để "tiếp thị" các chương trình đào tạo, bài giảng cũng như niềm tin, khao khát học tập đến học sinh THPT. PGS.TS Phạm Minh Toại bày tỏ, trường đã thực hiện ký kết hợp tác với một số trường THPT trên địa bàn Hà Nội, đồng thời mời các học sinh ở vùng trọng điểm tuyển sinh của Đại học Lâm nghiệp đến trường để giới thiệu ngành nghề, cơ sở vật chất, cơ hội việc làm khi ra trường.

Cùng với đó là chế độ học bổng ưu đãi. Từ năm 2020 đến nay, Đại học Lâm nghiệp cam kết hỗ trợ học phí với tân sinh viên đạt điểm tuyển sinh từ 21 điểm. Nếu đạt 24 điểm trở lên, sinh viên còn được hỗ trợ cả chi phí ký túc xá, giáo trình. 

Về đầu ra, Đại học Lâm nghiệp đã ký kết toàn diện với Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor) trong các hoạt động xúc tiến tuyển sinh, hỗ trợ nghiên cứu khoa học, tổ chức hội chợ việc làm. Theo đó, sinh viên ra trường thuộc các ngành như lâm nghiệp, chế biến, quản lý tài nguyên rừng và môi trường được "bao tiêu" gần như toàn bộ đầu ra.

"Song song với đầu tư bài bản phòng thí nghiệm, thư viện, giảng đường, các thiết bị học phụ trợ, Đại học Lâm nghiệp coi chất lượng nguồn nhân lực là vấn đề sống còn, mang tính quyết định đến sự phát triển của nhà trường", ông Toại nhấn mạnh.

PGS.TS Phạm Minh Toại, Phó Hiệu trưởng Đại học Lâm nghiệp.

PGS.TS Phạm Minh Toại, Phó Hiệu trưởng Đại học Lâm nghiệp.

Phó Hiệu trưởng Phạm Minh Toại cho biết, một số ngành thuộc khối kỹ thuật, đặc biệt là thuộc nhóm nông, lâm nghiệp thủy sản thời gian qua khó tuyển sinh. Một phần bởi quan điểm học những ngành này vất vả và ít có cơ hội tìm việc tại đô thị lớn.

Để thay đổi quan điểm chung của xã hội, nhất là những người trẻ, Đại học Lâm nghiệp định hướng liên kết doanh nghiệp, coi đây là đối tác quan trọng để cùng chung tay xây dựng chương trình đào tạo, thường xuyên có những cập nhật để phù hợp với đòi hỏi thực tiễn. 

Động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội

Theo báo cáo năm 2020 của Ngân hàng Thế giới về vốn nhân lực, chỉ số vốn nhân lực của Việt Nam đứng thứ 38/174 nền kinh tế. Trong đó, tiêu chí về kết quả giáo dục của Việt Nam hiện đứng thứ 15, tương đương các nước như Hà Lan, New Zealand, Thụy Điển... Ngoài ra, Việt Nam có 4 trường đại học nằm trong tốp 1.000 thế giới; 11 trường đại học nằm trong tốp các trường đại học hàng đầu châu Á; nhiều ngành, lĩnh vực đào tạo được đứng trong tốp 500 thế giới.

Những thống kê này rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, nhìn sâu vào bản chất, các ngành phát triển chưa thật bền vững, nguồn nhân lực cho một số ngành thiếu trầm trọng, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao.

"Sinh viên tốt nghiệp đại học ngày nay không những phải có kiến thức và trình độ chuyên môn giỏi mà còn phải có kỹ năng cần thiết để không bị thay thế bởi rô bốt và trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là kỹ năng sáng tạo, hợp tác, tư duy phản biện", GS.TS Trần Văn Chứ, Hiệu trường Đại học Lâm nghiệp đánh giá.

Trong quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, tỷ lệ nhân lực qua đào tạo khối ngành nông-lâm-ngư nghiệp tăng từ mức 15,5% năm 2010 lên khoảng 50% vào năm 2020. Nhưng tại thời điểm 2020, nguồn nhân lực khối ngành này thiếu khoảng 3,2 triệu lao động qua đào tạo, nhất là lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao.

Nhận xét "phát triển tốt nguồn nhân lực sẽ tạo ra lợi thế quốc gia", ông Chứ lấy ví dụ về hai quốc gia Singapore và Mỹ. Cụ thể, từ một nước kém phát triển, Singapore vươn lên trở thành quốc gia công nghiệp hàng đầu, trong khi Mỹ liên tục tăng cường được địa vị kinh tế - chính trị - xã hội trên trường quốc tế.

"Nhân lực chất lượng cao đã và đang là yếu tố sống còn, có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước. Chúng ta cần hành động sớm, hành động ngay để giải quyết điểm nghẽn này", GS.TS Trần Văn Chứ bày tỏ.

Sinh viên Đại học Lâm nghiệp tích cực trong hoạt động nghiên cứu khoa học.

Sinh viên Đại học Lâm nghiệp tích cực trong hoạt động nghiên cứu khoa học.

Giải quyết bài toán nguồn nhân lực cần thời gian và sự vào cuộc đồng bộ từ các bên. Theo Hiệu trưởng Đại học Lâm nghiệp, hai nút thắt cần phải "cởi bỏ" càng nhanh càng tốt.

Thứ nhất, cần có chính sách và chương trình đầu tư thỏa dáng cho đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho nông nghiệp, coi đây là sự đầu tư đào tạo nhân lực cho những ngành mà nhà nước rất cần nhưng khó tuyển sinh.

Thứ hai, cần tuyên truyền, xây dựng văn hóa cho cộng đồng là phát triển nguồn nhân lực là nhu cầu tất yếu của thị trường lao động trên toàn thế giới. 

"Nhà trường và doanh nghiệp sử dụng lao động phải thực sự đồng hành với nhau vì sự phát triển chung. Việc kết nối nhà trường - doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở việc cấp học bổng hay tạo cơ hội thực tập cho sinh viên tốt nghiệp, mà còn phải ở nhiều phương diện khác, đa dạng hơn. Có như vậy, mối gắn kết mới đi vào thực chất, hiệu quả", ông Chứ kết luận. 

Tại Đại học Lâm nghiệp, phương pháp giáo dục đang dần được đổi mới, cả về hệ thống kiến thức lẫn phương pháp đào tạo, nhằm thích nghi với tình hình hội nhập trên thế giới. Trên cơ sở lấy người học làm trung tâm, nhà trường tăng cường giảng dạy các ngành nghề được nhiều học sinh, sinh viên quan tâm như kỹ thuật số, công nghệ thông tin, năng lượng, vật liệu mới, công nghệ sinh học... để giúp người học làm chủ khi cuộc cách mạng số hóa bùng nổ như hiện nay.

Đại học Lâm nghiệp hiện mở rộng quan hệ hợp tác với trên 100 trường đại học, cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu và các tổ chức quốc tế ở nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Đức, Thụy Điển, Thụy Sỹ, Nga, Phần Lan, Hà Lan, Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, Canada... Những tổ chức quốc tế như GTZ/GIZ, JICA, FAO, UNDP, IUCN, WB, WWF, ITTO, InWent, ICRAF thường xuyên liên hệ, trao đổi thông tin với nhà trường về nhiều khía cạnh liên quan tới đào tạo nguồn nhân lực.

Theo thống kê, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm của Đại học Lâm nghiệp sau 1 năm là 98%. Để đạt được, nhà trường tổ chức ngày hội việc làm thường niên, kết nối sinh viên với hàng trăm doanh nghiệp trên cả nước.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.