| Hotline: 0983.970.780

Khôi phục, cân bằng ‘sức khỏe đất' thực sự cấp bách

Thứ Tư 24/03/2021 , 08:40 (GMT+7)

Do thời gian dài không được quan tâm, thậm chí lãng quên, hiện đất canh tác nông nghiệp tại nhiều vùng của nước ta đã bị suy thoái trầm trọng.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh làm việc với các chuyên gia, nhà khoa học về thực trạng 'sức khỏe' đất trồng tại Việt Nam. Ảnh: Nguyên Huân.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh làm việc với các chuyên gia, nhà khoa học về thực trạng 'sức khỏe' đất trồng tại Việt Nam. Ảnh: Nguyên Huân.

Bệnh trên cây trồng từ đất mà ra

Thời gian gần đây, các chuyên gia thuộc Bộ NN-PTNT liên tục có những cuộc trao đổi, kiến nghị, thảo luận chuyên sâu về vấn đề thổ nhưỡng, nông hóa bởi thực trạng đất đai trồng trọt tại Việt Nam đang ở mức báo động đỏ dưới con mắt các nhà khoa học.

PGS. TS Trần Minh Tiến, Viện trưởng Viện Thổ nhưỡng Nông hóa (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) chia sẻ, quan điểm của Viện Thổ nhưỡng nông hóa tiếp cận vấn đề suy thoái đất tại Việt Nam dưới góc độ tăng cường sử dụng hữu phân bón hữu cơ và khắc phục giảm độ chua của đất.

Theo PGS.TS Trần Minh Tiến, thực tế hiện chỉ có các nhà khoa học mới quan tâm, lo lắng về ‘sức khỏe đất’ còn phần lớn người dân, doanh nghiệp chưa đánh giá hết được tầm quan trọng của vấn đề, bởi hiện chỉ cây có múi và hồ tiêu đang thực sự gặp họa từ đất, các loại cây trồng khác vẫn sinh trưởng, phát triển bình thường.

Các nhà khoa học tại Viện Thổ nhưỡng Nông hóa cho rằng, cần phải coi đất như một cơ thể sống để từ đó có cách tiếp cận sử dụng phân bón và canh tác hợp lí. Vì vậy, cái mà doanh nghiệp, người dân cần nhất hiện nay là một bác sĩ kê đơn “phân bón” cho từng loại đất, từng loại cây trồng để mang lại hiệu quả canh tác tốt nhất.

Thực tế, hàng năm Việt Nam vẫn có những đề, dự án khảo sát, phân tích, đánh giá, nghiên cứu đất đai, thổ nhưỡng tại một số vùng sinh thái, nhưng chủ yếu trên quy mô phòng thí nghiệm hoặc diện hẹp nên sai số trên thực địa rất lớn.

Thời gian qua cũng có một số doanh nghiệp sản xuất phân bón bắt đầu quan tâm nghiên cứu thổ nhưỡng để cho ra đời các công thức phân bón phù hợp, song vẫn còn manh mún, chưa được bài bản, khoa học và mang tính hệ thống.

Theo PGS.TS Vũ Năng Dũng, Chủ tịch Hội Khoa học đất Việt Nam, mọi loại bệnh trên cây trồng hiện nay chủ yếu đều từ đất mà ra. Với thực trạng đất đai suy thoái như hiện nay, đặc biệt là đất đai tại khu vực Tây Nguyên, PGS. TS Vũ Năng Dũng nhấn mạnh, cần phải có chiến lược bổ sung hữu cơ, giảm dần sự phụ thuộc quá lớn vào phân vô cơ, khôi phục lại hệ vi sinh vật, cây che bóng, trồng cây làm phân xanh, để rừng chỏm trên đồi nhằm bảo vệ hệ sinh thái và bộ rễ cho cây trồng.

Đồng tình với quan điểm này, GS.TS Nguyễn Văn Bộ, nguyên Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ thêm, với một số loại bệnh trên cây hồ tiêu, cây có múi, đặc biệt là cây cam hiện nay, những người trong lĩnh vực bảo vệ thực vật cho rằng nguyên nhân gây bệnh là bởi tuyến trùng, bởi nấm, tuy nhiên các nhà khoa học trong lĩnh vực thổ nhưỡng, nông hóa lại chỉ ra nguyên nhân gây ra tuyến trùng hay nấm là do môi trường đất suy thoái mới gây ra những loại bệnh trên.

Theo GS.TS Bộ, cả hai nguyên nhân trên đều đúng cả, bởi tuyến trùng gây bệnh trên họ cà chỉ cần cho ngâp nước là xử lí được, nhưng với đất đồi dốc, đặc biệt như tại Tây Nguyên và miền Núi không xử lí được bằng cách ngâm nước.

Do đó, GS.TS Nguyễn Văn Bộ cho rằng, cần phải tính toán, cân đối lại việc sử dụng phân bón vô cơ và hữu cơ. Cách tiếp cận là tập trung phân tích hạn chế của đất để cho ra được tỷ lệ, công thức phân bón phù hợp. Đơn cử như việc đất đai bị chua, đặc biệt là đất Tây Nguyên ngộ độc lưu huỳnh là do suốt một thời gian dài bà con sử dụng sản phẩm phân NPK-S công thức 16-16-8-13.

Các chuyên gia Viện Thổ nhưỡng Nông hóa đang lấy mẫu đất phân tích. Ảnh: SFRI.

Các chuyên gia Viện Thổ nhưỡng Nông hóa đang lấy mẫu đất phân tích. Ảnh: SFRI.

Nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón

TS. Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật nhấn mạnh, hiện nay hiệu quả sử dụng phân bón tại Việt Nam đang còn rất thấp, theo thống kê chỉ đạt khoảng 50 - 60%. Nhưng để chỉ ra nguyên nhân và đưa ra giải pháp triệt để là rất khó. Ông Hoàng Trung hy vọng, thời gian tới các nhà khoa học trong và ngoài nước sẽ cùng chung tay hỗ trợ để nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng phân bón tại Việt Nam.

Cũng theo ông Hoàng Trung, chúng ta không nên tách biệt giữa phân bón vô cơ và phân bón hữu cơ và coi phân bón vô cơ như là tội đồ gây ra suy thoái đất hiện nay. Thay vào đó, cần tiếp cận theo hướng sử dụng cân bằng, hiệu quả, hợp lí và tiết kiệm hai loại phân bón này theo hướng bổ trợ cho nhau.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh lấy câu chuyện giá hồ tiêu đang có dấu hiệu tăng, sốt trở lại để cho thấy vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu, khuyến cáo đi trước một bước của các nhà khoa học và cơ quan quản lý.

Ngay từ lúc này, cần phải tăng cường khuyến cáo, hướng dẫn để bà con nông dân canh tác hồ tiêu theo phương pháp bền vững thay vì đổ phân, vãi phân trạt gốc như trước kia khiến đất đai bị suy kiệt, ngộ độc, tạo điều kiện cho các loại sâu bệnh hại, tuyến trùng sinh sôi.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho rằng, chúng ta không nên tách rời giữa đất và phân bón bởi đúng như các nhà khoa học chia sẻ, đất như một cơ thể sống nên cần có góc nhìn và tiếp cận khác.

Từ bài học của cây có múi, cây hồ tiêu đang bị thiệt hại nặng nề do suy thoái đất, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh yêu cầu phải tăng cường truyền thông, tăng cường nghiên cứu có lộ trình bài bản về ‘sức khỏe đất’ cho từng loại cây trồng, đồng đất, trong đó cần ưu tiên trước cho cây có múi, cây công nghiệp, cây ăn quả để từng bước khôi phục và trả lại sự trung tính cân bằng vốn có của đất trồng tại Việt Nam.

Theo các nhà khoa học Viện Khoa học Nông nghiệp việt Nam, nên có một hội thảo, diễn đàn để bà con nông dân, doanh nghiệp hỏi đáp về đất đai, thổ nhưỡng, phân bón và các khuyến cáo sử dụng từ nhà khoa học. Bên cạnh đó, cũng cần thống nhất chuyển đổi hệ thống, tên gọi và phân loại đất đai tại Việt Nam hiện nay theo tiêu chuẩn của FAO, bởi giữa miền Nam và miền Bắc đang có sự khác nhau về cách gọi và phân loại đất.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất