| Hotline: 0983.970.780

Khởi sắc sau 10 năm thực hiện Nghị quyết tam nông

Thứ Hai 27/08/2018 , 08:16 (GMT+7)

Nghị quyết số 26 – NQ/TW do Hội nghị lần thứ 7 BCH Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông thôn và nông dân được ban hành ngày 5/8/2008 vì vậy, đây còn được gọi là Nghị quyết tam nông.

Ngay sau khi Nghị quyết tam nông của Trung ương được ban hành, Tỉnh ủy Hà Giang đã ban hành và triển khai các chương trình hành động, nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết tam nông của Trung ương trên địa bàn Hà Giang.

05-50-39_co_gioi_ho_trong_khu_lm_dt_o_huyen_bc_qung_h_ging
Cơ giới hóa trong khâu làm đất

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết tam nông, trên địa bàn Hà Giang đã có nhiều khởi sắc trên các lĩnh vực về nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Theo đó, tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt từ 4,8 – 5,1%.

Trong năm 2017, tổng sản lượng lương thực cây có hạt cả năm của tỉnh đạt 397.832 tấn. Riêng trong vụ xuân 2018, tổng sản lượng cây có hạt của tỉnh đạt trên 134.160 tấn, năng suất lúa đạt bình quân 57 tạ/ha, năng suất ngô đạt gần 35 tạ/ha, trồng mới được 1.741 ha cỏ phục vụ chăn nuôi gia súc…

Qua 10 năm, tính đến tháng 6/2018, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản của Hà Giang chiếm 30,86% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, tỷ trọng chăn nuôi chiếm 28,4%; giá trị thu nhập trên diện tích đất canh tác đạt 43 triệu đồng/ha…

Ngoài ra, nhằm tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh Hà Giang đã đẩy mạnh chương trình cơ giới hóa trong nông nghiệp từ khâu làm đất, thu hoạch đến chế biến các sản phẩm nông, lâm nghiệp.

Đến thời điểm tháng 6/2018, toàn tỉnh có 65.783 máy nông nghiệp, trong đó khâu trồng trọt có 33.251 máy, khâu chăn nuôi có 32.532 máy (chủ yếu là các máy thái cỏ); tỷ lệ cơ giới hóa bình quân đạt 33,94% so với tổng diện tích đất canh tác của tỉnh.

Bên cạnh đó, Chương trình xây dựng NTM nhận được sự đồng thuận và hưởng ứng của các cấp, các ngành và đông đảo quần chúng nhân dân. Nhờ xây dựng NTM, tỉnh đã mở mới và bê tông hóa được hàng trăm km đường nông thôn; xây dựng, nâng cấp và sửa chữa được hàng trăm hệ thống kênh mương nội đồng; xây mới và nâng cấp được hàng chục hệ thống cấp nước sinh hoạt cho các vùng nông thôn.

05-50-39_nguoi_dn_x_trung_thnh_huyen_vi_xuyen_thm_gi_be_tong_ho_duong_gio_thong_nong_thon
Người dân tham gia bê tông hóa đường giao thông nông thôn

Riêng trong năm 2018, Chương trình nước sạch nông thôn đã đầu tư xây dựng 16 công trình cấp nước sinh hoạt cho các vùng nông thôn của 5 huyện Bắc Quang, Quang Bình, Quản Bạ, Yên Minh và Mèo Vạc; số hộ dân dự kiến được thụ hưởng nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh là 3.345 hộ; tổng kinh phí thực hiện là khoảng 44 tỷ đồng…

Giờ đây bộ mặt các vùng nông thôn của Hà Giang ngày càng khởi sắc, cuộc sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên. Tính đến thời điểm cuối năm 2017, toàn tỉnh Hà Giang đã có 23/195 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn NTM và trong năm 2018, tỉnh Hà Giang phấn đấu có thêm 9 xã về đích; mục tiêu đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 38/195 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn.

Do đặc thù là một tỉnh nghèo (Hà Giang có 6/11 huyện, TP diện huyện nghèo được thụ hưởng các chính sách theo Nghị quyết 30a của Chính phủ) nên Chương trình giảm nghèo bền vững luôn được tỉnh quan tâm bằng nhiều cơ chế, chính sách. Trong 10 năm qua, toàn tỉnh đã giảm 71.795 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo của toàn tỉnh đến cuối năm 2017 xuống còn 34,18%.

10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết tam nông, bằng những kết quả cụ thể trên các lĩnh vực về nông nghiệp, nông thôn và nông dân trên địa bàn Hà Giang, chính là nền tảng quan trọng để tỉnh cực Bắc của Tổ quốc tiếp tục công tác xóa đói, giảm nghèo và xây dựng thành công NTM.

 

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Gạo ST25 được phân hạng tiềm năng OCOP 5 sao

Sóc Trăng Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Sóc Trăng vừa tổ chức chấm điểm, phân hạng OCOP 5 sao đối với sản phẩm Gạo thơm ST25 của huyện Trần Đề.