| Hotline: 0983.970.780

Khởi tố hiệu trưởng trường mẫu giáo về hành vi tham ô tài sản

Thứ Bảy 19/10/2024 , 18:08 (GMT+7)

Bạc Liêu Công an huyện Đông Hải vừa có quyết định khởi tố Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Sao Biển về hành vi 'Tham ô tài sản'.

Trường Mẫu giáo Sao Biển. Ảnh: Trọng Linh.

Trường Mẫu giáo Sao Biển. Ảnh: Trọng Linh.

Sáng 19/10, thông tin từ Cơ quan CSĐT Công an huyện Đông Hải (Bạc Liêu) cho biết, đã có quyết định khởi tố bị can đối với Lê Kim Huê, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Sao Biển (thị trấn Gành Hào) để điều tra, làm rõ về hành vi tham ô tài sản.

Qua kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm, Cơ quan CSĐT Công an huyện Đông Hải xác định, bà Huê đã có hành vi "chiếm giữ, sử dụng cá nhân tiền tài trợ của Công ty Nutifood Bình Dương chuyển qua tài khoản cá nhân cho bà Huê của Trường Mẫu giáo Sao Biển".

Theo điều tra ban đầu, Cơ quan CSĐT Công an huyện Đông Hải nhận được kiến nghị khởi tố với nội dung: Một số đơn vị, cá nhân có hợp đồng hoặc thỏa thuận cung cấp hàng hóa, dịch vụ, xây dựng công trình với Trường Mẫu giáo Sao Biển và chuyển vào tài khoản cá nhân của bà Huê hơn 300 triệu đồng.

Số tiền này bà Huê không báo cáo tập thể và không công khai minh bạch. Trong đó, Công ty Nutifood Bình Dương chuyển khoản cá nhân số tiền hơn 226 triệu đồng và các cá nhân khác chuyển khoản số tiền gần 78 triệu đồng.

Liên quan vụ việc nêu trên, năm 2019, UBND huyện Đông Hải đã có kết luận thanh tra việc quản lý, sử dụng tài chính của Trường Mẫu giáo Sao Biển.

Kết luận thanh tra cho thấy, trong 4 năm học (2015 - 2016 đến 2018 - 2019), Trường Mẫu giáo Sao Biển thực hiện công tác quản lý, sử dụng nguồn ngoài ngân sách (các khoản thu đầu năm, nguồn phục vụ các lớp bán trú) chưa phù hợp với Luật Ngân sách, Luật Kế toán, quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế thực hiện bán trú của nhà trường.

Cụ thể, Hiệu trưởng nhà trường nhận tiền hoa hồng của nhà sách hơn 24 triệu đồng, nhưng không nhập quỹ cơ quan để quản lý, mà tự ý dùng số tiền này để chi cho một số cá nhân là chưa phù hợp.

Hiệu trưởng nhà trường báo cáo đã sử dụng số tiền chênh lệch học phẩm hơn 5,6 triệu đồng để mua đồ trang trí cấp phát thêm các lớp, nhưng không có chứng cứ chứng minh đã mua gì, số lượng bao nhiêu. Nhà trường còn tự tạo lập hóa đơn bán lẻ và tự ký của người cung cấp hàng để thanh toán tiền mua đồ dùng vệ sinh, đồ dùng bán trú số tiền hơn 43 triệu đồng là chưa phù hợp.

Thanh tra cũng phát hiện, nhà trường tự ý thay thế sản phẩm sữa tươi thành sữa bột là sai với quyết định của Thủ tướng và quyết định của Bộ Y tế. Đồng thời, thanh toán tiền sữa học đường, sữa chua... với số tiền hơn 388 triệu đồng, nhưng hóa đơn không phải do nhà phân phối cung cấp.

Chi bồi dưỡng công làm sữa chua cho Ban Giám hiệu nhà trường, nhân viên nhà trường số tiền hơn 100 triệu đồng sai quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị, và biên bản họp đầu năm với cha mẹ học sinh.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.