| Hotline: 0983.970.780

Không chạy theo hình thức

Thứ Năm 28/10/2010 , 12:01 (GMT+7)

Sau khi TP Cần Thơ thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình xây dựng NTM, việc đầu tiên là chúng tôi bắt tay vào xây dựng kế hoạch. Muốn xây dựng kế hoạch phải tiến hành điều tra khảo sát theo 19 tiêu chí qui định về xã đạt chuẩn xây dựng NTM, trong đó phân loại xem có bao nhiêu xã, phường chưa đạt; chọn xã, phường điểm bắt tay xây dựng trong thời gian ngắn hạn.

TP Cần Thơ sẽ thực hiện thí điểm xây dựng xã NTM trên nền từ những xã, phường đạt chuẩn văn hóa. Hướng hoạt động tiếp theo là tiến hành lập qui hoạch xã, TP Cần Thơ sẽ phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ chọn những sinh viên chuyên ngành xây dựng, nông nghiệp, nông thôn và mời các chuyên gia từ viện qui hoạch nông thôn hướng dẫn, tập huấn. Sau đó lực lượng này sẽ tỏa xuống các địa bàn làm nòng cốt cùng địa phương tổ chức, vận động nhân dân chung tay xây dựng NTM.

Do đặc thù, TP Cần Thơ còn một vài phường thuộc quận nhưng vẫn còn đất sản xuất nông nghiệp và mang dáng dấp nông thôn nên thành phố vẫn có hướng xây dựng cho những phường theo tiêu chí NTM. Theo Chương trình xây dựng NTM của Chính phủ từ năm 2010 đến 2020 sẽ có 50% xã đạt chuẩn NTM. Nhưng với TP Cần Thơ phấn đấu đến năm 2015 sẽ đạt chỉ tiêu trên.

Các huyện ngoại thành còn nhiều vùng nông thôn đời sống người dân sinh sống chủ yếu bằng ruộng vườn, muốn xây dựng NTM bền vững, an ninh trật tự địa phương đảm bảo. Lớp thanh niên trẻ trong độ tuổi lao động cần phải đào tạo nghề, tạo việc làm. Thu nhập người dân được nâng cao thì xây dựng NTM mới thành công. Tuy nhiên cái khó hiện nay là thường rơi vào những vùng nông thôn xa, trình độ học vấn thanh niên trong độ tuổi lao động thấp nên khó đào tạo vào những lớp học nghề kỹ thuật cao.

 Bên cạnh đó đào tạo nghề theo địa chỉ, gắn kết với với tạo việc làm; phải hướng theo cách làm này với những chương trình dạy nghề theo từng bước đi cụ thể mới xóa được trở ngại trong chuyển dịch lao động nông thôn. Nghĩa là phải tạo chuyển biến có thực chất, không chạy theo hình thức, phải xem xét thực chất xã nào có thể xây dựng sớm trở thành xã NTM để tập trung nguồn lực tạo điều kiện dứt điểm thành công từng xã.

TP Cần Thơ vừa thành lập Ban chỉ đạo thực hiện chương trình xây dựng NTM. Ban chỉ đạo sẽ có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch 5 năm và hàng năm về mục tiêu, nhiệm vụ, các giải pháp và nhu cầu kinh phí thực hiện chương trình; đồng thời hướng dẫn UBND các huyện, xã lập đề án xây dựng NTM; tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm, các khóa bồi dưỡng ngắn hạn cho lãnh đạo và các cán bộ chuyên môn cơ quan, đơn vị quận, huyện, xã, phường, thị trấn

Qua kinh nghiệm nhiều năm trong việc xây dựng phát triển nông nghiệp, nông thôn ở những xã có nhiều nông dân lấy sản xuất nông nghiệp làm nguồn thu chính, có thể nói rằng nếu tất cả những chương trình thực hiện trên địa bàn nông thôn mà trông cậy vào việc dùng tiền Nhà nước hết thì khó có thể nhân rộng ra được. Cần thấy rằng vai trò Nhà nước chỉ xây dựng đáp ứng những điều kiện cơ sở hạ tầng thiết yếu, còn những đầu tư có tính chất đáp ứng phát triển kinh tế xã hội khác phải kêu gọi cộng đồng tham gia.

Nếu trong điều kiện xã nào còn khó khăn, dân còn nghèo quá thì không nên nóng vội mà cần kế hoạch đi từng bước, chậm hơn so với những xã có nhiều điều kiện. Còn nếu nói xã nông thôn muốn đổi đất để sớm xây dựng hạ tầng thì tôi cho rằng không khả thi. Vùng nông thôn không như đô thị, hiếm có nhà đầu tư nào về vùng nông thôn sâu. Chính phủ triển khai chương trình có lường trước, phương châm vận dụng nội lực tại chỗ là chính. Các cơ quan, ngành chuyên môn sẽ tham gia tư vấn phát huy những điều kiện cụ thể từng địa phương để khơi dậy tiềm năng.

Song cần thấy rằng sự phối hợp các chương trình với nhau là điều kiện cơ bản thúc đẩy xã, phường hoàn thành các chỉ tiêu khác trong chủ trương xây dựng NTM.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Hà Nội có hơn 2.700 sản phẩm OCOP, nhiều nhất cả nước

Tính đến tháng 4/2024, 63 tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP, trong đó Hà Nội có 2.711 sản phẩm, chiếm số lượng nhiều nhất.