| Hotline: 0983.970.780

Kiện toàn đoàn kiểm tra liên ngành phòng, chống dịch bệnh vật nuôi

Thứ Ba 12/12/2023 , 14:39 (GMT+7)

UBND TP.HCM thành lập và kiện toàn 3 đoàn kiểm tra liên ngành phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn.

Lực lượng chuyên ngành kiểm tra phương tiện vận chuyển động vật tại các tuyến đường cửa ngõ vào TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Lực lượng chuyên ngành kiểm tra phương tiện vận chuyển động vật tại các tuyến đường cửa ngõ vào TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Diễn biến dịch bệnh động vật trong cả nước và các tỉnh thành xung quanh TP.HCM vẫn còn phức tạp, nhất là vẫn còn tình trạng nhập lậu động vật, sản phẩm động vật tại các tỉnh thành. Nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố, UBND TP.HCM đã ban hành quyết định kiện toàn 3 đoàn kiểm tra liên ngành (số 1, 2, 3) phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố.

Theo đó, đoàn kiểm tra liên ngành số 1 gồm 8 thành viên, do ông Lê Việt Bảo, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM làm trưởng đoàn. Đoàn sẽ tổ chức tuần tra lưu động kết hợp kiểm soát tại 1 điểm ở khu vực Tây Bắc thành phố, giáp ranh các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Long An trên các tuyến quốc lộ 1A, quốc lộ 22, tỉnh lộ 8.

Đoàn kiểm tra liên ngành số 2 gồm 9 thành viên do bà Lê Đình Hà Thanh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM làm trưởng đoàn. Đoàn sẽ tổ chức tuần tra lưu động kết hợp kiểm soát tại 1 điểm ở khu vực Đông Bắc thành phố, giáp ranh các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương trên các tuyến xa lộ Hà Nội, Võ Chí Công, phà Cát Lái, quốc lộ 1A, quốc lộ 1K, quốc lộ 13.

Hơn 560 con gia cầm vận chuyển từ Hưng Yên về TP.HCM tiêu thụ không có giấy chứng nhận kiểm dịch bị phát hiện.

Hơn 560 con gia cầm vận chuyển từ Hưng Yên về TP.HCM tiêu thụ không có giấy chứng nhận kiểm dịch bị phát hiện.

Đoàn kiểm tra liên ngành số 3 gồm 10 thành viên, do ông Nguyễn Hữu Thiết, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM làm trưởng đoàn. Đoàn sẽ tổ chức tuần tra lưu động kết hợp kiểm soát tại 1 điểm ở khu vực Tây Nam thành phố, giáp ranh các tỉnh miền Tây Nam Bộ trên các tuyến quốc lộ 1A, quốc lộ 50, tỉnh lộ 10, các tuyến đường dẫn ra vào cao tốc Trung Lương.

Các đoàn kiểm tra liên ngành số 1, 2, 3 sẽ phối hợp với các trạm kiểm dịch đầu mối giao thông, các đội kiểm tra liên ngành phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm của quận - huyện để thực hiện nhiệm vụ kiểm tra hoạt động vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật, giống thủy sản. Đồng thời, có trách nhiệm hỗ trợ lực lượng cho các đoàn kiểm tra khác khi có yêu cầu.

Đoàn kiểm tra liên ngành số 1, 2, 3 được quyền dừng các phương tiện vận chuyển để kiểm tra việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, giống thủy sản; được quyền sử dụng đèn ưu tiên cho các phương tiện tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.

Tùy tình hình thực tế, lãnh đạo các đoàn kiểm tra liên ngành chủ động phân công nhân sự tham gia đảm bảo hoạt động phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn phụ trách.

Trường hợp phát hiện vi phạm trong vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật, đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành đưa tang vật, phương tiện vi phạm đến trụ sở thuộc một trong các lực lượng tham gia, thực hiện xử lý vi phạm theo quy định. Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM chủ trì thiết lập hồ sơ vi phạm và Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn xảy ra vi phạm có trách nhiệm phối hợp trong xử lý.

Trường hợp phát hiện vi phạm trong vận chuyển các hàng hóa khác (hàng gian, hàng giả, hàng cấm…) do lực lượng Quản lý thị trường chủ trì tiến hành lập hồ sơ xử lý vi phạm theo quy định.

Các lực lượng tham gia đoàn kiểm tra liên ngành số 1 có trách nhiệm hỗ trợ cho đến khi xử lý xong vi phạm hoặc đưa tang vật, phương tiện vi phạm đến nơi thực hiện kiểm dịch lại hoặc đưa tang vật, phương tiện vi phạm đến kho, bãi để tạm giữ hàng hóa, phương tiện vi phạm theo quy định.

Song song với việc kiểm soát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn, Sở NN-PTNT TP.HCM cũng ký kết chương trình hợp tác phát triển nông nghiệp, nông thôn với các tỉnh có nguồn cung sản phẩm nông nghiệp vào thành phố. Trên cơ sở đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM cũng thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật với các tỉnh, thành nhằm chủ động giám sát tình hình chăn nuôi và dịch bệnh động vật.

Xem thêm
Chăn nuôi Bắc Kạn vượt khó: [Bài 1] Cứu cánh từ đàn đại gia súc

Trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi hoành hành gây thiệt hại lớn, chăn nuôi đại gia súc trở thành cứu cánh của nhiều người dân, hợp tác xã ở tỉnh Bắc Kạn.

Cay đắng vì mua nhầm giống cúc mâm xôi lạ, chậm trổ bông

Bến Tre Hiện tượng cúc mâm xôi chậm phân cành, chậm phân hóa mầm hoa xảy ra với 70 hộ, số lượng khoảng 149.000 chậu, chiếm khoảng 10% tổng lượng cúc mâm xôi của huyện Chợ Lách.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.