Đây là nội dung được quy định khá chi tiết, cụ thể trong Điều 317 Bộ Luật hình sự (sửa đổi) vừa được Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII biểu quyết thông qua sáng 27/11/2015. Bộ Luật hình sự (sửa đổi) gồm 26 Chương 426 Điều có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2016.
Niêm phong sản phẩm TĂCN có chứa chất cấm Vàng – Ô và Sabutamol tại Cty Trường Phú
Còn nhớ trong phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội về tình hình phát triển KT – XH năm 2015, phương hướng năm 2016 và phiên chất vấn, trả lời chất vấn, nhiều ĐBQH đã lên tiếng rất mạnh mẽ, gay gắt về tình trạng vi phạm VSATTP, nhất là việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của con người, vật nuôi và cây trồng.
ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) ví von rằng, chưa bao giờ mà con đường từ dạ dày đến nghĩa địa gần và dễ dàng đến thế. Còn ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) đề nghị phải xem việc chống sử dụng chất cấm trong thực phẩm như cuộc chiến chống ma túy. Đồng chí Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, VSATTP còn là đạo đức dân tộc. Vì thế không thể bỏ qua cho những vi phạm ảnh hưởng đến sinh mệnh của con người được.
Điều này cho thấy, vấn đề VSATTP luôn là mối lo của toàn xã hội và của mỗi con người. Cho nên, Phó Thủ tướng trăn trở, ĐBQH bức xúc và vị tư lệnh ngành nông nghiệp PTNT, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã nhiều lần bấm nút đăng đàn đề nghị Quốc hội khi chỉnh sửa, hoàn thiện dự án Bộ Luật hình sự (sửa đổi) thông qua tại kỳ họp này cần chỉnh sửa Điều 155 và Điều 244 để đủ sức răn đe tội vi phạm VSATTP.
Cụ thể tại Điều 155 về sử dụng chất cấm chưa có nội dung chất cấm dùng trong chăn nuôi. Còn tại Điều 244, nói rằng, nếu buôn bán thực phẩm độc hại, gây thiệt hại tính mạng hoặc sức khỏe nghiêm trọng mới xử lý. Tức là phải lăn ra chết mới xử lý. Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, ăn thực phẩm ít khi nào bị thế nên điều đó không xử lý được.
Niêm phong sản phẩm TĂCN có chứa chất cấm Vàng – Ô và Sabutamol tại Cty Trường Phú
Trước những mối lo lắng xác đáng này, Ban soạn thảo dự án Bộ Luật hình sự (sửa đổi) và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu nghiêm túc và chỉnh sửa, bổ sung lại các Điều khoản trên theo hướng tăng mức phạt hành chính. Đặc biệt sẽ truy tố trách nhiệm hình sự đối với người sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm hoặc bán, cung cấp thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm (Điều 317 tội vi phạm quy định về vệ sinh ATTP của Bộ Luật hình sự (sửa đổi). Dự Luật đã nhận được đa số phiếu tán thành, chiếm 87,04% tổng số ĐBQH biểu quyết thông qua.
Xin nhắc lại, trong Bộ Luật hình sự (hiện hành) thì Điều 244 được thể hiện như sau: Người nào chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm tiêu chuẩn VSAT gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người tiêu dùng thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. (Nghĩa là phải gây thiệt hại cho tính mạng thì mới bị phạt tù).
Lần này, trong Bộ Luật hình sự (sửa đổi), tại Điều 317 đã quy định rất chi tiết, cụ thể ở 5 khoản bằng 18 tiết để làm căn cứ truy tố cho từng hành vi phạm tội. Cụ thể, Điều 317 tội vi phạm quy định về VSATTP, thể hiện như sau:
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây vi phạm các quy định về ATTP, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm hoặc bán, cung cấp thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm;
b) Sử dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc BVTV cấm sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối, sơ chế, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và muối tạo ra dư lượng vượt ngưỡng cho phép trong sản phẩm.
c) Sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc BVTV, chất xử lý cải tạo môi trường ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc không đúng quy định trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối tạo ra dư lượng vượt ngưỡng cho phép trong sản phẩm hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi tại điểm này hoặc điểm a khoản này mà còn vi phạm;
d) Chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về ATTP; sử dụng hóa chất, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm: gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31 % đến 60 % hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù 03 năm đến 07 năm:
a) Phạm tội có tổ chức;
b) Làm chết 01 người hoặc gây tổn hại sức khỏe cho 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể mỗi người từ 31% đến 60%;
d) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này là 61% đến 121%.
đ) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
e) Phạm tội 02 lần trở lên;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này là 122% đến 200%;
d) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
d) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Vấn đề quan trọng lúc này, khi Luật đi vào cuộc sống, có hiệu lực thi hành thì tất cả mọi người đều phải chấp hành nghiêm minh, hạn chế đến mức tối đa các sai phạm và kiên quyết trừng trị đến nơi đến chốn tổ chức, cá nhân vi phạm, làm phương hại đến môi trường và sức khỏe con người để chúng ta có cuộc sống lành mạnh, hạnh phúc.
87,04% ĐBQH bấm nút biểu quyết tán thành thông qua Bộ Luật hình sự (sửa đổi)
Với việc sửa Điều 244 trong Bộ Luật hình sự (hiện hành) bằng Điều 317 tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm ở Bộ hình sự (sửa đổi) cho thấy một bước tiến trong xây dựng, ban hành Luật của Quốc hội. Việc này thể hiện rõ ở chỗ, Luật đã tiếp cận được những vấn đề đã, đang và sẽ diễn ra trong thực tế cuộc sống với những quy định chi tiết, mạch lạc bằng các mức phạt hành chính tăng lên và việc truy tố hình sự được thể hiện rõ ràng đầy tính răn đe. Điều đó còn cho thấy, công tác lập pháp đã thực sự lắng nghe đầy đủ tâm tư nguyện vọng chính đáng của nhân dân, tiếp thu các đề xuất kiến nghị thấu đáo của ĐBQH và của những người có trách nhiệm trong bộ máy Nhà nước. |