| Hotline: 0983.970.780

Không chủ quan với bệnh dại

Chủ Nhật 17/12/2023 , 07:57 (GMT+7)

Từ đầu năm đến nay, Bình Phước ghi nhận 6 trường hợp tử vong do bệnh dại, nguyên nhân được chỉ ra do hầu hết đều chủ quan không tiêm phòng.

Nạn thả chó chạy rông còn khá phổ biến tại Bình Phước. Ảnh: Thanh Sơn.

Nạn thả chó chạy rông còn khá phổ biến tại Bình Phước. Ảnh: Thanh Sơn.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Phước, từ đầu năm đến nay, Bình Phước xuất hiện 5 ổ dịch bệnh dại trên đàn chó, mèo tại 5 xã thuộc 5 đơn vị hành chính cấp huyện. Toàn tỉnh có hơn 1.000 người bị chó, mèo cắn phải đến các cơ sở y tế điều trị dự phòng, trong đó 6 người đã tử vong do bị chó dại cắn, ngành chức năng đã tiêu hủy 11 con chó dại.

Nguyên nhân chỉ ra là do nhiều gia đình trên địa bàn tỉnh Bình Phước có thói quen thả rông chó, mèo và chưa tiêm vacxin phòng dại. Ngoài ra, toàn tỉnh duy nhất huyện Đồng Phú triển khai lập sổ theo dõi đàn chó, mèo trên địa bàn huyện để quản lý.

Còn lại, ở các nơi trong tỉnh, hầu hết nhân dân chưa chủ động thực hiện đăng ký, khai báo nuôi chó, mèo với chính quyền cấp xã, trong khi nhận thức của người dân về công tác phòng dại còn hạn chế.

Tình trạng nuôi chó thả rông, không nhốt, xích còn phổ biến. Do đó, việc rà soát, thống kê đàn chó, mèo thực hiện lồng ghép với việc triển khai tiêm phòng bệnh dại chưa đồng bộ, khoa học.

Đối với các trường hợp tử vong do bệnh dại đều do chủ quan. Tại thời điểm bị cắn thấy chó bình thường nên không đi tiêm phòng. Một số người dùng thuốc nam để điều trị khi bị chó cắn. Bên cạnh đó, một số trường hợp không có tiền đi tiêm phòng hoặc trẻ em bị chó cắn không nói với gia đình dẫn đến hậu quả đau lòng.

Lực lượng cán bộ thú y tỉnh Bình Phước phối hợp UBND cấp huyện tổ chức tiêm phòng vacxin đàn vật nuôi. Ảnh: Thanh Sơn.

Lực lượng cán bộ thú y tỉnh Bình Phước phối hợp UBND cấp huyện tổ chức tiêm phòng vacxin đàn vật nuôi. Ảnh: Thanh Sơn.

Trước diễn biến phức tạp của bệnh dại, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bình Phước đã phối hợp UBND cấp huyện tổ chức tiêm phòng vacxin đợt 1 trong tháng 5 và 6, các tháng còn lại tổ chức tiêm phòng vacxin bổ sung, phát sinh mới. Đến nay, đã tiêm phòng vacxin bệnh dại cho 34.761 con chó (tỷ lệ tiêm phòng đạt khoảng 36%), trong đó, tiêm miễn phí cho đàn chó nuôi tại các hộ đồng bào dân tộc thiểu số với 31.502 liều, còn lại các hộ nuôi chó phải tự chi trả phí vacxin, tiền công tiêm.

“Để hạn chế bệnh dại, thời gian tới, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Phước sẽ tiếp tục rà soát, thống kê đàn chó, mèo và tổ chức tiêm phòng bệnh dại; triển khai lực lượng bắt chó thả rông, chó không đeo rọ mõm, xử lý theo quy định. Đồng thời tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức người dân trong việc chủ động tiêm phòng cho chó, mèo tại các cơ sở thú y tư nhân”, ông Lê Ngọc Văn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bình Phước cho biết thêm.

Lực lượng cán bộ thú y tỉnh Bình Phước phối hợp UBND cấp huyện tổ chức tiêm phòng vacxin đàn vật nuôi. Ảnh: Thanh Sơn.

Lực lượng cán bộ thú y tỉnh Bình Phước phối hợp UBND cấp huyện tổ chức tiêm phòng vacxin đàn vật nuôi. Ảnh: Thanh Sơn.

Để kiểm soát bệnh dại, UBND đã ban hành kế hoạch tăng cường phòng chống bệnh dại giai đoạn 2022 - 2030.Theo đó, UBND tỉnh đã đặt ra mục tiêu cụ thể phòng chống bệnh dại ở động vật là quản lý được 70% số hộ nuôi chó, mèo và số chó, mèo nuôi trong giai đoạn 2022 - 2025, trên 90% trong giai đoạn 2026 - 2030.

Tiêm vacxin dại cho 70% tổng đàn chó, mèo nuôi trong giai đoạn 2022 - 2025 và 80% trong giai đoạn 2026 - 2030. Trên 70% số huyện, thị xã, thành phố giám sát được chó mèo mắc, nghi mắc bệnh dại trong giai đoạn 2022 - 2025 và trên 90% trong giai đoạn 2026 - 2030.

Đối với phòng chống bệnh dại ở người phải đạt 100% các huyện, thị xã, thành phố có điểm tiêm vacxin dại và huyết thanh kháng dại cho nguời; 100% các huyện, thị xã, thành phố thực hiện truyền thông nguy cơ và nâng cao nhận thức về bệnh dại ở cộng đồng, trường học, 100% số người tiêm vacxin phòng bệnh dại do động vật cắn được báo cáo qua hệ thống báo cáo quốc gia.

90% số người bị phơi nhiễm với bệnh dại được điều trị dự phòng sau phơi nhiễm; đến năm 2025 không còn huyện, thị xã, thành phố có nguy cơ cao về bệnh dại trên người và phấn đấu không còn người tử vong vì bệnh dại vào năm 2030.

UBND tỉnh yêu cầu Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Y tế xây dựng các kế hoạch phối hợp hành động để thực hiện; phối hợp với Sở Y tế và các sở, ngành liên quan, địa phương để chỉ đạo tổ chức thực hiện, bảo đảm đúng tiến độ và hiệu quả. Chủ trì rà soát, hoàn thiện các văn bản quy định, hướng dẫn về phòng chống bệnh dại; quy định cụ thể việc bắt, nhốt giữ, xử lý chó, mèo thả rông.

Nghiên cứu, xây dựng và tổ chức chức triển khai có hiệu quả chương trình, dự án ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác thú y, đặc biệt trong phòng chống dịch bệnh động vật và dịch bệnh dại. Xây dựng các tài liệu truyền thông về phòng chống bệnh dại, giám sát, xử lý ổ dịch, tập huấn và đào tạo.

Lực lượng cán bộ thú y tỉnh Bình Phước tuyên truyền vận động người dân ký cam kết không thả chó chạy rông. Ảnh: Thanh Sơn.

Lực lượng cán bộ thú y tỉnh Bình Phước tuyên truyền vận động người dân ký cam kết không thả chó chạy rông. Ảnh: Thanh Sơn.

Đối với các tổ chức, cá nhân nuôi chó, mèo phải thực hiện đăng ký việc nuôi chó, mèo; nuôi nhốt chó, mèo trong khuôn viên gia đình. Chó, mèo khi đưa ra khỏi nhà phải được xích, rọ mõm và có người dắt đề phòng cắn người. Đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường.

Tiêm vacxin phòng dại cho chó, mèo và phải thanh toán các khoản chi phí quản lý đàn chó, mèo, tiêm phòng theo quy định. Theo dõi vật nuôi, khi phát hiện có dấu hiệu bất thường phải nhốt con vật đó để theo dõi và báo cho nhân viên thú y cấp xã, UBND cấp xã hoặc cơ quan thú y nơi gần nhất. Không được vận chuyển hoặc bán động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh dại...

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bình Phước cũng yêu cầu tổ chức, cá nhân hành nghề khám, chữa bệnh chó, mèo phải thực hiện tiêm vacxin phòng bệnh dại, đánh dấu để nhận diện chó, mèo đã tiêm vacxin, cấp sổ tiêm phòng và định kỳ hàng tháng báo cáo tổng hợp số liệu tiêm phòng vacxin dại cho chó, mèo đến cơ quan thú y địa phương. Trong trường hợp khám và điều trị nếu phát hiện chó, mèo mắc, nghi mắc bệnh dại phải báo cáo ngay cho cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương để xử lý kịp thời.

Xem thêm
Nâng cao chất lượng đào tạo ngành chăn nuôi thú y: [Bài 2] Sinh viên ngồi ghế nhà trường đã khỏi lo đầu ra

Đào tạo ngành chăn nuôi và thú y là yếu tố quan trọng trong nền kinh tế nông nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững với nguồn nhân lực chất lượng.

Thủ phủ hoa cúc miền Trung sẵn sàng cho thị trường Tết

Quảng Ngãi Năm nay thời tiết không có mưa lũ lớn nên các vườn hoa phát triển tốt. Người dân kỳ vọng sắp tới thị trường, giá cả ổn định để có một cái Tết đầm ấm.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.