| Hotline: 0983.970.780

Không để các tổ khuyến nông cộng đồng 'tự bơi'

Thứ Ba 05/09/2023 , 22:54 (GMT+7)

CẦN THƠ Đó là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam đối với ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL tại tọa đàm Phát triển khuyến nông cộng đồng vùng ĐBSCL diễn ra ngày 5/9.

Tọa đàm Phát triển khuyến nông cộng đồng vùng ĐBSC là một trong những hoạt động hướng tới kỷ niệm 30 năm thành lập Trung tâm Khuyến nông Quốc gia. Ảnh: Kim Anh.

Tọa đàm Phát triển khuyến nông cộng đồng vùng ĐBSC là một trong những hoạt động hướng tới kỷ niệm 30 năm thành lập Trung tâm Khuyến nông Quốc gia. Ảnh: Kim Anh.

3.500 tổ khuyến nông cộng đồng đã ra đời

Ngày 25/3/2022, Bộ NN-PTNT đã ban hành Quyết định số 1094/QĐ-BNN-KN phê duyệt Đề án Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng. Quá trình tổ chức thực hiện, Đề án đã triển khai thành lập thí điểm 26 tổ khuyến nông cộng đồng tại 13 tỉnh, thành thuộc 5 vùng nguyên liệu: Cây ăn trái ở miền núi phía Bắc; gỗ rừng trồng chứng chỉ ở Duyên hải miền Trung; cà phê Tây Nguyên; lúa gạo ở vùng Tứ giác Long Xuyên và cây ăn trái ở Đồng Tháp Mười.

Trong đó, khu vực ĐBSCL có 5 tỉnh, thành tham gia Đề án gồm: Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang và Long An với 10 tổ khuyến nông cộng đồng và hiện đã mở rộng thêm 356 tổ.

Qua hơn 1 năm triển khai thí điểm đề án, trên cả nước đã mở rộng thêm 30 tỉnh, thành phố, thành lập được 3.500 tổ khuyến nông cộng đồng. Riêng tại khu vực ĐBSCL, một số địa phương nằm ngoài vùng thí điểm của Đề án nhưng đã củng cố và thành lập được các tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động hiệu quả ở hầu hết các xã xây dựng nông thôn mới.

Đến nay, cả nước đã thành lập được 3.500 tổ khuyến nông cộng đồng. Ảnh: Kim Anh.

Đến nay, cả nước đã thành lập được 3.500 tổ khuyến nông cộng đồng. Ảnh: Kim Anh.

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đánh giá, kết quả đến thời điểm hiện tại của Đề án là ngoài mong đợi. Mặc dù Đề án đang trong giai đoạn thí điểm nhưng các địa phương liên tục nhân rộng các tổ khuyến nông cộng đồng và hình thức hoạt động cũng trở nên đa dạng, có hiệu quả. Quan trọng nhất là kết nối cộng đồng tham gia vào hoạt động khuyến nông. Ông Thanh khẳng định, nhiều tổ khuyến nông cộng đồng đã kết nối được với các doanh nghiệp, xây dựng phát triển các HTX sản xuất, đặc biệt là hướng tới xây dựng vùng nguyên liệu bền vững.

Hiện Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đang tiếp tục xây dựng và đúc kết kinh nghiệm từ kết quả thực tế thí điểm Đề án thời gian qua để điều chỉnh và xây dựng các nguyên tắc cơ bản cho hoạt động khuyến nông cộng đồng.

Ông Thanh nhấn mạnh, tổ chức khuyến nông cộng đồng sẽ không có một mô hình mẫu, mà chỉ là những nguyên tắc cơ bản. Qua đó làm sao kêu gọi cộng đồng, bao gồm doanh nghiệp, tổ chức chính trị xã hội, nông dân giỏi, có kinh nghiệm để tham gia vào hoạt động khuyến nông.

Ông Lê Quốc Điền, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết: Tính đến cuối tháng 8/2023, toàn tỉnh Đồng Tháp có 89 tổ khuyến nông cộng đồng đã được thành lập, trong đó 2 tổ thí điểm thuộc Đề án của Bộ NN-PTNT. Tỉnh cũng đã xây dựng được 480 nông dân chuyên nghiệp từ các tổ khuyến nông cộng đồng để hoạt động bền vững và hiệu quả hơn.

Không vội vàng

Tỉnh Bến Tre tuy không nằm trong phạm vi thí điểm của Đề án, nhưng đến nay đã thành lập được 90 tổ khuyến nông cộng đồng với 720 thành viên tham gia. Trong đó, ngành nông nghiệp tỉnh đã xây dựng 10 tổ khuyến nông cộng đồng điểm để làm cơ sở nhân rộng.

Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bến Tre cũng tích cực phối hợp với các doanh nghiệp thực hiện liên kết chuỗi giá trị. Ngoài ra, tạo điều kiện cho các thành viên của tổ khuyến nông cộng đồng tham gia các mô hình nông nghiệp có nguồn vốn trong chương trình xây dựng nông thôn mới để tạo nguồn kinh phí hoạt động cũng như tăng thêm thu nhập và trình độ chuyên môn cho thành viên tổ khuyến nông cộng đồng.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, nên có các hoạt động tạo điều kiện cho lực lượng khuyến nông cộng đồng đa dạng hóa dịch vụ nông nghiệp. Ảnh: Kim Anh.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, nên có các hoạt động tạo điều kiện cho lực lượng khuyến nông cộng đồng đa dạng hóa dịch vụ nông nghiệp. Ảnh: Kim Anh.

Từ cách làm của tỉnh Bến Tre, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam đánh giá cao và xem đây là một trong những giải pháp cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của tổ khuyến nông cộng đồng theo tinh thần tự nguyện, trách nhiệm, công khai, dân chủ, nhưng phải có sự giám sát của cộng đồng và cơ quan quản lý nhà nước, không để các tổ khuyến nông cộng đồng “tự bơi”.

Những cán bộ khuyến nông phải được đào tạo về cách thức tổ chức HTX, liên kết với doanh nghiệp; cầm tay chỉ việc cho nông dân; cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nông dân. Đồng thời, phải nắm vững thông tin thị trường để định hướng cho nông dân sản xuất, trồng cái gì, giá cả thế nào, bán ở đâu, thậm chí là tìm đầu ra cho nông dân.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam bày tỏ, nên có các hoạt động tạo điều kiện cho lực lượng khuyến nông cộng đồng đa dạng hóa dịch vụ nông nghiệp. Cách làm này vừa hỗ trợ nông dân, vừa tạo điều kiện tăng thêm thu nhập cho đội ngũ khuyến nông, đảm bảo sứ mệnh là cánh tay nối dài của ngành nông nghiệp.

Đối với vùng ĐBSCL, đây là vùng sản xuất nông nghiệp năng động, vì thế hoạt động khuyến nông cũng rất đa dạng, không khu biệt vào một mô hình nào. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam đề nghị, Sở NN-PTNT các địa phương trong vùng cùng doanh nghiệp phối hợp để xây dựng đội ngũ khuyến nông cộng đồng thật sự có hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn sản xuất.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam (thứ 4 từ trái sang) trao thiết bị phục vụ công tác nghiệp vụ cho tổ khuyến nông cộng đồng do Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn Vingroup) tài trợ. Ảnh: Kim Anh.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam (thứ 4 từ trái sang) trao thiết bị phục vụ công tác nghiệp vụ cho tổ khuyến nông cộng đồng do Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn Vingroup) tài trợ. Ảnh: Kim Anh.

“Xây dựng được đội ngũ khuyến nông cộng đồng thật sự quan trọng, không nên vội vàng, xây dựng một loạt tổ khuyến nông cộng đồng mà không có nội dung và kinh phí để họ hoạt động. Phải thận trọng, bình tĩnh, chậm mà chắc trong xây dựng tổ chức khuyến nông cộng đồng, nếu không thành lập một thời gian rồi giải tán, muốn thành lập lại cực kỳ khó”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam lưu ý.

Đối với những địa phương đã thành lập tổ khuyến nông cộng đồng, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị phải củng cố lại, thường xuyên tập huấn để nâng cao trình độ cho lực lượng này. Song song đó, tạo mối liên kết dọc - ngang chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở nghiên cứu khoa học, cơ sở đào tạo, doanh nghiệp và đội ngũ khuyến nông cùng tham gia vào tiến trình hỗ trợ, đào tạo để xây dựng nông dân chuyên nghiệp.

Ông Võ Xuân Tân, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Hậu Giang cho biết: Ngay khi Bộ NN-PTNT triển khai thí điểm thành lập tổ khuyến nông cộng đồng, tuy không nằm trong Đề án nhưng Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang căn cứ vào hướng dẫn của ngành chuyên môn đã triển khai đến các địa phương và giao cho Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh làm đầu mối để xây dựng các tổ khuyến nông cộng đồng.

Hiện các tổ khuyến nông cộng đồng đã xây dựng kế hoạch và quy chế hoạt động, có tổ kỹ thuật nông nghiệp gồm các cán bộ nông nghiệp, bảo vệ thực vật, chăn nuôi, thú y. Các cán bộ được hưởng lương và có kinh phí hoạt động từ ngân sách nhà nước.

Xem thêm
Gần 3 tháng sau bão số 3, chăn nuôi Quảng Ninh khôi phục tốt

3 tháng sau bão số 3, chăn nuôi của Quảng Ninh, nhất là đàn gia cầm tăng mạnh, cơ bản khôi phục sản xuất so với trước bão.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Tạo cú hích cho Đề án 1 triệu ha lúa trong vụ đông xuân 2024-2025

Vụ đông xuân 2024 - 2025, nhiều giải pháp, mô hình đồng bộ sẽ được triển khai phục vụ Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại ĐBSCL.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.