Khuyến nông "bắt tay" cùng doanh nghiệp vào cuộc
Nhiều năm qua, Chính phủ và ngành nông nghiệp đã quan tâm và có nhiều giải pháp đồng hành cùng người dân trong sản xuất lúa gạo, đặc biệt là tại khu vực ĐBSCL. Điển hình có thể nhắc tới dự án vừa kết thúc rất thành công là Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ và Bộ NN-PTNT là cơ quan chủ quản.
Bên cạnh đó, vừa qua, theo chủ trương của ngành nông nghiệp, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu quan tâm hơn đến việc ứng dụng các giải pháp, các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất lúa gạo nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành, giảm chi phí, tiết kiệm vật tư và hướng tới giảm phát thải.
Có thể kể đến sự phối hợp giữa Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền trong triển khai ứng dụng những gói tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất tại 13 tỉnh sản xuất lúa gạo của ĐBSCL. Những quy trình kỹ thuật về giảm chi phí, canh tác thông minh… đều đã được Bộ NN-PTNT công nhận. Đó là tín hiệu đáng mừng khi các doanh nghiệp đã vào cuộc và thấy được sự cần thiết của việc phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo tại ĐBSCL.
Ngoài ra, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cũng tích cực phối hợp với Công ty TNHH Bayer Việt Nam tập hợp, triển khai những nhóm giải pháp sản xuất lúa gạo tiên tiến, hiệu quả, cụ thể nhất theo từng vùng miền. Một nhóm giải pháp không thể ứng dụng được cho tất cả các vùng miền nên chúng ta phải xác lập bản đồ để xác định những vị trí nhằm ứng dụng từng gói giải pháp kỹ thuật khác nhau, phù hợp và cụ thể tới từng khu vực.
Cũng nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Công ty TNHH Bayer Việt Nam, 2 bên hiện đang xây dựng những mô hình sản xuất lúa gạo tương lai (forward farm) tích hợp những giải pháp nhằm giảm chi phí và đặc biệt là những giải pháp hướng tới giảm phát thải tại Cần Thơ. Từ mô hình đó, 2 đơn vị cam kết sẽ tăng cường năng lực cho người sản xuất, giúp người dân làm chủ công nghệ, giảm chi phí, giảm phát thải nhưng không làm ảnh hưởng đến năng suất, thậm chí còn tăng năng suất, tăng chất lượng.
Cùng với đó, ngay khi Bộ NN-PTNT có định hướng xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo tập trung tại khu vực Tứ giác Long Xuyên ở ĐBSCL, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã triển khai một dự án khuyến nông kết hợp với tổ khuyến nông cộng đồng tại địa phương nhằm kết nối với nhiều HTX xây dựng các mô hình nhằm nâng cao hiệu quả canh tác lúa gạo và giảm chi phí sản xuất.
Đối với tất cả các hoạt động tại vùng sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã dành tối đa nguồn lực để tập trung từ quy trình công nghệ, xây dựng mô hình đến đào tạo huấn luyện và truyền thông. Trung tâm cũng phối hợp với các tổ chức quốc tế như Syngenta, Bayer… và doanh nghiệp trong nước như Bình Điền, Sài Gòn Kim Hồng… để tăng cường năng lực cho người sản xuất.
Có thể nói, hiện nay, các hoạt động chuyển giao tiến bộ kỹ thuật xung quanh sản xuất lúa gạo đã được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia triển khai đồng bộ và rộng khắp tại hầu hết các địa phương của ĐBSCL. Ngay trong tháng 9/2023, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và các đối tác sẽ rà soát, đánh giá, tổng kết lại và điều chỉnh những quy trình công nghệ cũng như những giải pháp nhằm liên tục cập nhật, thúc đẩy các mô hình sản xuất lúa gạo giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng và phát triển bền vững.
Các địa phương cần tổ chức lại hệ thống khuyến nông bằng các tổ khuyến nông cộng đồng, từ đó có thể thay đổi hình thức chuyển giao và lan tỏa nhanh chóng việc ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất lúa gạo. Nếu như trước đây, người dân chỉ được tiếp cận, biết đến một mô hình thông qua các hội thảo, hội nghị đầu bờ… thì giờ đây, thông qua tổ khuyến nông cộng đồng, người dân sẽ có thể kết nối tới các doanh nghiệp, các tổ chức, đơn vị… và mô hình tiên tiến sẽ được lan tỏa theo cấp số nhân.
Cản trở của những cánh đồng "không bao giờ lớn”
Cần phải nhìn nhận hiện nay, việc áp dụng những giải pháp sản xuất lúa gạo giảm phát thải của Việt Nam còn nhiều hạn chế và vẫn chưa được như kỳ vọng. Ví dụ điển hình là kỹ thuật canh tác lúa cải tiến (SRI). Kỹ thuật canh tác lúa cải tiến với quy trình điều tiết nước ướt - khô xen kẽ, điều tiết nước theo nhu cầu từng thời kỳ của cây lúa là một trong những giải pháp canh tác giúp giảm phát thải rất cơ bản.
Kỹ thuật này đã được phổ biến cho nông dân áp dụng từ lâu, song đến nay việc lan tỏa ra sản xuất vẫn chưa đạt được như kỳ vọng do gặp nhiều khó khăn, hạn chế về quy hoạch đồng ruộng lẫn tổ chức sản xuất. Chính vì vậy, nếu chúng ta sản xuất không có quy hoạch, không có tổ chức thì sẽ không thể áp dụng kỹ thuật này.
Nếu mỗi hộ nông dân sản xuất trên một mảnh ruộng, với một giống lúa khác nhau, ở các thời kỳ khác nhau sẽ khó để có thể hướng đến sản xuất lớn. Chúng ta vẫn muốn sản xuất cánh đồng lớn nhưng nếu vẫn còn cốt đất khác nhau, mùa vụ khác nhau, giống lúa khác nhau thì những cánh đồng sẽ không bao giờ “lớn”, và việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật nhằm giảm phát thải, điển hình như SRI sẽ rất khó thực hiện.
Vì vậy, để những tiến bộ kỹ thuật phục vụ sản xuất lúa giảm phát thải được áp dụng thuận lợi, hiệu quả và bền vững, cần phải tổ chức được sản xuất cánh đồng lớn, có liên kết sản xuất. Cánh đồng lớn phải được quy hoạch, thiết kế để phù hợp để áp dụng các giải pháp kỹ thuật. Ví dụ để áp dụng SRI, việc điều tiết nước phải được thực hiện đồng loạt chứ không thể 2 ruộng cạnh nhau mà bên ướt bên khô...
Như vậy, để phục vụ cho chiến lược sản xuất lúa giảm phát thải, đòi hỏi phải có những giải pháp đồng bộ từ quy hoạch đồng ruộng, thủy lợi, tổ chức cánh đồng lớn, liên kết sản xuất, áp dụng đồng bộ quy trình tiến bộ kỹ thuật... Trong đó, cần nêu cao vai trò của việc "kết nối dọc" giữa nông dân cũng như các tổ chức sản xuất với các doanh nghiệp; "kết nối ngang" giữa các HTX với HTX, doanh nghiệp với doanh nghiệp...
Cần có chế tài với doanh nghiệp hời hợt, vô trách nhiệm
Hiện nay, có thể nói nhà nước, chính quyền các cấp ở nhiều địa phương đã đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp để phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo, giảm phát thải. Nhiều doanh nghiệp cũng đã và đang đầu tư, liên kết chặt chẽ với nông dân, HTX và sát cánh chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để vừa giảm chi phí, tăng năng suất, giá trị, lợi nhuận cho nông dân, vừa tạo nguồn nguyên liệu lúa gạo chất lượng cao phục vụ xuất khẩu cũng như đi đúng hướng về giảm phát thải trong canh tác lúa.
Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn đó sự thờ ơ, vô trách nhiệm, tư duy "ăn xổi" của không ít doanh nghiệp lúa gạo, thậm chí là những doanh nghiệp lớn. Cần phải lên án mạnh mẽ thực trạng này bởi chính sự thờ ơ đó đã làm chậm tiến trình phát triển của ngành hàng lúa gạo mà chúng ta mong muốn.
Những doanh nghiệp có thái độ “hời hợt” sẽ không cần phải đầu tư nhiều, không phải đóng góp nhiều cho cộng đồng, xã hội, không phải chịu nhiều rủi ro mà đôi khi còn thu về lợi nhuận cao hơn, “ăn xổi” hơn các doanh nghiệp đang tích cực tham gia vào chủ trương chung.
Vì vậy, thiết nghĩ cần nhìn nhận từ sự mù mờ, thiếu minh bạch này trong thực tế để xây dựng những chế tài, những quy định về điều kiện đối với doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu lúa gạo về điều kiện tham gia thị trường, điều kiện liên kết sản xuất một cách chặt chẽ hơn để đảm bảo sự phát triển bền vững ngành lúa gạo.
Về kế hoạch phát triển sản xuất ngành hàng lúa gạo giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng và giảm phát thải thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã trình và được Bộ NN-PTNT đồng ý tiếp tục mở rộng các dự án khuyến nông bằng nguồn ngân sách của nhà nước và phối hợp với các doanh nghiệp xây dựng các mô hình tiên tiến, hiệu quả.
Hiện nay, chúng ta đang có những điều kiện chuẩn bị tương đối tốt cả về giải pháp công nghệ lẫn phương thức tổ chức để triển khai thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao giảm phát thải tại ĐBSCL. Trung tâm khuyến nông tại các địa phương cũng đều đã nắm rõ những quy trình sản xuất lúa gạo bền vững, giảm phát thải.
TS Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia
Phạm Hiếu - Lê Bền (Ghi)