| Hotline: 0983.970.780

Tránh nóng vội trong triển khai khuyến nông cộng đồng

Thứ Năm 17/08/2023 , 15:51 (GMT+7)

LẠNG SƠN Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam lưu ý phải tránh nóng vội trong quá trình triển khai tổ khuyến nông cộng đồng, nhân rộng các mô hình khuyến nông cộng đồng có hiệu quả.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Lâm Hùng.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Lâm Hùng.

Ngày 17/8 tại Lạng Sơn, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp cùng Trường Cao đẳng Công nghệ và Nông lâm Đông Bắc (Bộ NN-PTNT) tổ chức tọa đàm "Giải pháp nâng cao năng lực khuyến nông cơ sở thông qua kiện toàn tổ khuyến nông cộng đồng các tỉnh phía Bắc”. Tham dự tọa đàm có các Sở NN-PTNT, trung tâm khuyến nông các tỉnh, thành phố phía Bắc.

Tọa đàm tập trung đánh giá tình hình triển khai thành lập và hoạt động của các tổ khuyến nông cộng đồng thời gian qua, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động và định hướng, giải pháp trong thời gian tới. Trên cơ sở kết quả thảo luận, là cơ sở để Bộ NN-PTNT có quan điểm chỉ đạo, định hướng cho các địa phương triển khai thực hiện về đổi mới hoạt động khuyến nông, đặc biệt là việc thành lập và hoạt động của tổ khuyến nông cộng đồng.

Tại tọa đàm, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết sau hơn một năm triển khai Đề án Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng giai đoạn 2022 - 2025, các tỉnh tham gia Đề án đã xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm đối với công tác khuyến nông là nhanh chóng củng cố, kiện toàn hệ thống khuyến nông các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở theo mô hình tổ khuyến nông cộng đồng.

Qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến nông theo hướng đa dạng hóa chức năng và loại hình hoạt động khuyến nông, phát triển dịch vụ khuyến nông theo hướng xã hội hóa, tích hợp đa giá trị nhằm tạo ra giá trị gia tăng và hiệu quả kinh tế cho các đối tượng tham gia khuyến nông.

Ngày 8/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 318/QĐ-TTg về Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có tiêu chí quy định xã đạt chuẩn nông thôn mới phải có tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động hiệu quả.

Đây là nội dung yêu cầu mới trong Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu nhằm phát huy vai trò của hệ thống khuyến nông trong phát triển sản xuất nông nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống người dân ở các xã nông thôn mới.

Để hướng dẫn các địa phương triển khai hiệu quả nội dung này, Bộ NN-PTNT đã phê duyệt Đề án thí điểm “Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng”.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam tặng tài liệu cho đại diện các sở NN-PTNT, trung tâm khuyên nông các tỉnh phía Bắc.  Ảnh: Lâm Hùng.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam tặng tài liệu cho đại diện các sở NN-PTNT, trung tâm khuyên nông các tỉnh phía Bắc.  Ảnh: Lâm Hùng.

Sau hơn 1 năm triển khai, Đề án đã nhận được sự quan tâm ủng hộ của các cấp, các ngành và sự vào cuộc tham gia rất tích cực của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương cũng như các doanh nghiệp, đã tạo nên một phong trào về khuyến nông cộng đồng trong toàn hệ thống khuyến nông.

Ở 13 tỉnh tham gia Đề án, đã thành lập được 26 tổ khuyến nông cộng đồng thí điểm (với tổng số 168 thành viên) và 562 tổ khuyến nông cộng đồng mở rộng (với tổng số 4.276 thành viên). Đề án đã tổ chức được nhiều hoạt động nâng cao năng lực cho các tổ khuyến nông cộng đồng như: Hướng dẫn xây dựng quy chế hoạt động, tổ chức tập huấn, tư vấn, hội thảo, tọa đàm, truyền thông, xây dựng bộ tài liệu đào tạo khuyến nông cộng đồng để sử dụng rộng rãi trên toàn quốc.

Theo ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, các tỉnh tham gia Đề án tổ khuyến nông cộng đồng phải xác định hoạt động khuyến nông phải đạt hiệu quả mới thu hút được sự quan tâm của người dân, từ đó mới lan tỏa được mô hình này rộng rãi trên cả nước. Người dân chính là chủ thể phát triển, ở đâu có ruộng, vườn, ao, chuồng thì ở đó có hoạt động khuyến nông, có cán bộ khuyến nông.

Bên cạnh đó, các vấn đề khó khăn của các tổ khuyến nông gặp phải trong quá trình triển khai đề án thường nằm ở việc xây dựng quy chế khuyến nông cộng đồng chưa thực sự dân chủ, thiếu sự thảo luận và đóng góp của khuyến nông viên cộng đồng, chính quyền địa phương nên đôi khi quy chế này được xây dựng mang tính hành chính.

Sau hơn 1 năm triển khai, tổ khuyến nông cộng đồng đã bước đầu khẳng định hiệu quả hoạt động. Ảnh: TL.

Sau hơn 1 năm triển khai, tổ khuyến nông cộng đồng đã bước đầu khẳng định hiệu quả hoạt động. Ảnh: TL.

Chia sẻ tại tọa đàm, nhiều địa phương cho biết trong quá trình triển khai Đề án tổ khuyến nông cộng đồng, có nhiều đơn vị, tổ chức làm khuyến nông (khuyến nông của các doanh nghiệp, khuyến nông của các dự án) nên có sự cạnh tranh về dịch vụ khuyến nông, chưa liên kết được. Các thành viên trong tổ còn hạn chế về kiến thức để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của tổ khuyến nông cộng đồng, đặc biệt là kiến thức về phát triển thị trường, quản trị HTX, liên kết theo chuỗi giá trị, quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp...

Một số tỉnh phía Bắc như Hà Giang, Lào Cai trong quá trình triển khai Đề án còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn cơ sở vật chất, phương tiện đi lại, cán bộ làm công tác khuyến nông phải kiêm nhiều việc nhưng phụ cấp hỗ trợ còn thấp.

Sự phối hợp chỉ đạo sản xuất giữa ngành nông nghiệp với chính quyền địa phương và cơ quan liên quan đôi lúc chưa thường xuyên, chặt chẽ, nhất là công tác giải quyết khó khăn trong các khâu sản xuất, vì vậy việc triển khai nhiệm vụ theo yêu cầu của cơ quan quản lý, chính quyền địa phương của tổ khuyến nông cộng đồng chưa phát huy hiệu quả...

Cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế hoạt động để các tổ khuyến nông cộng đồng phát huy tốt hơn nữa vai trò của mình. Ảnh: Minh Hậu.

Cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế hoạt động để các tổ khuyến nông cộng đồng phát huy tốt hơn nữa vai trò của mình. Ảnh: Minh Hậu.

Trước những khó khăn, hạn chế này, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị cần phải xác định rõ vai trò của hoạt động khuyến nông, các dịch vụ công phải bao phủ được hết toàn bộ nông dân, trong quá trình triển khai Đề án tổ khuyến nông cộng đồng cần tránh tình trạng “đèn nhà ai nhà nấy rạng”, các tỉnh tham gia Đề án cần phải có sự thống nhất trong các quy định chung.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam lưu ý, phải tránh nóng vội trong quá trình triển khai tổ khuyến nông cộng đồng. Các mô hình hiệu quả ở các địa phương nên được chia sẻ rộng rãi, nếu cần thiết sẽ tổ chức các đoàn, nhóm học tập, triển khai áp dụng sao cho phù hợp với nhu cầu của địa phương mình.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng yêu cầu Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới; Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức tham mưu Bộ NN-PTNT về việc sử dụng nguồn vốn, kinh phí, tài liệu phục vụ cho hoạt động của khuyến nông cộng đồng ở cơ sở, đồng thời tập trung vào công tác đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, đạt chất lượng cao cho lĩnh vực khuyến nông...

Xem thêm
Trại lợn đầu độc kênh mương

Tiền Giang Đang mùa khô hạn, thiếu nước sản xuất nhưng tại một số nơi dòng nước kênh bị ô nhiễm bởi chất thải do một bộ phận người chăn nuôi kém ý thức xả xuống.

Vĩnh Long tiêm miễn phí 60 ngàn liều vacxin phòng bệnh dại

Vĩnh Long Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản tỉnh Vĩnh Long cho biết, trong năm 2024, tỉnh sẽ tiêm miễn phí 60 ngàn liều vacxin phòng bệnh dại cho đàn chó trên địa bàn.

Bình Thuận phát động chiến dịch diệt chuột

Tỉnh Bình Thuận phát động chiến dịch diệt chuột từ tỉnh đến các thôn xóm, từng hộ dân...

Lãi gấp đôi khi chuyển sang trồng rau thủy canh

HẢI PHÒNG Mạnh dạn chuyển sang ứng dụng công nghệ mới trong trồng rau, Hợp tác xã nông nghiệp Thái Sơn đã thu được lợi nhuận gấp đôi bình thường ngay trong vụ đầu tiên.

Bình luận mới nhất

Trong bài này, tác giả (sau đây xưng là Nattoi) để cập chủ yếu 03 vấn đề, trong đó chủ yếu tập trung cho giải quyết vấn đề số 1, hai vấn đề còn lại chỉ được nhắc đến: Một: Phương pháp thiết kế điều tiết lũ hiện hành chưa đưa thông số mực nước an toàn ở hạ du vào tính toán nên yêu cầu phòng chống lũ cho hạ du chưa được đảm bảo và không có tiêu chí để xác định hiệu quả vận hành giảm lũ. Vấn đề này đã được Nattoi giải quyết cả về mặt lý thuyết và thực hành (trình bày ở mục 3.4). Hai: Tiêu chí xác định MNCNTL, MNTNĐL không được công khai, minh bạch, làm cho việc kiến nghị điều chỉnh hạ thấp 2 mực nước đối với các hồ chứa thủy điện nhằm tăng dung tích trống phòng lũ là điều bất khả. Về vấn đề này (trình bày tại Mục 3.1), Nattoi chưa nêu cụ thể phương án giải quyết là để tập trung nội dung vào vấn đề số 1 như đã nêu, nhưng hướng giải quyết là đã có. Ba: Vấn đề bán con trâu mà tiếc sợi dây thừng: Thiết kế xây dựng đập, hồ chứa nước được tính toán an toàn ổn định lật, trượt đến mực nước lớn nhất thiết kế và kiểm tra với mực nước lớn nhất kiểm tra, cho phép giữ mực nước hồ không vượt quá mực nước lớn nhất kiểm tra nhưng lại chỉ cho phép sử dụng dung tích trống phòng lũ đến mực nước dâng bình thường là sự lãng phí ghê gớm trong đầu tư xây dựng và quản lý an toàn đập, hồ chứa nước. Hướng giải quyết vấn đề số 3 (trình bày tại Mục 3.2) vốn là tự nhiên đã có nhưng không được sử dụng vì không nghĩ đến giảm lũ cho hạ du.
+ xem thêm